Duy Mạnh đã chứng kiến những khoảnh khắc tuyệt vời của bóng đá Việt Nam. Từ cậu bé nhặt bóng trong đêm chung kết AFF Cup 2008, anh trở thành trụ cột của U23 Việt Nam ở Thường Châu.
Bóng đá Đông Anh đã bao giờ tự hào như thế? Bên cạnh Quang Hải, vùng đất này còn sinh ra Duy Mạnh. Họ là 2 trong số những chiến binh U23 Việt Nam làm nên kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á 2018.
Giống như Quang Hải hay rất nhiều cái tên U23 khác, Duy Mạnh đã trải qua những tháng ngày thơ ấu bên trái bóng tròn. Trong câu chuyện dội lại từ xa xôi ấy, cũng có cây đa, giếng nước, sân đình, có những trưa hè trốn học đá bóng.
Nhưng nếu chỉ có thế, chuyện về Duy Mạnh sẽ “bình thường” như bao câu chuyện khác. Zing.vn chọn Duy Mạnh bởi muốn kể cho độc giả một câu chuyện khác, câu chuyện về người từng nhặt bóng trong đêm chung kết AFF Cup 2008 và giờ là nhân vật chính của kỳ tích Thường Châu 2018.
Ngày 28/12/2008. Sân Mỹ Đình. Lê Công Vinh. Đọc tới đây, chắc các bạn đã lờ mờ nhớ ra sự kiện lịch sử ấy?
Bàn thắng của Công Vinh ở phút 90+4 đã giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Vinh cởi áo, chạy dọc các khán đài, nước mắt hòa lẫn niềm vui. Trong dòng người chạy sau Công Vinh tại Mỹ Đình đêm ấy, có một cậu bé nhặt bóng. Cậu bé ấy không bao giờ ngờ rằng 10 năm sau, chính cậu sẽ là nhân vật chính trong một chiến công còn phi thường hơn thế: chiến công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á.
Đời người, được thấy 1 trong 2 khoảnh khắc ấy là hạnh phúc, chứng kiến cả 2 là một đặc ân. Được thấy, được trực tiếp tham gia như Duy Mạnh thì quá đỗi phi thường. Cậu bé ấy, từ ngày thơ ấu, như đã được định mệnh lựa chọn để sống trong những thời khắc đẹp nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam.
Ký ức ấy, Mạnh chưa từng quên được: “Chúng tôi sướng như điên bên đường piste. Cả lũ chạy quanh sân ăn mừng cùng các anh. Với tụi nhóc chúng tôi, các anh ấy là những người hùng. Tôi theo sát Quang Hải (cựu tiền đạo Nguyễn Quang Hải, sinh năm 1985 - PV) và xin được áo đấu của anh. Đêm ấy, Mỹ Đình tắc lắm. Đến 5h ngày hôm sau, cả lũ mới về tới nhà. Không ai kêu mệt cả. Chúng tôi đều quá vui mừng”.
Chuyện dính chấn thương, Mạnh đã kể với ai chưa?
- Chưa.
- Ngoài bác sĩ Thủy, đã ai biết chuyện này chưa?
- Chưa ai biết.
- Sao Mạnh phải giấu? Mọi người đang chỉ trích Mạnh kìa?
- Tôi biết, nhưng tôi không muốn. Tôi không thể lấy nó làm lý do đổ lỗi cho sai lầm trên sân.
Duy Mạnh nhìn thẳng về phía người viết khi nói điều đó. 9 năm sau AFF Cup 2008, U23 Việt Nam hành quân tới Thái Lan dự giải giao hữu M-150 Cup. Đội tuyển giành HCĐ, đánh bại người Thái nhờ phong độ rực sáng của Công Phượng, Quang Hải. Tuy nhiên, hàng thủ do Duy Mạnh chỉ huy đã có những kỷ niệm đáng quên.
