Ngày 22/3, đường dây nóng nhận được ba tin nhắn cầu cứu khẩn thiết của một cô gái tên D. (23 tuổi, quê Thanh Hóa) với nội dung: “Làm ơn giải cứu bọn em, bọn em bị bán vào quán cà phê ôm ở Bình Dương và hiện đang bị đánh đập”.
Từ manh mối nạn nhân cung cấp về đối tượng đăng tin tuyển dụng, nhóm PV đã lần theo đường dây này để vạch mặt kẻ lừa đảo và giải cứu nạn nhân.
Ông Vũ - một nhân vật trong đường dây ép gái quê đi bán cà phê ôm - đến gần cầu vượt An Sương (quận 12) đón nhân viên mới tuyển về Bình Dương. |
Mánh khóe lừa đảo
Sáng 23/3, tôi (PV) liên lạc vào số điện thoại 0986012... của một người đàn ông tên Vũ (37 tuổi, Vĩnh Long) - người rao tuyển nhân viên nữ “có ngoại hình” làm việc tại các quán cà phê, karaoke... Qua điện thoại, ông Vũ hỏi: “Em có xài Facebook không?”.
Tôi nói không, ông Vũ tỏ vẻ sốt ruột: “Em phải có cách nào để anh xem ngoại hình của em được chứ?”. Để kiểm tra ngoại hình, hôm sau ông Vũ ăn mặc lịch sự, xách cặp táp đến gặp tôi tại quán cà phê trên đường Cù Lao (quận Phú Nhuận).
Ngày 28/3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Anh Dũng - phó chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết, thời gian qua tổ kiểm tra liên ngành 814 của phường thường xuyên kiểm tra những quán cà phê trên địa bàn.
Cụ thể, trong thời gian từ Tết Nguyên đán đến nay tổ kiểm tra liên ngành đã lập biên bản kiểm tra hành chính 18 trường hợp, phạt tổng số tiền 34.450.000 đồng với các lỗi không ký kết hợp đồng lao động, đèn không đảm bảo ánh sáng, quán không niêm yết bảng giá theo quy định, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về hành vi kích dục cho khách, ông Dũng cho hay thời gian qua Công an phường Tân Đông Hiệp đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp. “Trong thời gian tới, tổ kiểm tra liên ngành sẽ đẩy mạnh, tăng cường công tác củng cố địa bàn, truy quét các tệ nạn xã hội tại nhà hàng, khách sạn và các quán cà phê đèn mờ trên địa bàn” - ông Dũng nói.
Sau khi tự giới thiệu mình là chủ một chuỗi ba quán cà phê, matxa và karaoke lớn tại quận Tân Bình, ông Vũ đặt tay lên vai tôi nói: “Em còn trẻ thế này, nếu chịu khó làm, mỗi tháng kiếm được tầm 40 triệu đồng trở lên chứ chả ít”.
Sau đó ông ta trấn an tôi: “Anh coi em như em út trong nhà mới nhận em vào làm. Cứ yên tâm đi làm, mọi việc anh lo hết, quần áo, son phấn đầy đủ”.
Sáng 25/3, sau khi đón tôi tại gần cầu vượt An Sương (quận 12), thay vì đưa đến quận Tân Bình như thỏa thuận ban đầu, ông Vũ chở tôi chạy thẳng hướng về Bình Dương.
Dọc đường đi, ông Vũ lộ rõ bộ mặt lừa đảo khi gợi ý tôi “phải tiếp khách, chịu khó cho khách sờ mó, ôm hôn... mới có nhiều tiền”.
Khoảng 8h30, sau khi chở tôi đến một quán cà phê tại khu phố Đông Chiêu (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương), ông Vũ “bán” tôi cho ông Long (quê Thanh Hóa) với giá 3,5 triệu đồng rồi bỏ đi.
Ngay lập tức, tôi được ông Long đưa về quán cà phê võng Xuân Thủy, nơi phía sau có khoảng 10 chòi lá tối tăm, ẩm thấp, tấp nập đàn ông ra vào, hai nhân viên nữ ăn mặc “mát mẻ” chạy qua chạy lại như con thoi tiếp khách.
Ông Vũ gặp gỡ, tuyển nhân viên tại quán cà phê trên đường Cù Lao. |
Sau khi “chốt” lại mức lương 4 triệu đồng/tháng, ông Long yêu cầu tôi ký vào bản hợp đồng phục vụ khách trong ba tháng để trừ phí “môi giới” 3,5 triệu đồng, đồng thời phải học kích dục làm khách hài lòng.
“Làm việc tại đây không được đi ra ngoài nửa bước, muốn mua gì thì nói để người khác mua giúp. Mỗi ngày phải xin khách trên 30 ly nước (20.000 đồng/ly), không đạt sẽ không có lương, thưởng” - ông Long khuyến cáo.
Chỉ vài giờ của ngày làm việc đầu tiên, tôi bị gọi vào chòi tiếp gần 20 người khách đủ lứa tuổi. Chi (Kiên Giang), người được giao hướng dẫn tôi, khuyến cáo: “Phải ráng làm, không làm sẽ bị Hai Long (tức ông Long) nhốt lại”.
Khoảng 4h chiều, sau khi được ông Long chở sang quán cà phê Vàng Anh cách đó 200 m để tiếp tục tiếp khách, chủ quán (chị ruột ông Long) đã thu luôn điện thoại, không cho tôi liên lạc với bất kỳ ai.
