V
ào năm 2015, Sam Kazemian, kĩ sư phần mềm tốt nghiệp Đại học California chuyên ngành Khoa học Thần kinh và Triết học, cùng với Travis Moore và một designer người Thụy Điển, Theodor Forselius sáng lập trang web Everipedia - đối trọng với Wikipedia.
Sau đó một năm, đồng sáng lập trang web chuyên lưu trữ lời bài hát đủ mọi thể loại Rap Genius, Mahbob Moghadam cũng tham dự vào dự án và bắt đầu thay đổi bộ mặt ban đầu của Everipedia.
"Tôi gặp Sam khi đang thuyết trình tại Đại học California. Sau khi nghe ý tưởng của anh ấy về một trang web giống như Wikipedia nhưng có phần vượt trội hơn, tôi ủng hộ ngay tắp lự và bắt đầu gây quỹ cho nó", Mahbob Moghadam chia sẻ.
Everipedia được cho là tương lai, là bước đà quan trọng trong sự phát triển của Internet. Bằng cách học tập và kết hợp những phần tốt nhất của Wikipedia, Reddit và Google, trang web tự nhận là một bách khoa toàn thư điện tử đồ sộ bậc nhất Internet với nhiều tính năng giống như mạng xã hội, đó là cho phép bất kì ai cũng có khả năng đóng góp nội dung, hình ảnh, video clip. Chứ không giới hạn chỉ một vài ngàn cây bút như Wikipedia.
Everipedia có gì khác so với Wikipedia?
E
veripedia có giao diện và phương thức vận hành giống với một mạng xã hội. Không giống như Wikipedia, trang web này cho phép độc giả tự do bình luận và chỉnh sửa cũng như thêm vào các thông tin trong một bài viết. Mặt khác, Everipedia thường tập trung vào các chủ đề thời sự nóng sốt, trong khi Wikipedia thiên về cung cấp kiến thức ở mọi ngành nghề, đúng nghĩa một bách khoa toàn thư điện tử.
Khác với Wikipedia là một trang web hoàn toàn phi lợi nhuận, Everipedia được điều hành và gây quỹ bởi công ty đầu tư Mucker Capital tại Los Angeles. Trang web này nhận tiền chạy quảng cáo cũng như buộc người dùng bỏ ra một khoản phí để có thể tra cứu một vài thông tin quan trọng.
Wikipedia là một bách khoa toàn thư điện tử phi lợi nhuận. |
Hơn nữa, chính sách kiểm duyệt thông tin của Everipedia hoàn toàn không có. Trong bản miêu tả về mình, Everipedia đã đề cập rằng "Không giống Wikipedia, Everipedia cho phép mọi người viết về mọi chủ đề con người, tổ chức, ý tưởng,... mà có thể trích dẫn từ nhiều nguồn". Trong khi Wikipedia có hẳn một bản quy định về bản quyền và nguồn trích dẫn cho các bài viết.
"Khi người dùng mới chân ướt chân ráo trở thành một cây bút của Wikipedia, bạn sẽ được cung cấp một khóa học về quản lý thư viện cũng như luật sở hữu trí tuệ", Mark Hetherington, admin trang web Wikipedia cho hay.
Theo tờ Theoutline, chính bởi chính sách rộng mở vô tội vạ, không kiểm soát nội dung của Everipedia mà những tin tức sai lệch mọc lên như nấm sau mưa sau mỗi sự kiện kinh hoàng tại Mỹ, mà gần đây nhất là vụ nổ sung tại Las Vegas và vụ Charlottesville.
Everipedia: một Wikipedia của tin giả mạo
Vào đêm cuộc nổ súng kinh hoàng tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas hôm 1/10 vừa rồi, trước khi cảnh sát xác định được thủ phạm là một con bạc 62 tuổi mang tên Stephen Craig Paddock. Nhiều thông tin kết tội Geary Danley, người tình của gã sát nhân mới là thủ phạm bỗng dưng tràn ngập Internet, mặc dù cô chính là người cố gắng ngăn chặn tội ác của hắn bằng cách thông báo với mọi người.
Sự việc mau chóng được phơi bày, Geary Danley được minh oan, cô bị nghi ngờ không phải vì có mối quan hệ tình cảm với tên thủ ác thật sự. Ngọn nguồn của thông tin sai lệch trên là từ bài đăng của môt người viết mang tên CUCKMONGlER, bài viết không dẫn nguồn và tự ý cho rằng cảnh sát Las Vegas kết tội Danley.
Vụ xả súng tại Las Vegas hôm 1/10 vừa rồi gây rung động dư luận. |
Sau khi nhận ra sai sót, bài viết đã cập nhật thêm thông tin về Danley là cô ấy vô tội. Tuy nhiên, bất chấp việc gã sát thủ đã tự tử ngay sau khi thực hiện hành vi tội ác, người viết cố tình dẫn nhiều nguồn tin sai lệch rằng hắn vẫn còn sống, đồng thời dẫn link vào nhiều tài khoản cá nhân của Danley như Twitter, Facebook, Instagram và Linkedln không rõ nhằm mục đích gì.
