Sự cố 13 thành viên đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong một hang động tại Chiang Rai biến nơi đây trở thành điểm nóng cho truyền thông thế giới trong suốt gần một tuần lễ.
Vụ việc khép lại với cái kết gần trọn vẹn: tất cả nạn nhân được giải cứu thành công, được chủ tịch FIFA Gianni Infantino mời đến xem trận chung kết World Cup 2018, cùng hàng loạt lời mời đến thăm của các câu lạc bộ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, một thợ lặn đã qua đời trong chiến dịch này.
Cũng từ đây, một câu chuyện bên lề sự kiện này nóng lên trên mạng xã hội thế giới: Elon Musk, tỷ phú công nghệ nhận rất nhiều khen chê lẫn chỉ trích khi tạo ra một loại tàu ngầm mini với mục đích giải cứu đội bóng nhưng không được sử dụng.
Không ít ý kiến cho rằng ông chủ của Tesla chỉ muốn lợi dụng vụ việc tại Thái để ''làm màu'', nổi tiếng, tạo ra cỗ máy "Lợn hoang" vô dụng để đánh đu theo sự kiện.
Elon Musk là người như thế nào?
Tỷ phú 47 tuổi người Mỹ được biết đến với nhiều lần "hành hiệp trượng nghĩa". Là một tín đồ thường xuyên sử dụng mạng xã hội Twitter, ông đã chấp nhận lời kêu gọi giúp đỡ từ rất nhiều người dùng toàn cầu, mỗi khi khu vực, quốc gia họ có sự cố.
Cụ thể, hồi năm ngoái, sau khi được một người dùng yêu cầu trợ giúp hệ thống mạng lưới điện Puerto Rico bị tàn phá bởi một cơn bão, Elon Musk đã làm việc với Thống đốc nước này, ông Ricardo Rosello để triển khai các tấm pin năng lượng mặt trời Powerwall.
Những tấm pin năng lượng Powerwall được Elon Musk triển khai ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Popularmechanic. |
Trước đó, công ty của Elon Musk cũng đã trợ giúp một số hòn đảo như Samoan, các đảo ở Nam Australia và rất nhiều khu vực khác trên thế giới gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Gần đây nhất, giữa lúc làn sóng dư luận gia tăng sau vụ cứu hộ ở Thái Lan, ông chủ SpaceX tuyên bố sẽ trợ giúp các cư dân tại thành phố Flint, tiểu bang Michigan, Mỹ, sau khi nguồn nước ở khu vực này bị nhiễm độc chì nặng nề.
Elon Musk cũng là chủ các dự án đầy tham vọng như đưa người đến không gian (với SpaceX), xây dựng hệ thống đường siêu tốc Hyperloop nối liền New York với Washington DC (với SpaceX và Tesla), kết nối máy tính vào não bộ (với Neuralink),...
Với bề dày "thành tích" mang màu sắc viễn tưởng như thế, người ta thường so sánh ông với dị nhân Iron Man. Bên cạnh đó, tỷ phú với khối tài sản trên dưới 20 tỷ USD có đời sống cá nhân khá phức tạp. Ông đã ba lần kết hôn và ly dị, từng cặp kè với siêu mẫu Amber Heard.
Kết hợp tất cả dữ liệu, có thể thấy Elon Musk đích thực là một "showman", với từng hành động cũng có thể trở thành đề tài bàn tán, thu hút rất nhiều tranh luận trái chiều.
Những ý kiến trái chiều
Nguồn cơn ồn ào cho câu chuyện gần đây bắt đầu khi Musk chấp nhận yêu cầu của một người dùng kêu gọi trợ giúp đội bóng Thái Lan đang bị mắc kẹt trong hang động. Lưu ý, lời kêu gọi này xuất hiện vào ngày 4/7, tức lúc chiến dịch đã diễn ra.
Tàu ngầm "Lợn hoang" được đội ngũ của Elon Musk chế tạo sau rất nhiều trao đổi với các thợ lặn có mặt tại hiện trường. |
Sau khi trao đổi với các đồng sự cùng những thợ lặn trực tiếp có mặt tại hiện trường để đề ra phương án giải cứu hiệu quả nhất, Elon Musk xuất hiện cùng tàu ngầm mini tại Thái Lan vào ngày 9/7, đúng 5 ngày sau khi đăng tải dòng tweet quyết định giúp đỡ của Musk. Trên thực tế, "Lợn hoang" được nhóm của Musk hoàn thành chỉ trong vòng hơn 48 tiếng.
Sự việc bị đẩy lên cao trào khi xuất hiện bất đồng giữa Chỉ huy chiến dịch giải cứu Narongsak Osatanakorn và Elon Musk. Vị quan chức người Thái cho rằng tàu ngầm của Elon Musk "rất tinh vi nhưng không thực tế". Đáp lại, tỷ phú người Mỹ nhận định quan chức Thái "không phải là người có chuyên môn về vấn đề".
