Cụ thể, EVFTA được thông qua với 401 phiếu thuận, còn EVIPA được thông qua với 407 phiếu thuận.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ngày 12/2 cho biết Việt Nam sẽ phê chuẩn EVFTA trong kỳ họp quốc hội sắp tới.
Hiệp định toàn diện nhất giữa EU với một nước đối tác đang phát triển
EVFTA là hiệp định được đánh giá là toàn diện nhất giữa EU với một nước đối tác đang phát triển.
Trước đó, EVFTA và EVIPA đã được Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu thông qua ngày 21/1 tại Brussels, Bỉ, để trình lên EP. Theo đó, EVFTA được thông qua với số phiếu 29/40, trong khi EVIPA được chấp nhận với 26 phiếu thuận.
EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam với EU sẽ là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới phê chuẩn.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch EP David Sassoli. Ảnh: VPG. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Brussels, Bỉ và Strasbourg, Pháp với tư cách là Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, chiều 11/2, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch EP David Sassoli.
Chủ tịch EP David Sassoli bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Chủ tịch EP khẳng định ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam, nhấn mạnh EU coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương, mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa EU và các nước ASEAN.
Chủ tịch Sassoli khẳng định cá nhân ông và nhiều nghị sĩ ủng hộ việc EP phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam và EU, bày tỏ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam trong quá trình phối hợp với EP và các cơ quan EU chuẩn bị cho bỏ phiếu phê chuẩn hai hiệp định tại EP.
Chủ tịch Sassoli đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thực thi hiệu quả các hiệp định, đem lại lợi ich thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai bên.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao gặp Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan. Ảnh: VPG. |
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU; đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác hợp tác toàn diện (PCA) có hiệu lực; mong muốn lãnh đạo và các nghị sỹ EP tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong giai đoạn hợp tác mới sau 30 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020).
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ đánh giá cao vai trò lãnh đạo, sự ủng hộ của Chủ tịch Sassoli cũng như sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan EP trong tiến trình phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, hoan nghênh việc EP khóa mới sớm ấn định lịch trình phê chuẩn hai hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ hoạt động.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng thông báo Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét phê chuẩn hai hiệp định, khẳng định các cơ quan liên quan của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị để thực thi hiệu quả các cam kết, nhất là các cam kết về phát triển bền vững, lao động, môi trường…; đề nghị EP và các cơ quan EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình thực thi hiệp định thời gian tới.
65% thuế quan hàng xuất khẩu của EU tới Việt Nam sẽ được loại bỏ
Việt Nam và EU đã ký EVFTA và EVIPA tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 30/6, cột mốc quan trọng mở đường cho quá trình phê chuẩn ở Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam.
Tại cuộc họp báo tối 31/10 của phái đoàn Nghị viện Châu Âu sang thăm Việt Nam, từ trái qua: Jan Zahradil, Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế; Bernd Lange (giữa), Chủ tịch ủy ban; và Giorgio Aliberti, đại sứ EU tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU chính thức bắt đầu từ tháng 6/2012 và kết thúc vào ngày 2/12/2015. Tuy nhiên, việc đưa ra kết luận chính thức về thỏa thuận bị trì hoãn vì hai bên phải chờ Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) quyết định về yêu cầu đối với việc phê chuẩn thỏa thuận.
Theo ý kiến được ECJ đưa ra vào tháng 5/2017, Ủy ban Châu Âu quyết định chia thành 2 thỏa thuận riêng biệt để ký kết và phê chuẩn. Trong khi EVFTA chỉ cần sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu để có hiệu lực thì EVIPA cần cả sự phê chuẩn của quốc hội tất cả các nước thành viên EU.
EVFTA được trông chờ không chỉ vì đây là thỏa thuận song phương "thế hệ mới" mà còn vì đây là FTA thứ tư mà EU ký kết tại châu Á, sau các thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông Nam Á, sau Singapore, với kim ngạch hai chiều đạt mức 50 tỷ euro/năm về hàng hóa và 4 tỷ euro về dịch vụ. Hiệp định được kỳ vọng mở ra giai đoạn mới trong giao thương giữa hai bên.
"65% thuế quan hàng xuất khẩu của EU tới Việt Nam sẽ được loại bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, trong khi số còn lại sẽ được loại bỏ dần dần trong thời gian 10 năm", Hội đồng Châu Âu cho hay trong một thông cáo hồi tháng 6. Trong khi với hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU, con số tương ứng lần lượt là 71% và 7 năm.