Tuyến phòng ngự của U23 Việt Nam vỡ vụn trước Myanmar và Uzbekistan. Đình Trọng, Văn Hậu và nhất là Duy Mạnh liên tục mắc các sai lầm ngớ ngẩn. Không ai, kể cả HLV Park Hang-seo biết rằng Duy Mạnh đã dính chấn thương trước giải đấu ấy.
Đường phố Hà Nội vài tuần trước đó, chiếc xe phía trước bất ngờ dừng lại, Duy Mạnh không xử lý kịp. Cậu ngã nhào xuống đường, chân bết máu. Trước thềm giải đấu quan trọng ở Thái Lan, Mạnh không dám nói với ai. Cậu tự băng bó, giấu kín vết thương, bỏ thêm bông băng và thuốc đỏ vào hành lý. Cả đội tuyển, chỉ một mình bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy biết về chấn thương của Duy Mạnh.
Ở giải đấu ấy, Mạnh là “ngôi sao đen” của đội tuyển. Chấn thương khiến cậu không thể có phong độ cao nhất. Mạnh chỉ cần 3 trận để phá vỡ danh tiếng đã được xây dựng suốt 3 năm.
Hậu vệ của CLB Hà Nội liên tục “tặng” bóng vào chân đối thủ, bị bỏ lại trong phần lớn các tình huống tay đôi, có lỗi trong tất cả bàn thua của U23 Việt Nam. Các tờ báo thêm 2 chữ “thảm họa” vào phía trước tên của Duy Mạnh, CĐV gào thét đòi trả cậu về CLB. Sự im lặng khiến Mạnh phải trả giá đắt.
Lúc ấy, chỉ một mình HLV Park Hang-seo tin tưởng và che chở Duy Mạnh. Trong cơn bão chỉ trích của giới truyền thông, ông bảo: "Các cầu thủ cần thêm thời gian. Ân tình ấy, Mạnh không bao giờ quên được".
Trung vệ sinh năm 1996 nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ chuyện này. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại và nhận ra mình phải cứng rắn hơn. Thầy đã tin tưởng, tôi không thể phụ lòng thầy”.
Chuyện đó diễn ra chỉ một tháng trước vòng chung kết U23 châu Á. Phần còn lại, như chúng ta thường nói, đã trở thành lịch sử.
Có phải đến lúc đó, bóng đá Việt Nam mới nhớ tới Duy Mạnh?
Lần đầu tiên chúng ta biết đến Duy Mạnh là khi nào? Là khi Mạnh góp mặt trong đội hình U19 Việt Nam giành ngôi Á quân Đông Nam Á năm 17 tuổi? Là khi Mạnh đá chính trong chiến thắng 5-1 trước U19 Australia? Hay khi cậu sút tung lưới đội trẻ Wimbledon nhờ một quả đá phạt theo phong cách David Beckham?
Hình như đều không phải. Bởi trong lứa U19 đình đám hồi 2014, Duy Mạnh chỉ là lựa chọn thứ yếu tại hàng tiền vệ. Cầu thủ của đội trẻ Hà Nội T&T chỉ là kép phụ trên một sâu khấu mà Xuân Trường, Tuấn Anh đã sớm nhận vai chính. Duy Mạnh phải cố chắt chiu, phải tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất.
Cơ hội ấy đã đến sau chấn thương nghiêm trọng của Xuân Trường ở trận gặp U19 Myanmar tại vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2013.
Ông Dương Nghiệp Khôi - Trưởng đoàn U19 Việt Nam ngày ấy nhớ lại: “Duy Mạnh ban đầu chỉ là dự bị cho Xuân Trường, Tuấn Anh. Nhưng khi Trường gãy tay, Mạnh được vào chơi và hòa nhập rất tốt. Với cặp Tuấn Anh, Duy Mạnh, U19 Việt Nam chơi rất hay trong phần còn lại của giải đấu. Mạnh không chỉ đánh chặn tốt mà phát động tấn công cũng ổn. Chính các cầu thủ HAGL cũng phải công nhận Mạnh tìm được sự ăn ý với Tuấn Anh”.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, lứa U19 ấy là đội bóng được đầu tư lớn nhất và kỳ vọng nhiều hơn cả. Nòng cốt của U19 Việt Nam là lứa một lò JMG vốn được bầu Đức nuôi dưỡng suốt nhiều năm. Đó cũng là lứa cầu thủ được “quy hoạch” sẽ giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup.
