Cuộc đua kỳ thú tập 6 lên sóng tối 10/8 vướng tranh cãi liên quan đến thử thách lặn biển của các thí sinh. Cụ thể, các thí sinh phải nhớ thứ tự tấm bê tông đặt dưới biển, sau đó xếp lại các tấm trên bờ thành đề bài để cùng giải đáp án. Đáng nói, những tấm bê tông này được ê-kíp sản xuất đặt lên rạn san hô. Ngay khi lên sóng, cộng đồng mạng tranh cãi về thử thách mà chương trình đặt ra.
Quán quân Cuộc đua kỳ thú 2015 Trần Ngọc Anh bày tỏ nỗi bức xúc trên trang cá nhân: “Không thể tin nổi vào mắt mình đây là những hình ảnh của một thử thách trong Cuộc đua kỳ thú 2019. Người ta sắp đặt khung sắt, bê tông lên trên san hô. Tôi tự hỏi đội set game (thiết kế trò chơi - PV) năm nay là ai và những người chịu trách nhiệm sản xuất của chương trình này từ đâu tới để có thể thực hiện những việc ngu ngốc như vậy”.
Thử thách gây tranh cãi ở Cuộc đua kỳ thú. |
“San hô một năm chỉ phát triển được rất ít, nó là một hệ sinh thái dưới nước có thể cung cấp, chia sẻ chỗ ở, thức ăn cho các loài sinh vật khác. Những thảm san hô và tảo biển còn như những cánh rừng dưới biển (dù san hô không phải thực vật). Cho dù những người làm chương trình không biết đến tầm quan trọng của san hô thì cũng không thể làm việc gây tổn hại đến san hô như vậy”, Ngọc Anh gay gắt chỉ trích chương trình.
Cô viết thêm: “Bạn cần được học rằng đi xuống biển, hãy tôn trọng thiên nhiên và muôn loài dưới ấy. Trong video còn có cả hình ảnh người chơi bắt hải sâm, sao biển nghịch, chương trình liệu có còn chút giá trị gì trong việc truyền bá những thông điệp tốt đẹp và tích cực cho giới trẻ?”.
Bài viết của Trần Ngọc Anh nhận được nhiều phản hồi đồng tình. Một fanpage của hội cứu hộ sinh vật biển thậm chí phân tích tác động của việc đặt bê tông lên rạn san hô.
Fanpage Trung tâm cứu hộ sinh vật biển đưa ra hình ảnh chứng minh tác hại của việc đặt bê tông lên san hô não. |
“Trong ảnh lấy trực tiếp từ game show, các bạn có thể thấy họ đặt cái khung sắt gác trực tiếp lên một tảng san hô não. Còn trong ảnh của chúng tôi lấy từ thực tế có thể thấy san hô não bị tác động, ảnh hưởng thế nào. Khi có tác động của con người, lớp tảo cộng sinh của san hô não bị bào đi và dẫn đến cái chết cục bộ phần đó của san hô. Từ phần bị tổn thương đó, tảo sẽ xâm hại và lây lan, có thể giết cả tảng san hô não”, nội dung bài viết trên fanpage.
Trang này viết thêm: “San hô não là loài phát triển chậm nhất. San hô não đóng vai trò vô cùng quan trọng như những móng nhà, những cột trụ trong quá trình hình thành rạn san hô. Hãy thử tưởng tượng xem bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì khi xem những hình ảnh này”.
Trên trang của Cuộc đua kỳ thú, nhiều khán giả cũng bức xúc vì vấn đề trên và yêu cầu ê-kíp sản xuất đưa ra câu trả lời. “San hô là bức tường giảm bớt lực của sóng biển gây sói mòn đất đai và là nhà của các loài sinh vật biển khác. Mất san hô thì tưởng tượng xem sẽ như thế nào”, một tài khoản bày tỏ.
“Tôi có đọc được san hô rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một nhánh nhỏ của nó bị bẻ, nhiễm độc hay chịu tác động quá mạnh cũng có thể khiến cả rạn san hô chết theo. Vậy mà chương trình nỡ để cả giàn giáo lên đó”, khán giả khác bình luận.
Tuy nhiên, đại diện của đơn vị sản xuất cho biết hiện chưa thể đưa ra câu trả lời về vấn đề này.