Để chứng minh cho lập luận của mình, Musk đăng tải bức thư điện tử nội dung trao đổi giữa ông và Dick Stanton, thợ lặn người Anh đầu tiên liên lạc được với tất cả thành viên gặp nạn. Theo đó, Stanton yêu cầu Musk chế tạo cỗ máy có khả năng đem trái cây vào cho đội bóng.
Rất nhiều ý kiến nói rằng Elon Musk lợi dụng sự kiện trên thế giới để đánh bóng tên tuổi bản thân, rằng tại sao lại chế tạo một chiếc tàu ngầm không hữu dụng, trong khi các lực lượng cứu hộ đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, nếu như thực tâm muốn giúp đỡ, hãy tuyên bố tài trợ vật chất cho đội giải cứu, các cậu bé bị mắc kẹt, cái gì đó thiết thực như mỗi người một chiếc xe Tesla chẳng hạn?
Elon Musk hoàn toàn có thể làm tất cả những điều trên, nhưng đó không phải là tư duy của một tỷ phú, đặc biệt lại còn là tỷ phú công nghệ.
Công nghệ rất tuyệt vời và trong nhiều trường hợp đã thay thế con người
Hãy quay về thời điểm năm 1785, khi James Hargreaves phát minh ra máy kéo sợi Jenny. Anh quốc khi ấy đón nhận phong trào phản đối mạnh mẽ từ các nông dân cho rằng máy dệt vải sẽ cướp mất đi việc làm của họ, trong bối cảnh nền công nghiệp dệt vải bông vốn rất phát đạt thời bất giờ.
Từ đó, cùng với phát kiến máy hơi nước của James Watt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu, mang đến lợi ích khổng lồ, cũng như làm tiền đề cho các cách mạng công nghiệp kế tiếp.
Nữ hoàng Anh chắc hẳn cũng không cần phải lo lắng "tài trợ" bất kỳ "nguồn vật chất" nào như trước khi con dân của mình rơi vào cảnh mất mùa, bởi tài sản đã được tạo ra gấp hàng trăm nghìn lần trước đó.
Elon Musk đáp trả lời chỉ trích dành cho mình, khẳng định dù vị kỷ nhưng bản thân là một người có ích. Câu nói này hiện trở nên rất phổ biến trên Twitter. |
Vậy nếu như "Lợn hoang" ra đời sớm hơn? Chắc chắn rồi, sẽ không có bất kỳ tai nạn nào đáng tiếc xảy ra. Người thợ lặn Saman Gunan giờ đây hẳn đang vui chung niềm vui của người dân Thái Lan nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung.
Thậm chí nếu "Lợn hoang" không thực tế như lời của vị Chỉ huy Thái, nó cũng sẽ là tiền đề, một sự đánh động cho các chuyên gia toàn cầu chế tạo một cái gì đó, hoặc cải tiến chính "Lợn hoang", để công tác cứu hộ các sự việc tương tự từ nay diễn ra an toàn hơn.
Lấy ví dụ, một startup tại thung lũng Silicon là Zipline đã cải tiến thiết bị bay drone, vốn thường dùng để quay phim, để vận chuyển túi máu, vật liệu y tế đến các vùng hẻo lánh, giao thông khó khăn tại châu Phi.
Cũng đừng nhầm lẫn điều này là xem thường công sức của lực lượng cứu hộ, bởi nó chẳng khác nào suy nghĩ của nông dân Anh khi xưa. Chẳng phải thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi họ không còn phải đánh đổi mạng sống của mình lao vào con nước tối đen, thay vào đó là ngồi tại trung tâm chỉ huy, nhấn nút, theo dõi và để công nghệ làm phần còn lại?
Nếu ai đó cho rằng tài trợ vật chất, một chiếc Tesla cho mỗi người như những bình luận nhận được nhiều "yêu thích" trên Twitter là đúng, lúc ấy hẳn sẽ xuất hiện luồng dư luận trách Musk xem thường các tỷ phú Thái.
Đáp trả lại những chỉ trích chĩa hướng về phía mình, Elon Musk bình thản viết trên Twitter: "Tôi có thể là một kẻ vị kỷ, nhưng ít nhất là một người có ích".
Vị tỷ phú người Mỹ có một tuổi thơ khá "dữ dội". Cậu bé Elon Musk từng bị bạn học cùng trường bắt nạt đến mức phải nhập viện, bởi sở thích dành hàng giờ để nghiên cứu, sống với những ý tưởng điên rồ của mình. Và có lẽ sau ngần ấy thời gian, thế giới vẫn chưa thay đổi cách cư xử với bộ óc kỳ lạ này.