Khai để trường đi xác minh
Theo trình bày của cô giáo, mới đây cô phải nhập viện và đồng nghiệp trong cơ quan đến bệnh viện thăm cô. Thấy mọi người quan tâm, cô thành thật cho biết là mình đang mang thai tháng thứ sáu nên phải nhập viện cho các bác sĩ chăm sóc.
“Từng bị gãy gánh trong hôn nhân gần sáu năm. Tuổi không còn trẻ nữa nên tôi muốn có một đứa con để bầu bạn. Sau đó, tin này đến tai lãnh đạo nhà trường và tôi cũng đang làm thủ tục xin nghỉ thai sản vì thai yếu, thế là rắc rối xảy ra”, cô nói.
Đang là phụ nữ không chồng bỗng dưng có bầu nên nhà trường yêu cầu cô làm tường trình về sự việc. “Tôi đã viết tường trình là tôi đã từng thất bại trong hôn nhân, gia đình hiếm con cháu và muốn có con nhưng hiệu trưởng không chấp nhận. Ông ấy nói rằng cấp trên yêu cầu là tôi phải khai nói rõ tên và địa chỉ của “tác giả” cái thai để họ đi xác minh” - cô giáo nói.
“Cụ thể, ngày 12/8 vừa rồi, hiệu trưởng mời tôi lên làm việc, yêu cầu tôi phải viết tường trình về việc đã quan hệ với ai, địa chỉ, số điện thoại để cấp trên tiến hành xác minh. Khi nào xong việc này, cấp trên mới cho phép hưởng chế độ thai sản.
Ông hiệu trưởng còn nói rõ: “Nếu cô không còn liên lạc với người đó nữa vẫn phải tường trình tên tuổi, địa chỉ… và người đó phải có thực. Phải cam kết là đúng sự thật chứ người ta đi xác minh không có là có chuyện khác nữa”, cô giáo kể.
Theo cô giáo, sau buổi làm việc, nhà trường nhiều lần gọi điện thoại, yêu cầu cô nộp tường trình như hiệu trưởng đã yêu cầu cùng giấy xác nhận nằm bệnh viện, đơn xin nghỉ thai sản... để nhà trường xem xét.
Luật không quy định
Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) phân tích: “Hiện không có quy định nào cắt chế độ thai sản, chế độ BHXH của phụ nữ “không chồng mà chửa”. Cũng không có điều luật nào cho phép cơ quan, tổ chức yêu cầu phụ nữ phải cung cấp tên cha của đứa bé sắp chào đời mới được xét hưởng chế độ BHXH. Có một nguyên tắc là cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép.
Điều đó có nghĩa là ông hiệu trưởng không được buộc cô giáo cho biết họ tên cha của đứa bé vì không có quy định nào của pháp luật cho phép điều đó. Theo quy định, cơ quan bảo hiểm chỉ yêu cầu chứng minh tình trạng thai sản chứ không yêu cầu chứng minh cha của đứa bé là ai”, ông Phong nói.
Còn luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) phân tích: Công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm nên việc cô giáo có nhu cầu đẻ con ngoài giá thú là quyền của cô ấy. Việc sinh con mà không kết hôn hiện nay pháp luật không cấm.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Hiệu trưởng nơi cô giáo công tác không được ép cô phải khai ra tác giả của cái thai.
Một luật gia cho biết thêm, hiện nhiều người mang thai bằng phương pháp xin tinh trùng trong bệnh viện để thụ tinh nhân tạo. Những trường hợp này, ngay cả người mẹ của đứa bé được thụ tinh nhân tạo còn không biết cha của nó là ai. Chẳng rõ ông hiệu trưởng kia muốn biết cha của đứa bé để làm gì?
Sở không chỉ đạo như thế
Ngày 23/8, ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết: Sở vừa nhận báo cáo của trường. Sở không chỉ đạo trường yêu cầu cô giáo tường trình chi tiết về chuyện cô giáo có bầu với ai. Việc nhà trường yêu cầu cô giáo chỉ ra “tác giả” của cái thai trong bụng là không nên, sai quy định pháp luật. Sở sẽ có ý kiến cho cô giáo nghỉ hộ sản và hưởng BHXH theo quy định, trong tuần này sẽ có ý kiến cụ thể.
Cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, hiệu trưởng nơi cô giáo công tác nói: Trước đây nhà trường có yêu cầu cô giáo làm tường trình để xác minh tác giả của cái thai nhưng nay không cần thiết nên cũng không yêu cầu nữa.