Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đứt tay' khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay

Tỷ giá hạ trở lại, nhiều tổ chức tín dụng đang ngậm đắng vì việc lao vào USD, do quá thừa tiền đồng.

'Đứt tay' khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay

Tỷ giá hạ trở lại, nhiều tổ chức tín dụng đang ngậm đắng vì việc lao vào USD, do quá thừa tiền đồng.

Trong tuần cuối tháng 6, giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt gấp 2,5 lần so với chỉ 1 tuần trước đó. Tuần đầu tháng 7 có giảm, nhưng sau đó biến động mạnh trở lại. Đến tuần từ ngày 8-12/7, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng tiền đồng giảm 23,6%, song doanh số giao dịch USD lại tăng tới 52%. Các giao dịch USD chủ yếu tập trung ở kỳ hạn qua đêm (khoảng 78% tổng doanh số giao dịch) với doanh số quy đổi ra tiền đồng đạt xấp xỉ 78.605 tỷ đồng.

Lợi dụng thị trường có chút xao động trước việc điều chỉnh lãi suất của NHNN (đã được dự báo trước do CPI liên tục giảm), một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng mua USD vào và hạn chế bán ra nhằm tạo sóng trên thị trường hòng kiếm lợi. Nếu có bán ra họ cũng tìm cách thu phí để lách luật về biên độ giao dịch tỷ giá, hình thành nên cái gọi là hai giá USD. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố là 21.036 VND/USD, như vậy theo quy định trần sẽ là 21.246 VND/USD. Nhưng ngoài thị trường tự do, tỷ giá không ngừng nhích lên, vượt các mốc 21.700 VND/USD, rồi 21.800 VND/USD; thậm chí đến ngày 6/7 có lúc lên tới 22.000 VND/USD.

 
Từ 8-12/7, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng tiền đồng giảm 23,6%, song doanh số giao dịch USD lại tăng tới 52%.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thừa nhận, họ lao vào USD một phần vì đang quá dư thừa vốn tiền đồng, trong khi tỷ giá lại có cớ được hâm nóng bởi việc điều chỉnh lãi suất của NHNN và đặc biệt là do nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng (nhập lậu) của thị trường tự do. Hơn nữa, các NHTM biết rất rõ việc tất toán tài khoản huy động vàng dù đã qua ngày 30/6 vẫn chưa xong (bằng chứng là các phiên đấu thầu bán vàng miếng của NHNN vẫn tiếp diễn và rất đắt hàng dù giá bán cao). Những TCTD chưa tất toán xong tiếp tục mua vàng, không chỉ từ NHNN mà cả gom vàng trên thị trường. Mà vàng và USD vốn là “đôi bạn cùng tiến”, nên khi giá vàng tăng thì USD cũng lên theo. Để trấn an thị trường, tối ngày 10/7, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, khẳng định: NHNN không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để ổn định giá trị tiền đồng.

Tiếp đến, ngày 11/7, NHNN đã triệu tập 14 NHTM lớn nhất hệ thống. Những lần trước, thông tin từ cuộc họp kín của NHNN thường ít nhiều được đưa lên mặt báo, nhưng lần này những đại diện NHTM tham gia cuộc họp rất e dè trong việc thông tin cho báo giới. Tại sao như vậy? Vì họ đã bị NHNN “nắn gân”. Một lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã ngay lập tức bán ra một lượng ngoại tệ nhất định để can thiệp thị trường. Nhưng giá bán ra là giá trần, “anh nào thiếu cứ việc đến mua”, ông này cho biết. Nhưng một số NHTM đã rút đơn xin mua, vì rõ ràng không thể kiếm được gì từ việc này. Ngược lại, một số NHTM còn bị “đứt tay” do tỷ giá giảm trở lại. Thậm chí họ còn bị NHNN cho một “bài học” bởi đã vì lợi ích cục bộ mà khiến thị trường ngoại hối có một phiên dậy sóng, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Lợi nhuận, sao dễ bỏ qua

Phó thống đốc NHNN - Lê Minh Hưng khẳng định, với quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước đang ở mức cao như hiện nay, NHNN sẵn sàng can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của NHNN về giao dịch ngoại tệ của các TCTD. Ngày 18/7/2013, NHNN tiếp tục ban hành các văn bản số 5174 và 5175/NHNN-QLNH yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD được phép hoạt động ngoại hối tăng cường công tác quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN yêu cầu các chi nhánh NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng “phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…”. Đây chẳng khác nào tuyên bố, NHNN sẽ tiếp tục mạnh tay đối với TCTD nào có những hoạt động gây bất lợi cho thị trường.

Trong bối cảnh tín dụng chưa có dấu hiệu nóng trở lại, mà thời điểm hết năm tài chính lại đang đến gần, các NHTM vẫn phải tìm kiếm lợi nhuận ở những hoạt động khác, cho dù rủi ro và lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với nhau. Có những “cửa” mà các NHTM đang nhắm đến: thứ nhất, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới tiếp tục ở mức cao (4 – 5 triệu đồng/lượng). Mức chênh lệch này vẫn rất hấp dẫn đối với dân buôn lậu vàng, nghĩa là cầu ngoại tệ trên thị trường tự do vẫn còn cao trong một thời gian nữa. Thứ hai, tín dụng bằng ngoại tệ 6 tháng đầu năm tuy giảm gần 9,4% so với cuối năm 2012, nhưng nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu có dấu hiệu tăng trở lại, khi Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu trong 6 tháng cuối năm có thể ở mức 7,4 tỷ USD, tính chung cả năm có thể lên đến 9 tỷ USD. Vì vậy một số chuyên gia nhận định, vẫn còn nguy cơ gây biến động tỷ giá. Mặt khác, việc đồng USD đang dần lấy lại vị thế trên thị trường tài chính thế giới đã tác động đến tâm lý muốn găm giữ đô la của người dân.

Một cầu ngoại tệ khác là nhu cầu vốn đầu tư để chuyển ra nước ngoài. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số dự án được cơ quan này cấp phép đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện lên đến 700 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 14 tỷ USD. Những thị trường Việt Nam đầu tư nhiều nhất là Lào, Campuchia, Myanmar, các nước khu vực châu Phi – những thị trường đồng USD đang thống trị. Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã nhiều lần “phàn nàn” về việc mang ngoại tệ ra nước ngoài rất khó. Ví dụ, quy định yêu cầu chỉ khi dự án được phê duyệt thì doanh nghiệp mới được chuyển vốn ra. Nhưng “chúng tôi cần chuyển tiền ngay từ khâu tham gia đấu thầu. Có tiền mới mong triển khai được các bước chuẩn bị dự án. Không có tiền khác nào bị trói tay trước đối thủ cạnh tranh”, chủ một doanh nghiệp tham gia đầu tư tại Lào cho biết.

Theo Doanh Nhân

Theo Doanh Nhân

Bạn có thể quan tâm