"Đây không phải lần đầu tiên Everipedia không chịu xóa các thông tin sai lệch và dẫn link vào tài khoản mạng xã hội cá nhân của những người có liên đới đến các sự kiện thảm kịch trên, mặc dù họ không phải là thủ phạm", John Christian, cây bút của The Outline cho hay.
Một sự việc khác cũng nghiêm trọng không kém là vụ bạo loạn ở Charlottesvile, sau khi đưa thông tin sai lệc về nhân dạng của tài xế thủ phạm tông xe vào đám đông phản đối cuộc biểu tình, Everpedia đã tạo ra hai trang viết: một trang thông báo chính xác thủ phạm của vụ việc trên là James Alex Fields Jr. Còn trang khác là thông tin cá nhân của nạn nhân bị trang web này đưa tin sai, cùng với đường dẫn vào Facebook và Instagram của anh ta.
Everipedia lan truyền tin giả tạo về thủ phạm của vụ Charlottesville. |
Phương thức tự ngụy tạo một thủ phạm từ những người có liên quan tới vụ việc trên giúp Everipedia kiếm lời từ những lượt tìm kiếm trên Internet. Các bài viết mang nặng tính cực đoan, phân biệt chủng tộc của Joshua Thomas King, cầm đầu cuộc bạo động Charlottesvile đã bị hạn chế bởi Wikipedia, trong khi ở Everipedia, nó nằm trong top đầu được tìm kiếm nhiều nhất.
Nhờ vào phương thức dối trá đã đề cập trên, lượt truy cập và tìm kiếm ở các bài viết kiểu này gia tăng đáng kể chẳng hạn như chủ đề về Danley có hơn 134.000 lượt xem, trong khi bài đăng về vụ nổ súng chỉ có 7.000 lượt.
"Everipedia sẽ vượt mặt Wikipedia với 6 triệu bài viết tiếng Anh so với 5,4 triệu của trang web đồng nghiệp trong khoảng thời gian gần nhất, Everipedia sẽ sớm trở thành một phiên bản vượt trội hơn Wikipedia", Mahbog Moghadam, đồng sáng lập Everipedia nói.
Everipedia không thể thay thế Wikipedia
T
ôn chỉ của Everipedia: "Trở thành một bách khoa toàn thư điện tử kiểu mới" đã không còn đúng nữa khi trang web cho phép tin tức giả mạo lan truyền tràn lan. Theo John Christian, càng nhìn sâu vào Everipedia, chủ đề của trang web chỉ xoay quanh những từ khóa được quan tâm nhiều nhất Internet, rất nhiều trong số đó có màu sắc tiêu cực chẳng hạn như bạo loạn sắc tộc, các nhóm hoạt động cực đoan, cảnh sát tấn công dân thường,... Trang web hiện có rất ít những chủ đề chuyên sâu, cung cấp nhiều kiến thức chuyên ngành hữu ích.
Trang bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia có nhiều bài viết chuyên sâu trên mọi lĩnh vực. |
Trong khi Wikipedia cho phép người dùng chia sẻ bài viết của mình thông qua giấy phép Creative Commons (tài sản sáng tạo công cộng), Everipedia bắt người viết kí tên dưới mỗi bài viết và trang web có toàn quyền sử dụng những thông tin, bài viết ấy để gây lợi nhuận cho chính họ.
Đồng thời, người dùng phải trả 299 USD mỗi năm để được Everipedia cung cấp quyền hạn "kiểm soát cập nhật bài viết và phòng chống các tin tức sai lệch". Hơn nữa, trang web từng tuyên bố "không quảng cáo" nhưng các thể loại quảng cáo thi thoảng vẫn xuất hiện cùng với đường dẫn của nhiều nhà tài trợ.
Nhà sáng lập của Everipedia, Maghodam nhiều lần tuyên bố rằng lượt truy cập của trang web ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo số liệu gần đây nhất của trang Similarweb, Everipedia đúng là nhận được lượt tìm kiếm khá cao trên Google, vào khoảng 72,23% (sau khi vụ nổ súng ở Las Vegas diễn ra).
Nếu so với Wikipedia, trang web có lượng truy cập liên tục tầm 6,06 tỷ lượt so với chỉ 1,96 triệu lượt của Everipedia, chứng tỏ người dùng ngày càng nhận ra bản chất thật của trang web này.
Chính vì thế, ngay trên chính Everipedia, đã có rất nhiều bài viết nói về quan niệm đạo đức trong việc chia sẻ thông tin cá nhân của những người vô tình liên đới đến vụ việc, mặc dù họ không phải thủ phạm.
Everipedia không thể nào thay thế Wikipedia. |
"Trang web này tự dưng kết tội một người nào đó thành thủ phạm, lẽ ra họ phải xin lỗi anh ấy thay vì làm những trò vô ích như vậy", một người dùng bình luận trong bài viết sai lệch về thủ phạm vụ Las Vegas.
Everipedia không phải trang web duy nhất mong muốn trở thành đối trọng của Wikipedia. Vào năm 2006, Andrew Schlafly, một luật gia và nhà hoạt động Công giáo đã tạo ra trang Conservapedia. Đồng thời, trang Encyclopedia Dramatica với hình thức tương tự cũng được thành lập bởi Sherrod DeGrippo, giám đốc công ty Emerging Threats. Nhưng, tất cả hai trang web trên đều không thể duy trì lâu dài vì vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ.