Phát biểu khai mạc hội nghị "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)" sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, đem lại cơ hội cho cả 2 phía Việt Nam và EU, đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP. |
Riêng với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,2-3,3% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện) và 4,6-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo). Cho 5 năm sau đó, mức tăng thêm khoảng 7,1-7,7%.
Nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, nếu thực hiện đồng thời EVFTA và CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Những cam kết trong EVFTA cũng dự kiến mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, với mức tăng gần 45% năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định. Đồng thời, hợp tác toàn diện này cũng dự kiến mang đến gần 150.000 việc làm mới mỗi năm.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp không kiên trì, sáng tạo. "Doanh nghiệp cần đổi mới mô hình tăng trưởng, tự thay đổi chính mình và vươn đến những mục tiêu cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế lớn là đối tác của Việt Nam đang trải qua đợt suy giảm nặng nề, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để nâng mình trước EU.
Thủ tướng cho rằng, những vấn đề ban đầu gây khó khăn trong quá trình thực thi EVFTA là sự thiếu sót trong nhận thức về hiệp định, vướng mắc về pháp lý và hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, quy mô sản xuất...
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, trước hết nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về EVFTA và các FTA khác để doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước hiểu cặn kẽ, có định hướng tận dụng tốt hơn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực và kết cầu hạ tầng được Thủ tướng đánh giá là những yếu tố sống còn trong kinh doanh. "Chính phủ và các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hiệu quả, chung tay cùng doanh nghiệp trong thời gian tới", Thủ tướng nêu rõ.
Đặc biệt, phát triển bền vững là một yêu cầu quan trọng trong EVFTA, trong đó đề cao trách nhiệm xã hội, bảo hộ việc làm, lao động. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp để tất cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng vào cuộc, hoàn thành tốt cam kết này.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, khi EVFTA đi vào đời sống, hàng hóa nội địa sẽ cần cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm từ EU. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.