Trong đội hình ấy, sự ưu tiên luôn dành cho “những đứa trẻ của bầu Đức”. Những cái tên khác tới từ các lò đào tạo còn lại luôn phải chiến đấu vất vả để giành được vị trí. Duy Mạnh cùng người đồng đội Đức Huy là 2 tên tuổi hiếm hoi không thuộc JMG tìm được chỗ đứng cho mình.
Cho đến tháng 1/2014 - khi U19 Việt Nam đá giải quốc tế ở Thống Nhất, Huy và Mạnh vẫn được góp mặt (Đức Huy thậm chí có suất đá chính). Bộ đôi của Hà Nội T&T cũng tiếp tục được triệu tập tham dự chuyến tập huấn châu Âu cùng các đồng đội. Ba tuần ở xứ lạnh, cả 2 đã chơi tốt với đỉnh cao là cú sút phạt tung lưới U19 Wimbledon của Duy Mạnh.
Nhưng khi về đến Việt Nam, họ bất ngờ bị loại. Không một lời giải thích.
Nhắc lại kỷ niệm xưa, Mạnh cay đắng: “Tôi biết lý do mình bị loại không tới từ chuyên môn. Ngày ấy, tôi với Huy đang tập tốt ở châu Âu. Vậy mà chẳng hiểu sao, khi đội tập trung chuẩn bị đi Nhật Bản và Brunei, chúng tôi lại bị loại”.
“Tôi nghĩ có một nguyên nhân nào đấy ngoài chuyên môn cho sự vắng mặt của họ. Muốn biết điều đó, bây giờ ta chỉ có thể hỏi thẳng HLV Guillaume Grachen”, ông Khôi thừa nhận.
Câu trả lời đó, Mạnh không bao giờ nhận được.
Ngày ấy, việc bị loại khỏi U19 Việt Nam là điều gì đó rất khủng khiếp. Mẹ Duy Mạnh từng “lo sốt vó, mất bình tĩnh kinh khủng”. Bà gọi điện lên tra hỏi vì tưởng con trai mắc lỗi gì khủng khiếp lắm. Bầu trời rộng lớn phía trước Mạnh từng có lúc tối sầm lại.
Nhưng Mạnh không cần lo lắng quá nhiều. HLV Graechen từ chối Mạnh, nhưng các nhà chuyên môn thì không. Khi Duy Mạnh chìm trong thất vọng, vận may lặng lẽ tìm đến bên.
Một ngày mùa đông năm 2015, HLV Phan Thanh Hùng nhận được cuộc gọi. Đầu dây bên kia là trưởng đoàn U19 Việt Nam Dương Nghiệp Khôi. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh “một thằng nhóc nhiều tiềm năng và chắc chắn sẽ trở thành một cầu thủ giỏi”. Đó là Duy Mạnh.
Nghe lời ông bạn già, HLV Phan Thanh Hùng gọi Mạnh lên đội một. Từ chỗ bị loại khỏi U19 Việt Nam, Duy Mạnh, mới 18 tuổi, đặt chân vào đội hình CLB mạnh nhất kỷ nguyên V.League.
Trong lứa trẻ đình đàm của Hà Nội năm ấy, Duy Mạnh là người duy nhất được giữ lại. Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng đều bị đẩy xuống đội Hạng Nhất Sài Gòn, khi ấy là Hà Nội FC được dẫn dắt bởi HLV Đức Thắng.
Tại Hà Nội T&T lúc ấy, Sỹ Cường vừa ra đi, Ngọc Duy đã cao tuổi, còn Văn Hiếu sắp chia tay đội. Mạnh đến đúng thời điểm chuyển giao khi tuyến giữa của đội bóng thủng lỗ chỗ. Cậu được giữ lại, được trao cơ hội và tận dụng nó thành công.
Trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, Duy Mạnh giành luôn suất đá chính. Cậu xuất phát 17 trận, chơi hơn 1.400 phút bên cạnh Văn Quyết, Samson, Thành Lương. Như viên đạn vừa rời nòng súng, Duy Mạnh thăng tiến vượt bậc với tốc độ không gì cản nổi. Trong năm 2015, Mạnh ra mắt U23 Việt Nam ở SEA Games, lên tuyển quốc gia và có luôn suất đá chính.
Chưa đầy 1 năm, Mạnh chinh phục 3 thử thách lớn nhất mà những người khác có khi phải mất cả đời theo đuổi. Cậu đá chính trong trận hòa lịch sử của Việt Nam trước Iraq, đổi áo cho Edin Dzeko ngày giao hữu Man City trước khi chứng kiến Thái Lan đè bẹp đoàn quân của HLV Toshiya Miura tại Mỹ Đình.
Mùa giải 2015 khép lại khi Duy Mạnh bước lên bục nhận giải Cầu thủ trẻ hay nhất V.League.
HLV Phan Thanh Hùng nhớ lại: “Tiền vệ trung tâm của bóng đá Việt Nam thường thấp. Tìm được người cao như Duy Mạnh là điều rất hiếm. Tôi không bất ngờ với sự tiến bộ của Mạnh vì tôi biết bạn ấy có tiềm năng. Thời điểm Mạnh phát triển trùng với thời điểm CLB cần bạn ấy. Bên cạnh chiều cao, Mạnh cũng có tư duy chơi bóng hiện đại. Bạn ấy dám cầm và điều khiển trái bóng theo ý mình. Mạnh là bằng chứng cho thấy nếu gặp đúng thời điểm, cầu thủ trẻ sẽ phát triển nhanh như thế nào”.
Ở tuổi 19, Mạnh dường như đang có tất cả. Đẹp trai, cao ráo, đá chính ở CLB của Thủ đô và đội tuyển quốc gia, Duy Mạnh được người hâm mộ yêu quý và giới chuyên môn nể phục.
Mạnh có lẽ đã ra nước ngoài thi đấu, có thể bay cao hơn, xa hơn trên con đường sự nghiệp. Bởi hồi cuối năm 2014, Mạnh từng có thời gian thử việc ở Consadole Sapporo tại J.League 2. Chàng trai sinh năm 1996 là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi sở hữu đủ thể hình lý tưởng, lối chơi thông minh và năng lực thích ứng với nhiều vị trí.
Nhưng khi con đường trước mặt đang trải đầy hoa hồng, Duy Mạnh bất ngờ dính chấn thương. Chàng trai sinh năm 1996 dính 2 chấn thương nặng trong một năm lần lượt ở trận gặp Iraq (6/2016) và Quảng Nam (8/2016). Nhiều người tin rằng đó là hệ quả tất yếu từ việc Duy Mạnh đã thi đấu quá nhiều ở mùa giải trước đó. Bởi Duy Mạnh năm ấy chưa tròn 20 tuổi, cơ thể chưa phát triển đủ để chịu đựng sự quá tải liên tục.
Năm ấy, Mạnh chuyển hộ khẩu từ sân cỏ lên giường bệnh. Cậu nói lời chia tay với trái bóng để làm bạn với đôi nạng. Năm 2016 với Duy Mạnh chỉ có những nỗi buồn. Cậu chỉ đá chính 3 trận tại V.League, mất suất ở đội tuyển, mất luôn cả tấm vé tới AFF Cup.
Thời điểm Mạnh chấn thương, tuyển Việt Nam đang bắt đầu “trẻ hóa” mạnh mẽ. Lứa trẻ của HAGL ồ ạt lên đội tuyển. Duy Mạnh lẽ ra sẽ có mặt, lẽ ra có thể là tuyển thủ quốc gia trẻ nhất ở AFF Cup.