Tối 25/3, khó khăn lắm tôi mới được đồng nghiệp chuộc ra khỏi các quán cà phê ôm này với giá 3,5 triệu đồng. Nhận tiền chuộc, ông Long khẳng định: “Tất cả khu vực này quán nào cũng phải mất phí. Tùy theo nhân viên đẹp hay xấu thì mức phí tương ứng phải trả cho người môi giới 2,5-3,5 triệu đồng”.
Công nghệ “buôn gái quê”
Theo điều tra của PV, để có nguồn hàng là những cô gái quê bán vào các quán karaoke ôm, cà phê ôm, ông Vũ dùng các tên giả như Ngọc Trung, Sang, Thảo, Ngọc Du, Ngọc... đăng hàng loạt thông tin tuyển dụng trên nhiều trang mạng với nội dung: “Tuyển nhân viên nữ ngoại hình dễ nhìn, bao ăn ở tại quán để đảm bảo sức khỏe, cấp hai bộ đồng phục miễn phí, được mua bảo hiểm y tế và thu nhập 45 - 50 triệu đồng/tháng”.
Vợ ông Quân đếm nhận số tiền “chuộc” chị D. (quê Thanh Hóa) ra khỏi quán cà phê Anh Thư. |
Quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện ông Vũ là “nhà phân phối” chính cho các quán cà phê võng tại khu phố Đông Chiêu nhiều năm nay. Tùy ngoại hình, mỗi người được ông Vũ bán cho các chủ quán cà phê với giá dao động 3-3,5 triệu đồng/người. Phần lớn nhân viên khi bị bán vào đây đều bị ép tiếp khách, bị đánh đập nhưng đành ngậm ngùi chấp nhận vì không có tiền chuộc thân.
Nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi xác định một số quán cà phê ở khu phố Đông Chiêu hoạt động dưới vỏ bọc “cà phê võng” nhưng thực chất là cà phê ôm, kích dục. Do thiếu nhân viên để tiếp khách, đặc biệt là những nhân viên có ngoại hình khá, nên hầu hết các quán này đều ráo riết săn lùng, thậm chí “đặt hàng” những trung tâm môi giới, các đối tượng cò mồi buôn người như ông Vũ.
Bà Trang (quê Thanh Hóa), chủ quán cà phê võng Thùy Trang, cho biết nguyên tắc tuyển người của quán là nhân viên nào có “nút” (tức mức độ đẹp, xấu) càng cao thì tiền phí càng cao.
“Nếu liên hệ được mấy công nhân nghỉ việc vì lương thấp giới thiệu vào quán cũng có tiền lắm. Hôm kia có một ông xe ôm “bắt” được một con bé mang vào chỉ lấy 500.000 đồng, nhưng tôi thấy rẻ quá nên cho thêm 500.000 nữa” - bà Trang mách nước.
Ông Lưu (quê Bình Định), chủ quán cà phê ôm Mi Sa cũng ở khu vực này, cho biết đoạn đường này có tất cả 19 quán cà phê ôm nên cạnh tranh ghê lắm. Ngày nào cũng đi dịch vụ kiếm “đào” nhưng không có. “Nếu có nhân viên 'ngon' mang tới thì giá chai rưỡi (1,5 triệu đồng), nhân viên dỏm thì một chai (1 triệu đồng)” - ông Lưu nói.
Ông Quân, chủ quán cà phê ôm Anh Thư mua chị D. (quê Thanh Hóa), cũng cho biết: “Nếu có đào cứ mang đến, tôi sẽ trả hoa hồng, làm sao nó chịu làm là được”.
Giải cứu
Chiều 26/3, vợ chồng ông Quân ở quán cà phê Anh Thư (khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) ra giá chuộc chị D. (23 tuổi, quê Thanh Hóa, người nhắn tin kêu cứu) là 3,5 triệu đồng. “Nghỉ ngang phải bồi thường lại chứ em” - vợ ông Quân nói.
PV thắc mắc chị D. làm hơn một tuần lễ sao không được đồng nào, ông Quân nói: “Làm đâu cũng vậy, cuối tháng mới có tiền lương”. Sau 12 ngày bị ông Vũ bán vào quán cà phê ôm Anh Thư, D. đã về nhà an toàn, chấm dứt chuỗi ngày sống tủi khổ ê chề.
Theo lời chị D., đầu tháng 3/2015 chị lên mạng thấy thông tin tuyển nhân viên karaoke mức lương cao nên gọi điện cho ông Vũ. “Khi gặp mặt ông Vũ ăn mặc rất lịch sự, còn mang cả laptop làm việc nên tôi rất tin tưởng. Ai ngờ ông Vũ lấy lý do quán karaoke đủ người rồi chở tôi xuống Bình Dương bán cho ông Quân", chị D. nói.
Những ngày ở quán này, chị D. cùng bốn nhân viên phải thức dậy từ 6h sáng để chuẩn bị tiếp đến khi nào hết khách. Khi làm việc, chị bị ép ăn mặc hở hang để chiều khách, tối bị nhốt ở phòng trên gác, không cho đi đâu ra ngoài nửa bước.
“Có mấy người quê miền Tây cũng bị ông Vũ lừa bán vào đây như tôi. Họ không muốn làm và muốn về nhà nhưng không có tiền chuộc thân, cũng không dám báo cho gia đình biết nên cứ phải làm đến khi nào trả hết nợ mới ra được” - chị D. kể.