"Lãnh địa" thường xảy ra nạn "chặt chém" được "quy hoạch" trước các địa điểm tham quan như hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TP HCM...; đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Huyền Trân Công Chúa (phường Bến Thành, quận 1); đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 6, quận 3)...
Điểm trừ cho ngành du lịch từ chuyện rất nhỏ
Anh Huy Vũ, một người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, cho biết đây là chuyện đã tồn tại từ rất lâu.
Theo anh, dù chỉ là một hành động rất nhỏ nhưng sẽ lưu lại dấu ấn không mấy đẹp đẽ trong mắt du khách nước ngoài. “Thật sự những hành động này sẽ làm du lịch Việt Nam, hình ảnh người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế có thêm một điểm trừ”, anh Vũ nói.
Anh Vũ chia sẻ sau khi rời Việt Nam, nhiều du khách cũng chia sẻ kinh nghiệm và hình ảnh tại những nơi mình đến trên trang các web về du lịch để mọi người tham khảo, đánh giá.
“Có không ít những hình ảnh chèo kéo khách, bán hàng giá “chặt chém”, lấy giá taxi “cắt cổ” xuất hiện. Nhìn vào quả thật thấy 'nhột' lắm”, anh Vũ nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Mẫn - người cũng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, buôn bán là cuộc mưu sinh không ai có quyền cấm cản nếu đúng luật, tuy nhiên tạo hình ảnh xấu trước du khách, làm cho du khách suy nghĩ sai lệch về hình ảnh con người Việt Nam là điều không thể chấp nhận.
Trong mắt du khách, con người Việt Nam đôn hậu, hay cười, tuy nhiên chính suy nghĩ đó đôi khi lại làm khổ họ khi muốn đưa vai mình vào đôi quang gánh để lưu lại khoảnh khắc đã đến Việt Nam.
5 USD (tương đương 100.000 đồng)/trái dừa." src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/xpcwvovb/2015_05_13/ep_khach.jpg" /> |
Một người trong nhóm bán dừa trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) đang chèo kéo, yêu cầu du khách nước ngoài phải trả 5 USD (tương đương 100.000 đồng)/trái dừa. |
“Money - Tiền” chính là câu đầu tiên họ sẽ nghe khi rời đôi quang gánh ấy. Chỉ cần họ hỏi đường thậm chí chỉ tản bộ trên phố cũng đã bị đeo bám, ép mua hàng.
“Hậu quả sau đó là gì đối với nạn nhân? Chắc chắn họ sẽ nghĩ về một Việt Nam rất khác: nạn lừa đảo, lôi kéo khách, dối trá và được quy đồng mẫu số: xấu xí” - thạc sĩ Minh Mẫn thẳng thắn.
Nhiều câu hỏi về quản lý
Nhiều độc giả bày tỏ mình từng chứng kiến nhóm người này chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch nước ngoài với giá trên trời.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc là nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề bộ mặt du lịch của thành phố sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu những hành động này còn tiếp diễn.
Bạn đọc Thanh Hải viết rằng mình từng có một công việc bán thời gian ở khu vực này thời sinh viên. Đúng là rất phức tạp. Nếu khách lớ ngớ về tỉ giá, mang nhiều tiền chẵn có thể bị móc tới 500.000 đồng cho một trái dừa. Đó là phương tiện mưu sinh của họ, nhưng để phát triển du lịch, hy vọng thành phố có biện pháp phù hợp.
Một bạn đọc khác kể lại rằng đã từng gặp nhóm người này và thấy họ “chặt chém” khách du lịch ra sao.
“Lúc đó tôi mua 1 trái dừa giá 10.000 đồng, tôi nghĩ họ là người buôn bán chân chính, nhưng sau đó có ông khách châu Âu bị ép mua với giá 30.000 đồng/trái. Giờ thì lên 150.000-200.000 đồng/trái rồi, kinh hãi”, bạn đọc viết.
Làm việc gần khu vực Bảo tàng Chiến tranh, anh Nguyễn Văn Bi cho biết ngày nào đi qua cũng nhìn thấy cảnh này.
“Họ chèo kéo, bám, ép khách nước ngoài. Có những người bán dừa trên đôi quang gánh, họ bám theo người nước ngoài, cho người nước ngoài gánh thử một đoạn rồi bắt họ phải mua trái dừa với giá cắt cổ. Nhìn mà bức xúc lắm”, bạn đọc bày tỏ quan điểm.
Bạn đọc Phương Quỳnh đặt câu hỏi: “Hành động thế này thì người nước ngoài xem đất nước ta ra sao đây? Sao có hành động thiếu văn minh như thế chứ?”.
Nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc dẹp tận gốc vấn đề này.
“Sài Gòn mang danh là thành phố văn minh hiện đại, du khách nước ngoài đến thật nhiều mà những việc cỏn con như thế không dẹp được sao?”, bạn đọc Hồng Phương thắc mắc.