Đầu tiên, ba chiến binh xông vào bệnh viện ở thủ đô Kabul chỉ sau 10h sáng 12/5, bắn chết một số người mẹ vừa sinh con, đang bế con, khi con của họ còn chưa mở mắt. Ít nhất 15 người bị giết bên trong bệnh viện - là những người mẹ, trẻ sơ sinh, nhân viên y tế, và một cảnh sát.
Giữa lúc lực lượng an ninh phản ứng ở thủ đô, tại tỉnh Nangarhar, 150 km về phía đông, một kẻ đánh bom liều chết bước vào đám tang một chỉ huy cảnh sát địa phương. Khi hàng trăm người xếp hàng tiễn đưa, hắn kích nổ bom, cách không xa quan tài của người cảnh sát, theo New York Times.
Vị chỉ huy cảnh sát, 59 tuổi, đã sống sót qua nhiều trận chiến, vừa qua đời vì một cơn đau tim. Nhưng giờ đây, chính thi thể của ông lại dính nhiều mảnh đạn. Vụ đánh bom giết chết ít nhất 25 người và làm 68 người bị thương.
Một người lính đưa trẻ sơ sinh ra khỏi bệnh viện ở Kabul ngày 12/3. Ảnh: New York Times. |
Sau “thỏa thuận hòa bình”, càng đẫm máu hơn
Các vụ bạo lực chết người xảy ra quá thường xuyên ở Afghanistan, và ở khắp mọi nơi, khiến việc đếm số thương vong là không thể. Nhưng đến chiều tối 12/5, khi số thương vong của ngày từ tất các các phía đã được thống kê, thì giao tranh ở Afghanistan đã cướp đi 100 sinh mạng.
Và buổi tối 12/5 có thêm người tử vong, và đến ngày hôm sau lại có thêm những thống kê thương vong mới.
Chưa kể đến sự tàn bạo của việc nhắm vào bệnh viện, khiến những trẻ sơ sinh bị nhuốm máu, mất mẹ khi còn chưa được đặt tên, người Afghanistan còn cảm thấy thất vọng vì mọi nỗ lực đàm phán hòa bình bấy lâu đã không giải thoát được cho họ khỏi bạo lực.
Mỹ và lực lượng Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ vào tháng 2, đáng ra phải đưa cuộc chiến hai thập niên đi đến hồi kết. Thay vào đó, lực lượng nổi dậy lại tăng cường tấn công trên cả nước, làm hàng chục lính Afghanistan bị chết mỗi ngày.
Thỏa thuận hòa bình bị kẹt ở việc thương thảo trao đổi tù nhân - Taliban đòi thả 5.000 tù nhân của họ trước khi đi tiếp - để từ đó mới có thể tiếp tục thương lượng chia sẻ quyền lực giữa chính quyền Afghanistan và Taliban, sau khi Mỹ rút số lính Mỹ còn lại.
Các phụ nữ bế con được giải thoát ở cổng sau của bệnh viện. Ảnh: New York Times. |
Một nhóm ở Afghanistan có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công đám tang. Nhưng chưa nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công bệnh viện, còn Taliban thì phủ nhận.
Nhưng sau nhiều tuần mà Taliban leo thang tấn công, chính phủ Afghanistan đổ lỗi cho nhóm này.
Tổng thống Ashraf Ghani ra lệnh cho lực lượng chính phủ từ bỏ tư thế “phòng thủ chủ động” của những tháng qua, và trở lại tư thế “tấn công” nhắm vào những kẻ nổi dậy - dấu hiệu cho thấy đà tiến tới hòa bình đang biến mất.
“Taliban, với sự xúi giục của nước ngoài, đã leo thang chiến tranh và khiến người Afghanistan đổ máu”, ông Ghani nói trong bài phát biểu cuối ngày đẫm máu. “Đừng nhìn vào việc ta mời chúng hòa bình và ngừng bắn là do ta yếu, mà là ta đã tôn trọng ý nguyện của người dân”.
“Ai lại tấn công trẻ sơ sinh và những người mẹ mới sinh? Ai lại làm chuyện như vậy”, Deborah Lyons, trưởng phái đoàn Liên Hợp Quốc ở Afghanistan, lên án vụ tấn công bệnh viện trên Twitter.
