Doctor Strange in the Multiverse of Madness là bom tấn điện ảnh đầu tiên của Marvel Studios ra mắt trong năm 2022. Phim đánh dấu chuyến thám hiểm đầu tiên của nhân vật Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) và cộng sự vào đa vũ trụ trên màn ảnh rộng.
Trong phim, Elizabeth Olsen đảm nhận Wanda/Scarlet Witch với tạo hình và tính cách hoàn toàn đối lập đến từ các vũ trụ song song. Các nhân vật của cô đóng vai trò rất quan trọng với diễn biến bộ phim cũng như không khí ly kỳ, rùng rợn - đôi khi nghiêng hẳn về kinh dị - mà tác phẩm muốn xây dựng.
Chia sẻ với Zing, nữ diễn viên Elizabeth Olsen đã tiết lộ nhiều câu chuyện hậu trường thú vị xoay quanh các nhân vật mình thủ vai cũng như đa vũ trụ hỗn loạn trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness.
Cơ hội thủ vai một siêu anh hùng không hoàn hảo
- Nhân vật của chị đã thay đổi rất nhiều kể từ Endgame và WandaVision. Khó khăn lớn nhất khi chị cùng lúc thủ vai Wanda lương thiện của Earth-838 và Scarlet Witch đen tối từ Earth-616 trong bộ phim này là gì?
- Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất nằm ở việc họ là hai phiên bản khác nhau của cùng một nhân vật. Tôi muốn dùng những chi tiết nhỏ để thể hiện sự khác biệt giữa người này và người kia. Họ cùng là một người phụ nữ, nhưng bị đặt trong các hoàn cảnh khác nhau. Tôi nghĩ sự khác biệt giữa họ được thể hiện phần lớn qua vẻ bề ngoài, nhưng cái khó là làm sao để tránh phải kể lể dài dòng. Vậy nên, thành công của tôi chính là thể hiện được khí chất của hai nhân vật, từ đó giúp khán giả phân biệt được người này với người kia.
- Scarlet Witch cho rằng những người xung quanh đang đối xử bất công với mình. Chị có cảm thấy như vậy không?
- Tôi nghĩ họ từng đối xử bất công với cô ấy trong quá khứ. Có thể sau các sự kiện ở Westview hay Doctor Strange, họ đã đánh giá cô ấy cao hơn chăng? Nhưng chắc chắn là trong quá khứ họ đã luôn xem nhẹ nhân vật này.
- Chị đã đến với dự án Doctor Strange in the Multiverse of Madness như thế nào?
- Ý tưởng về Doctor Strange in the Multiverse of Madness được Kevin Feige đem ra thảo luận trong lúc chúng tôi bàn bạc về TV series WandaVision, nhưng khi ấy hai bên đều chưa biết gì về diễn biến câu chuyện. Cho tới tận mùa hè năm ngoái, khi WandaVision chuẩn bị đóng máy, tôi mới được giới thiệu với cốt truyện chính thức.
- Phiên bản nữ phù thủy Wanda trong bộ phim này có gì khác biệt với những lần xuất hiện trước đó?
- Đây là một cơ hội tuyệt vời đối với tôi. Cá nhân tôi cảm thấy nếu chỉ vào vai một siêu anh hùng không bao giờ phạm sai lầm thì sẽ rất chán. Tôi nghĩ lý do đầu tiên khiến mình gắn bó với nhân vật Wanda là cô ấy có một đức tin sáng rõ. Ngay cả khi niềm tin ấy trái ngược với số đông, cô cũng không lấy làm nao núng. Cô có nhận thức của riêng mình và sẽ thừa nhận nếu bản thân phạm sai lầm.
Tôi nghĩ WandaVision ghi dấu lần đầu tiên Wanda được toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Cô ấy tự đưa ra các quyết định, không cần đến sự trợ giúp hay bị kiểm soát bởi ai. Cũng vì thế, nhân vật có quá nhiều vấn đề phải xử lý. Cô cũng cảm thấy mình chịu trách nhiệm cho những gì đã làm với thị trấn Westview và những cư dân sống ở đây.
Đồng thời, nhân vật cũng trải qua cảm giác mất mát to lớn khi cuộc sống ảo mộng cô xây dựng cho chính mình tan vỡ rồi nhận ra nó vẫn có thể tồn tại đâu đó trong đa vũ trụ. Hẳn cô ấy đã nghĩ "Tôi đã hy sinh Vision trong Avengers: Infinity War. Tôi đã hy sinh gia đình của chính tôi cho những điều đúng đắn".
- Sam Raimi là nhà làm phim kỳ cựu, người đứng sau ba phần phim kinh điển về nhân vật Spider-Man do Tobey Maguire thủ vai hồi đầu thập niên 2000. Làm phim cùng Raimi là một trải nghiệm như thế nào?
- Từ ngày đầu làm việc với anh ấy trên phim trường, tôi đã biết mình sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời. Sam Raimi tử tế và cởi mở, phần nào trái ngược với không khí trong các tác phẩm anh thực hiện. Đó là một người đàn ông ngọt ngào, nhạy cảm, tử tế và mềm mỏng chuyên làm các phim kinh dị điên khùng và nhiều tác phẩm vĩ đại khác. Nhưng anh ấy nổi tiếng hơn cả nhờ việc khủng bố tinh thần khán giả trên màn ảnh rộng.
Tôi cảm thấy điều trên cả tuyệt vời ở Sam là kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết về nghề quay phim cũng như tài vận dụng điêu luyện các phương tiện máy móc kỹ thuật. Anh ấy vui vẻ và cởi mở với các cơ hội hợp tác. Sam sẽ đón nhận ý tưởng của bạn và phát triển nó. Đó là một quá trình thực sự vui vẻ. Tôi đã cùng Sam tìm kiếm ý tưởng xây dựng nhân vật của mình, và rất hài lòng khi được tái hiện chúng trên màn ảnh.
Tôi nghĩ Sam và mình thực sự hào hứng với nhân vật này, đặc biệt là những lúc mổ xẻ một vài hành động của cô ấy trên màn ảnh. Tôi rất hài lòng về quá trình làm việc với Sam. Đồng thời, tôi cũng cố gắng học hỏi tư duy làm phim của anh ấy, đặc biệt trong cách xếp đặt các khung hình, bởi tôi muốn hiểu rõ hơn cách Sam chơi đùa với máy quay. Quả là một con người đáng mến và tử tế.
Chịu đựng đau đớn
- Kinh nghiệm từ những lần thủ vai Wanda trước đây giúp ích gì cho chị trong dự án này?
- Việc được cộng tác với những người có kinh nghiệm mang đến nhiều lợi ích. Bạn biết đấy, với các dự án kiểu này, ta thường phải diễn xuất trước một điểm được đánh dấu X, một quả bóng tennis hay vết đánh dấu trên màn hình xanh. Việc hiểu rằng ai đó sẽ chẳng phật ý khi biết bạn không thể có mặt trên phim trường 24/7, nhất là trong các cảnh không cần hội thoại, thật nhẹ lòng.
Chúng tôi động viên nhau bằng những câu như ‘Benedict à, về nhà đi. Anh không cần túc trực ở đây trong mọi cảnh phim đâu, bởi ở đây chúng ta không làm thế”. Lời thoại và cốt truyện thực sự rất quan trọng. Nhưng sau cùng, tôi không cần phải nằm dài trên sàn nhà chỉ để bạn diễn biết phải hướng mắt vào đâu.
Tôi nghĩ theo thời gian, mình đã dần quen thuộc với quy trình thực hiện các bộ phim siêu anh hùng. Cái thời mới bước vào phim trường Avengers: Age of Ultron, tôi ngỡ ngàng với mọi thứ và luôn miệng ‘Họ không có ở đây tức là sao cơ?”. Tôi đã không hiểu gì sất. Đó là khởi đầu của hành trình trở thành một phần của tập thể, cùng nói một ngôn ngữ và chia sẻ các trải nghiệm độc đáo, biết rằng mình luôn được hỗ trợ nhiệt tình.
- Trong phim, Wanda và Scarlet Witch xuất hiện trong rất nhiều cảnh chiến đấu. Các cảnh phim ấy có khó thực hiện không?
- Tôi nghĩ nó một chín một mười với tập cuối của WandaVision. Cứ như tập cuối WandaVision, nhưng dài hơn vậy. Chúng tôi có một hệ thống hỗ trợ, gọi là “nĩa xoay” để quay các cảnh bay lượn trên không, nên tôi không chỉ bị buộc vào hệ thống dây cáp.
Tôi có một cái dây nịt với miếng kim loại lớn bao lấy vùng thắt lưng. Khi kỹ thuật viên điều khiển tay máy, tôi trông như đang trôi lơ lửng hoặc bay đi vậy. Tôi phát hiện ra thiết bị này thực sự hữu dụng bởi nó giúp diễn viên kiểm soát cơ thể tốt hơn.
Trên phim trường, chúng tôi thực hiện nhiều cảnh quay bằng hệ thống nĩa xoay và dây cáp. Vì vài lý do, tôi thích mang dây nịt hơn. Dù đeo lâu sẽ bị đau và không tiện lợi lúc đi lại, nó thuận tiện cho việc bay vòng quanh và mang trên người trong thời gian dài. Sớm muộn thì cũng bị đau thôi, nhưng tôi thực sự thích quay phim với nó.
- Khán giả có thể kỳ vọng gì vào bộ phim này?
- Câu chuyện của Wanda trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness là chuyến hành trình của một người đang kiếm tìm hạnh phúc. Đó là câu chuyện đã thành kinh điển về một người lựa chọn con đường độc đạo. Chúng tôi lựa chọn ý tưởng này và nghĩ mình đã lãng mạn hóa nó. Cuộc đời tôi sẽ như nào nếu lựa chọn rẽ trái thay vì đi về bên phải? Đó là những suy ngẫm về việc ta đã làm gì để trở thành mình ngày hôm nay.
Làm cách nào ta có thể sống tiếp với nỗi ám ảnh về mọi quyết định từng đưa ra trong cuộc đời? Làm thế nào để đương đầu với nó? Làm thế nào để ta sống tiếp và trở thành con người mình muốn? Đó là những câu chuyện sát sườn với Wanda trong bộ phim này.
Thế nên, bộ phim với tôi vừa vui vẻ và còn đáng sợ nữa. Tôi không rõ khán giả sẽ đón nhận nó như thế nào. Hy vọng họ sẽ bật cười vì những lần giật mình thon thót. Và họ sẽ thấy sợ hãi khi ngẫm nghĩ về các nhân vật khi ra khỏi rạp. Khán giả sẽ nghĩ, hay muốn gì? Họ sẽ sống sao nếu có trong tay quá nhiều lựa chọn?