“Khủng khiếp lắm anh ơi”, Mạnh hồi tưởng, “Ngày qua ngày, em không đi được ra sân mà cứ ở suốt trong phòng. Tại sao em lại chấn thương đúng khi có phong độ cao như thế? Em không ra được ngoài sân, đứng lên bằng nạng, bật cái tivi còn khó”.
“Những ngày ấy, em tự giam mình trong phòng. Cầu thủ nào cũng thế, đều phải một mình đối mặt với nó. Em nhớ nhiều anh trong đội còn kháo nhau rằng hay thằng Mạnh nó bị tự kỷ”.
Chấn thương ấy khiến Mạnh nghỉ gần 1 năm. Cậu bảo đó mới là “trận cầu” khó khăn nhất của mình kể từ ngày bước lên chuyên nghiệp.
Hơn một năm sau chấn thương, Duy Mạnh đã trở lại. 17 trận trong mùa giải 2017 vừa đủ để đưa Mạnh trở lại đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Phần còn lại của câu chuyện, chúng ta đều đã biết.
Duy Mạnh trở thành một phần của U23 Việt Nam trong chuyến hành trình tới Trung Quốc. Những chàng trai áo đỏ ra đi "không kèn, không trống", bước ra châu lục với rất ít kỳ vọng. Nhưng họ càng chơi, càng hay. Mỗi trận đấu của U23 Việt Nam là một hành trình cổ tích. Và Duy Mạnh, giống như 10 năm về trước, tiếp tục là nhân chứng cho chiến công lịch sử ấy. Chỉ khác là lần này anh được trực tiếp góp mặt.
Hình ảnh Duy Mạnh cúi mình trước lá cờ tổ quốc trong đêm 27/1 đã trở thành một biểu tượng. Nhưng đó không phải là những gì cần nhớ về Duy Mạnh. Lá cờ đỏ thắm ấy khiến nhiều người quên rằng chàng trai trắng trẻo này thực sự là một chiến binh. Trên mảnh đất Trung Quốc, không một hậu vệ nào của U23 Việt Nam chơi tốt hơn Mạnh, không ai tạo được sự tin tưởng nhiều như Mạnh.
Trong hệ thống phòng ngự của HLV Park Hang-seo, Mạnh là cái tên đặc biệt nhất. Anh là “libero” duy nhất bên cạnh 2 trung vệ dập Đình Trọng và Tiến Dũng. Mạnh vừa có nhiệm vụ phòng ngự, vừa là người phát động tấn công. Nhờ có hệ thống số liệu của AFC, chúng ta mới biết Duy Mạnh đã xuất sắc như thế nào.
Lấy trận gặp U23 Syria làm ví dụ, Mạnh là người tắc bóng, cản phá và tranh chấp nhiều nhất. Anh đá trung vệ nhưng chuyền bóng nhiều thứ 2 trong đội hình (chỉ sau Xuân Trường). Những đường chuyền của Duy Mạnh (cùng với Xuân Trường) chính là sợi chỉ đỏ gắn kết đội hình U23 Việt Nam. Xem Mạnh thi đấu, ta mới hiểu HLV Toshiya Miura tinh tế thế nào khi nhìn ra Mạnh từ năm 2015.
Ở tuổi 22, Mạnh đang thể hiện mình như là một trong những trung vệ hay nhất của bóng đá Việt Nam với sự độc đáo và những tố chất hoàn toàn khác biệt. Nói như HLV Phan Thanh Hùng: “Mạnh có rất nhiều tiềm năng và chứng minh cho tất cả thấy rõ những tiềm năng ấy. Thành quả dành cho Mạnh hôm nay là hoàn toàn xứng đáng”.
Tại ASIAD 18, Duy Mạnh sẽ tiếp tục là thủ lĩnh ở hàng thủ Olympic Việt Nam. Người hâm mộ đang chờ Duy Mạnh và các đồng đội tạo nên một kỳ tích mới.