Những kẻ nổi dậy thậm chí còn từ chối các lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo để cho phép đất nước chống dịch Covid-19, ông Ghani nhắc lại trong bài phát biểu. Afghanistan đã ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm Covid-19, nhưng các quan chức cảnh báo quy mô dịch bệnh nhiều khả năng đã rộng hơn.
Chịu thương vong từ cả chiến tranh và dịch bệnh, hệ thống bệnh viện nước này đang quá tải, trong khi 80% dân số đang sống dưới mức nghèo. Có những lo ngại cú sốc kinh tế từ đại dịch có thể dẫn đến nạn đói.
Những em bé chưa có tên đã mất mẹ
Cuộc tấn công ở Kabul nhắm vào bệnh viện 100 giường ở phía tây của thành phố, khu đông người Hồi giáo dòng Shi’ite, vốn thường bị những kẻ đánh bom của IS nhắm đến.
Trong chiến dịch kéo dài 5 giờ để tiêu diệt những kẻ tấn công, đặc nhiệm Afghanistan đã giải cứu một số trẻ mới sinh. Lính NATO cũng tới hiện trường.
Đám đông tập trung bên ngoài bệnh viện, và sự tức giận trào dâng khi họ thấy cảnh những em bé người đầy máu.
Nhiều người có người thân bên trong bệnh viện đang đứng ngoài đợi tin. Ảnh: New York Times. |
Nhân viên an ninh bước ra khỏi bệnh viện cho phóng viên xem các bức hình về sự kinh hoàng bên trong: những bà mẹ bị bắn chết khi cố trốn dưới giường bệnh, một nữ y tá nằm sấp trên vũng máu, một phụ nữ cố ôm lấy con mới sinh.
“Cô ấy chết rồi, nhưng em bé vẫn sống”, quan chức an ninh này nói.
Những người thân của một phụ nữ đã sinh con vào rạng sáng vẫn đang trông mong tin. Người anh hoặc em trai của người mẹ này gào thét, nấc nghẹn vì đau đớn, trong khi những người thân còn lại cố làm anh bình tĩnh. “Ôi Chúa ơi, Chúa ơi”, anh chỉ có thể vừa khóc, vừa nói mãi như vậy.
“Cô ấy đã sinh xong rồi, trước khi những kẻ đánh bom liều chết tiến vào”, Rafiullah, anh rể của người phụ nữ trên, giải thích, theo New York Times.
Một người đàn ông lớn tuổi, Abdul Hadi, bước ra khỏi bệnh viện với danh sách từ hàng chục trẻ mới sinh, mới được sơ tán sang các bệnh viện khác. Ông đọc tên của những người mẹ - tên của mẹ được viết lên các tấm dán trên bụng em bé - kèm theo tên của các bệnh viện mà các bé được chuyển đến.
Một người đàn ông từ trong đám đông lo lắng hỏi về những người mẹ.
“15 người mẹ đã mất”, người đàn ông lớn tuổi đáp. “Thi thể của họ đang được xe cứu thương đưa đi, chúng tôi đã cho họ vào túi đựng thi thể rồi”.
Một cặp đôi được đoàn tụ cùng em bé mới sinh sau khi hai mẹ con được giải cứu khỏi bệnh viện. Ảnh: New York Times. |
Vụ tấn công ở tỉnh Nangarhar nhắm vào đám tang của chỉ huy cảnh sát địa phương, Sheikh Akram. Khoảng 500 người đã tập trung tại một cánh đồng lớn ở quận Khewa, cầu nguyện lần cuối, còn mộ của ông đã được đào ở bên kia đường.
Naeem Jan Naeem, một nhân chứng, nói imam (người lãnh đạo trong Hồi giáo) vừa mới bảo mọi người xếp hàng, và bắt đầu lời cầu nguyện, thì có tiếng nổ lớn, lửa bùng lên ngay trước đám đông.
“Thi thể của Sheikh Akram gần vụ nổ”, Naeem nói. “Có cả xả súng sau tiếng nổ - mặt và ngực của ông ấy (Akram) có vết mảnh bom.
“Thi thể của ông ấy bị thương ngay cả sau khi ông đã qua đời”.