Với giáo dục trực tuyến, giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (Wi-Fi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN)… Mở rộng ra, các cá nhân hay các tổ chức đều có thể tự lập ra một trường học trực tuyến (E-school), mà nơi đó vẫn nhận đào tạo học viên, đóng học phí và có các bài kiểm tra như các trường học khác.
Ưu điểm của đào tạo trực tuyến là giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, không gian. Hơn nữa, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng không đòi hỏi kinh tế cao như xây dựng trường học thật, không đòi hỏi giấy phép phức tạp.
Trong thời gian gần đây, e-learning đã phát triển mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Cùng với đó, việc ứng dụng mô hình giáo dục trực tuyến cũng có nhiều bước tiến khả quan. Việc nghiên cứu e-learning tại những nước đang phát triển đã được quan tâm nhiều hơn và các hội nghị, hội thảo về CNTT và giáo dục đều có đề cập nhiều đến vấn đề e-learning và khả năng áp dụng vào môi trường giáo dục chính quy.
Giáo dục trực tuyến đang dần trở nên phổ biến ở các nước phát triển nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội. |
Hiện tại, e-learning được triển khai với quy mô sâu rộng tại nhiều quốc gia phát triển với rất nhiều tính năng hỗ trợ cho người học. Đầu tiên phải nói đến tính linh hoạt trong việc học và thanh toán chi phí học tập. Từ khi đăng ký học đến lúc hoàn tất, người học có thể học theo thời gian biểu mình định ra, không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học dù bạn vẫn đang ở trong lớp học “ảo”. Chi phí học thấp tính theo tháng với mỗi môn được thanh toán một cách nhanh chóng bằng các phương thức thanh toán điện tử khác nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp với những quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Trong môi trường e-learning, phần mềm tin học cho phép mô hình hóa bài giảng, thể hiện trực quan, giúp người học tiếp thu dễ dàng hơn kiến thức bài học và tăng sự hào hứng trong học tập. Bên cạnh đó, học viên được tăng cường tính chủ động, có thể tự điều chỉnh khóa học cho phù hợp với bản thân, như chọn học với giáo viên khác nếu thấy không phù hợp.
Khả năng tương tác với giáo viên cũng là một điểm mạnh của mô hình e-learning. Giáo viên chủ nhiệm liên tục kết nối với phụ huynh học sinh trong suốt khóa học. Mọi thông tin về kết quả học tập của học viên được thông báo hàng tuần tới phụ huynh, giúp các bậc cha mẹ có thể theo dõi sát sao quá trình học của con em mình.
Tại các nước phát triển như Mỹ, Singapore hay Nhật, vai trò của giảng viên là rất quan trọng trong việc triển khai e-learning. Giảng viên không chỉ nắm bắt được phương pháp học tập mà còn là người tạo ra bài giảng phục vụ cho giảng dạy. Các bài giảng e-learning phục vụ cho mục đích tự học của người học. Đội ngũ này được tuyển chọn và đào tạo kỹ càng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại nhất, như có khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, và quan trọng hơn cả là năng lực tự học.
Ngoài ra, tính năng đào tạo “một - một” (1-on-1) là một trong những tiện ích quan trọng được triển khai trên công nghệ mạng. Với tính năng này, mỗi học sinh lại được quản lý và tương tác với một giáo viên chủ nhiệm, nhằm theo dõi và bám sát quá trình học của từng học viên. Học sinh được quản lý và đánh giá chặt chẽ về mức độ chuyên cần và kết quả học tập.
Đi kèm với đó, mức độ đánh giá học sinh dựa trên hệ thống giám sát và quản lý chất lượng (Quality and Assurance), học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi chất lượng mỗi tháng nhằm đánh giá quá trình học và tiếp thu của học viên. Với hệ thống này, học viên nào không vượt qua kỳ thi chất lượng sẽ được yêu cầu học lại.
Một vấn đề rất đáng khích lệ và có thể nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam chính là việc triển khai thành công mô hình e-learning, phổ cập về các vùng quê, vùng xa nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. E-learning trở thành một phương thức đóng vai trò giải quyết vấn đề thiếu hụt giảng viên cho các vùng sâu, vùng xa cho hầu hết các quốc gia đang phát triển.
Ví dụ, chính phủ Hàn Quốc xem đây như một công cụ để giảm tải chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục. Cùng với đó, kênh truyền hình học đường được mở ra cùng với website cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, thu hút một số lượng rất lớn học sinh tham gia. Một số giáo viên, giảng viên giỏi ở Hàn Quốc cho rằng e-learning mang lại cơ hội và sự công bằng hơn cho giáo dục, bởi những học sinh nghèo có thể tham gia vào khóa luyện thi của những thầy giỏi với mức học phí rất ít so với lớp luyện thi thông thường.
Tương tự Hàn Quốc, nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày một cao của người học về nội dung, Singapore khuyến khích những đơn vị triển khai e-learning kết nối với nhau, thành lập kho cơ sở dữ liệu bài giảng chung. Người dùng sau khi đăng ký một tài khoản cố định trên trang web thì có thể tải miễn phí không giới hạn những bài giảng các môn học của nhiều giảng viên uy tín cùng với ngân hàng đề thi vô cùng phong phú. Sau mỗi bài học, học sinh được cung cấp bài tập, tài liệu học tập và hướng dẫn giải giúp cho những học sinh tiếp thu chậm có thể ôn tập dễ dàng hơn.
Với những tiện ích, e-learning có nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy học truyền thống, tạo ra được một môi trường tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác, cá nhân hóa người học. Tuy vậy, e-learning cũng chưa phải là công cụ thần kỳ có thể thay thế phương pháp học truyền thống. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là kết hợp sử dụng e-learning bổ sung cho phương pháp giảng dạy truyền thống.