Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EIA: Việt Nam thất bại trước tội phạm buôn bán ngà voi và sừng tê giác

Dù là điểm nóng toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Việt Nam “đã thất bại trong việc đối phó với vấn nạn này một cách thích đáng”, theo báo cáo của tổ chức EIA.

Báo cáo mang tên “Running Out of Time” (tạm dịch: Không còn thời gian) công bố bởi tổ chức Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA), tổ chức chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm môi trường.

Theo báo cáo, trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) có tổ chức, nhưng chưa kịp thời hành động để ngăn chặn nạn buôn bán này.

Dù có nhiều vụ bắt giữ ĐVHD “khủng” được công khai, các vụ bắt giữ này “có rất ít tác dụng răn đe đối với nạn buôn bán ĐVHD ở Việt Nam, những lô hàng với khối lượng lớn ngà voi và vảy tê tê từ Nigeria và các quốc gia khác tiếp tục đổ vào (Việt Nam) và số lượng lớn các sản phẩm từ hổ vẫn được chào bán”, thông cáo ngày 15/7 của EIA viết.

buon ban dong vat hoang da anh 1
Tang vật vụ bắt giữ nhiều tấn ngà voi và vảy tê tê tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 9/2018. Ảnh: Đoàn Nguyên.

EIA đánh giá Việt Nam đã đạt một số tiến triển trong đấu tranh chống tội phạm môi trường, bao gồm tăng nặng hình phạt hình sự cho tội buôn bán ĐVHD, nhưng “những thay đổi này đơn giản là chưa đủ và vấn đề vẫn nằm ở việc thực thi”.

“Ngay cả các bước đơn giản để xúc tiến tiến trình điều tra cũng không được thực hiện”, thông cáo của EIA cho biết. “Ví dụ, Việt Nam đã không thực hiện phân tích pháp y cho phần lớn các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn (500kg trở lên)”.

“Cho đến nay, 39 vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn với tổng khối lượng 66 tấn (ước tính có nguồn gốc từ 9.850 cá thể voi) được thực hiện tại nước này. Chưa có bất cứ bản án nào dành cho các đối tượng liên quan”.

Báo cáo được EIA đưa ra nhằm nâng cao sự chú ý về vấn đề này trước thêm Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP18) tại Geneva, Thụy Sĩ từ 17-28/8. CITES là Công ước về Nạn buôn bán Quốc tế các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp.

buon ban dong vat hoang da anh 2
Đàn voi ở một khu bảo tồn ở Mozambique tháng 9/2016. Ảnh: AP.

Trong khoảng 15 năm gần đây, có hơn 600 vụ bắt giữ buôn bán ĐVHD tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam.

Số hàng cấm đó bao gồm ít nhất 105,72 tấn ngà voi (tương đương với khoảng 15.779 cá thể), 1,69 tấn sừng (ước tính từ khoảng 610 cá thể tê giác), da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, và cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Dữ liệu này được EIA tổng hợp dựa vào các thông tin công khai từ năm 2004-2006 (tùy vào loài) đến tháng 4/2019.

Việt Nam, ngoài là thị trường tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD, còn là điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động buôn bán vào Trung Quốc.

Các cuộc điều tra gần đây của EIA tại châu Phi và châu Á đã phơi bày các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và tê tê, nhưng không có đối tượng nào trong số đó bị truy tố. Thậm chí một số vẫn tiếp tục hoạt động ở Việt Nam.

Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã

Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi và cảng biển nhộn nhịp, Hong Kong đã trở thành điểm trung chuyển số một cho việc buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.

Nơi phụ nữ cho động vật hoang dã bú sữa, chăm bẵm như con đẻ

Bộ lạc Awa xem khỉ, sóc và các loài động vật hoang dã khác như đứa con trong gia đình và nuôi chúng bằng những giọt sữa mẹ.



Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm