Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội.
- Thưa ông, suốt quý I/2014, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội khá ì ạch nhưng từ tháng 5 trở đi, mức tăng đạt khá. Nguyên nhân cụ thể ở đây là gì?
- Đúng là những tháng đầu năm, chung tình trạng khó khăn như cả nước nên tín dụng tại địa bàn Hà Nội không như kỳ vọng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chẳng hạn chương trình “Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp” nên mức tăng cải thiện khá rõ nét.
Trong tháng 7/2014, doanh số cho vay đạt tới 417.532 tỷ đồng, tăng tới 19,44% so với tháng trước. Các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay bán lẻ, cho vay nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; ưu tiên nguồn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Dự kiến đến 31/8/2014, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có thể đạt 918 nghìn tỷ đồng, tăng so với tháng 7/2014.
- Đối với vấn đề thu nợ, đặc biệt là nợ quá hạn và chất lượng tín dụng thì cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Trong tháng 7/2014, doanh số thu nợ đạt khá với mức tăng tới 31,4% so với tháng 6/2014. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,1% so với 30/6/2014. Đối với chất lượng tín dụng, riêng về nợ quá hạn tính đến 31/7/2014 giảm 0,1% so với 30/6/2014. Tình hình thanh khoản của các đơn vị trên địa bàn rất tốt, nguồn huy động tăng, dự trữ khả dụng tốt và đảm bảo khả năng chi trả ngay. Hầu hết các đơn vị đều đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động.
- Trong bối cảnh tín dụng toàn hệ thống tăng thấp, đã có ý kiến lo ngại “miếng bánh” tín dụng dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ bị teo tóp thêm, vấn đề này ở Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Hoàn toàn không như thế. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng và tốc độ tăng tín dụng của các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang diễn biến đúng hướng. Cụ thể, đến 31/8, dư nợ cho vay “tam nông” đạt 49.412 tỷ đồng, chiếm 7,35% tổng dư nợ và tốc độ tăng đạt 3,44% so với 31/12/2014.
Tương tự đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa: dư nợ đạt 291.835 tỷ đồng, tỷ trọng 43,4% và tốc độ tăng 1,53%; cho vay xuất khẩu: dư nợ 112.643 tỷ đồng, tỷ trọng 16,75% và tốc độ tăng 1,95%. Cùng đó, dư nợ cho vay chính sách xã hội đạt 4.549 tỷ đồng, tăng 7,21%; cho vay tiêu dùng đạt 65.605 tỷ đồng, tăng 1,44%...
- Thưa ông, khá nhiều địa phương, đặc biệt là TP.HCM đã có sự đột phá trong tăng trưởng tín dụng nhờ chương trình “Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp”. Tại Hà Nội, việc kết nối trên đang diễn biến theo chiều hướng nào?
- Đây là sáng kiến khá hay của TP.HCM và hiện được nhân rộng ở nhiều địa phương. Với Hà Nội, dù triển khai sau nhưng cách làm của chúng tôi tương đối đồng bộ và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhập cuộc.
Cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố tổ chức hội nghị toàn thể sở, ngành, quận huyện; quán triệt nội dung và triển khai khá rốt ráo. Trong quá trình thực hiện, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước xuống tận các quận huyện làm đầu mối, kết nối cho từng doanh nghiệp với từng ngân hàng. Có những ngân hàng hay doanh nghiệp muốn tổ chức lễ ký tại trụ sở mình cho hoành tráng và tiện thể làm thương hiệu, chúng tôi duyệt ngay.
Về tổng thể, tính đến 22/8/2014, đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh lãi suất ký kết 3.563 tỷ đồng, đã giải ngân 3.023 tỷ đồng; cấp tín dụng mới, ký kết được 8.796 tỷ đồng, đã giải ngân được 2.612 tỷ đồng.
- Rải rác đâu đó vẫn có phản ánh lãi suất vay cao, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tình trạng này ở Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Do thanh khoản hệ thống, vốn khả dụng dồi dào nên lãi suất huy động đã giảm, khối nhà nước thấp hơn khối cổ phần từ 0,2% - 1,2%/năm; do đó, lãi suất tiền vay cũng giảm theo.
Cụ thể, trong tháng 8/2014, lãi suất cho vay VND phổ biến đối với “tam nông”, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao đều ở mức 7% - 8%; lãi suất cho vay thông thường 9% - 10% đối với ngắn hạn và 10,5% - 12%/năm đối với trung dài hạn. Ở những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, phương án sản xuất kinh doanh tốt, nhiều ngân hàng còn giảm rất sâu, chỉ ở 6 - 7%/năm. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cho vay tiêu dùng, cho vay qua thẻ ở mức 14-15%/năm cũng phải thôi, vì đó là do thỏa thuận giữa người vay và ngân hàng.
Nếu Ngân hàng Nhà nước “ép” lãi suất ở lĩnh vực này xuống thì nhiều khi còn bất cập hại, ở chỗ ngân hàng không cho vay nữa vì rủi ro nhiều, lợi nhuận ít và khi đó, tín dụng đen lại bùng phát hơn.