Hết 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của cả nước chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm trước do hạn hán, sự cố môi trường biển miền Trung đã kéo giảm sự phát triển của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Do đó, mục tiêu đạt 6,7% tăng trưởng của cả năm 2016 là thách thức rất lớn đối với Chính phủ.
Tuy nhiên, mục tiêu trên vẫn có thể đạt được khi các yếu tố thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác đã xuất hiện, đảm bảo cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ trong các cuộc họp gần đây đều nhấn mạnh tới việc khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, trong đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân còn góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực chi NSNN những tháng cuối năm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong điều kiện công tác huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phải trả giá vốn vay cao, thời gian ân hạn giảm, nguồn vốn đầu tư vẫn nằm yên trong kho bạc, nên việc không giải ngân đúng tiến độ là vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ.
Thực tế, tổng vốn đầu tư nhà nước năm 2016 được giao 250.000 tỷ đồng. Tới tháng 5/2016 giải ngân được hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 32%. Nguyên nhân chính là các Bộ chậm giao vốn, thậm chí sau nửa năm vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao cho địa phương nên không thể giải ngân. Thủ tục giải ngân còn nhiều trong khi tiền trong Kho bạc vẫn còn dư thừa.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công hạn chế, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ giải ngân vốn đầu tư công do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng vào cuối tháng 5/2016; chủ trì cuộc họp với Tổ công tác này hồi đầu tháng 7/2016 và tới ngày 8/7, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm 2016.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. |
Với Nghị quyết 60, Chính phủ quyết nghị các bộ phải rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đơn giản về thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của hệ thống pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, xây dựng, ngân sách nhà nước; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.
Chính phủ cũng yêu cầu giao nhanh chóng giao chi tiết và triển khai kế hoạch năm 2016 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó hai chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới vẫn chưa được giao vốn thực hiện sau nửa đầu năm 2016) và các dự án được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tam nông và các chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Nghị quyết cũng đặt ra mốc thời gian cụ thể cho các Bộ về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối các dự án đầu tư công trong chương trình mục tiêu quốc gia, về việc sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí phân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không để phát sinh nợ đọng cho Chương trình này.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thông qua việc chỉ đạo đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà thầu; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật với nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm. Trong phiên họp Tổ công tác này hôm 21/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu: “Phải tiến hành xử lý các trường hợp nhà thầu yếu năng lực để đảm bảo làm gương cho các dự án khác”.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 giữa các bộ, ngành, địa phương khi mà tới ngày 30/9/2016 có trường hợp giải ngân dưới 50% kế hoạch.
Đối với dự án kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch năm 2015 sang năm 2016, Chính phủ đề nghị Bộ KH&ĐT thông báo danh mục dự án kéo dài trước ngày 20/7/2016, nhưng đến hết năm nay vẫn không giải ngân hết số vốn này thì cắt giảm số vốn không giải ngân hết để điều chuyển bổ sung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước chưa có nguồn để thu hồi.
Về nội dung này, Tổ trưởng Tổ giải ngân vốn đầu tư công nhấn mạnh: “Sau 1 năm kéo dài giải ngân mà chưa giải ngân hết thì kéo dài tiếp hay không là thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng không vì thế mà các bộ, ngành lại gửi xin ý kiến Thủ tướng mà xác định thấy có nguyên nhân chủ quan chậm giải ngân thì phải kiểm điểm trách nhiệm, thu hồi lại vốn thì có tác động lan truyền ngay tức khắc tới các dự án khác”.
Đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016 thì kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2017 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2017.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm và chống lãng phí, tuân thủ các quy định của pháp luật. Làm rõ trách nhiệm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong giao vốn chi tiết tới các đơn vị cơ sở.
Do tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo nghiêm khắc: “Cán bộ nào nhũng nhiễu trong việc này thì lập tức thay thế và xử lý vi phạm”.
Được biết tới nay, các Bộ, ngành liên quan đã và đang sửa các Thông tư hướng dẫn các thủ tục về đầu tư xây dựng, quản lý và thanh toán vốn đầu tư… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo chất lượng các công trình, dự án.
Cụ thể, Bộ Tài chính mới đây đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đàu tư sử dụng nguồn vốn NSNN để bãi bỏ các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm tra kế hoạch vốn và đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục thanh toán.
Bộ Xây dựng trong ngày cuối cùng của tháng 6/2016 đã ban hành 4 Thông tư số 15, 16, 17,18 hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn về năng lực của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, về thẩm định, phê duyệt dự án thiết kế, dự toán xây dựng công trình.