Sau 14 ngày điều trị, cuối cùng, bà Loan cũng được trở về nhà. Đón bà khi ấy chỉ có căn nhà trống, không một bóng người. Tất cả người nhà của bà đều đã được đưa đi cách ly tập trung vì là F1.
Vừa mở cửa, người phụ nữ 58 tuổi nhanh tay dọn dẹp căn nhà 2 tuần không có bàn tay con người, chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn. Chỉ khoảng 2 tiếng nữa, hai con trai bà cũng sẽ từ khu cách ly về nhà. Nghe tin bà đã khỏi bệnh xuất viện, cả nhà ai cũng vừa mừng, vừa ngạc nhiên vì "bệnh nhân mẹ" còn về nhà trước cả người cách ly.
“Mấy mẹ con gặp nhau, mừng ứa nước mắt”, bà Loan kể. Cả gia đình bà đã trải qua 2 tuần gian nan vì Covid-19. Từ ngày 27/7, bà Loan (58 tuổi), hộ lý khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, có một định danh mới: Bệnh nhân số 424 (BN424). Bà cũng là 1 trong 4 nhân viên y tế đầu tiên của Đà Nẵng mắc Covid-19 ở giai đoạn thứ 2.
Cuộc chiến với Covid-19 ở mặt trận khác
13h ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng bị phong toả. Dãy hành lang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc yên tĩnh đến mức bà Loan nghe thấy cả tiếng sột soạt của những bộ đồ bảo hộ. Khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng mới chỉ đang điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19, chưa có trường hợp nào được phát hiện ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Bà Loan cũng căng thẳng, nhưng vẫn an tâm vì luôn làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Bà càng vững lòng hơn khi biết khoa đã chuẩn bị sẵn khu cách ly riêng trong trường hợp có ca mắc Covid-19. Các bác sĩ, y tá, hộ lý vẫn làm những công việc như ngày thường, chỉ khác là ít bệnh nhân hơn và quy trình phòng dịch phức tạp hơn.
Để sàng lọc các ca nhiễm Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Bà Loan được lấy mẫu từ sáng 26/7. Chưa đầy một ngày sau, khi đang chuẩn bị kết thúc ca trực đêm, bà nhận được thông báo dương tính với Covid-19.
Bà Loan bàng hoàng. Ai cũng có thể trở thành bệnh nhân, nhưng bà chưa từng nghĩ mình sẽ nằm viện theo cách này.
Bệnh nhân số 424 được xuất viện hôm 10/8. Ảnh: Văn Nguyện. |
Bà nhớ lại trước đó mấy ngày, bà thấy nóng trong người, hơi đau lưng và sốt nhẹ nhưng nữ hộ lý tự tin rằng đó chỉ là cảm cúm thông thường. Nghĩ mãi, nữ hộ lý vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm của mình từ đâu.
Không chỉ bà, ba đồng nghiệp khác cũng nhận được kết quả dương tính và được chuyển vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong ngày hôm đó, bắt đầu cuộc chiến với Covid-19 ở một mặt trận khác. Trong đó, có 2 điều dưỡng ở cùng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Điều bà Loan thấy lạ nhất là giữa bà và 2 nữ điều dưỡng kia không có điểm chung nào để tìm ra nguồn lây nhiễm. 3 người làm ở 3 ca kíp khác nhau thì dương tính với Covid-19, trong khi có đồng nghiệp "làm cùng ca, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường" với bà lại không bị lây nhiễm.
Khi nhận kết quả, bà còn đinh ninh có khi chỉ là “lộn thôi”. Đến tận lúc xếp quần áo, lên xe rời Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Phổi, bà mới tin đây là sự thật.
“Ngày đó, có đồng nghiệp cùng đi vô viện, tự dưng mình cũng thấy có an ủi, có chỗ bám víu. Mình nghĩ họ là điều dưỡng, bác sĩ còn bị thì mình là hộ lý, nhiễm là chuyện thường. Trời kêu ai nấy dạ. Mình cứ nghĩ như rứa”, bà tâm sự.
Điều bà sợ nhất là bị đánh giá bảo hộ không cẩn thận trong quá trình chăm sóc bệnh nhân dẫn đến nhiễm bệnh. Đó là nỗi buồn cho người hàng chục năm gắn bó với nghề hộ lý như bà.
"Mừng như chết đi sống lại"
Bà bất ngờ trở thành người bệnh, còn các đồng nghiệp ở Bệnh viện Phổi cũng ngạc nhiên khi gặp bà trong khu điều trị. Nhiều người nhận ra bà là hộ lý của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.
"'A, chị Loan hộ lý hồi sức nè'. Nhiều đồng nghiệp thấy mình thì chào vậy, thấy dễ thương, gần gũi lắm”, bà chia sẻ. Nhờ tình cảm và sự động viên của đồng nghiệp, những ngày điều trị của bà Loan như ngắn lại. Mỗi ngày, dù chỉ vài phút nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ, nhận ra nhau qua tiếng nói cũng giúp bà Loan thấy ấm lòng.
Các nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Văn Nguyện. |
Nữ hộ lý kể những ngày trong viện, hồi hộp nhất là mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm. Bà “ngủ không yên”, liên tục nhắn tin hỏi kết quả đồng nghiệp qua nhóm Zalo. Những ngày có kết quả xét nghiệm máu và chụp X-quang tốt, bà phấn khởi tới mức "không ăn cũng thấy no".
Ngày 5/8, bà nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu tiên. Kể từ đó, mỗi ngày bà lại thấy thời gian ngắn lại. Liên tiếp 3 ngày sau đó, bà tiếp tục nhận kết quả âm tính với Covid-19. Ở lần âm tính thứ 4, bác sĩ báo bà sẽ được ra viện sau đúng 14 ngày điều trị.
“Buổi sáng ngày ra viện, tôi vẫn hồi hộp, vẫn chưa tin. Tụi tôi bảo nhau là ‘lô tô thôi’ vì giờ có nhiều người âm tính sau đó lại dương tính lại. Khi nhận thông báo ra viện, thấy giống như là ai đưa vai vô gánh giùm cho mình. Mừng như chết đi sống lại vậy”, bà Loan vui mừng nói.
Sau khi được về nhà, bà vẫn ngày ngày đeo khẩu trang, kể cả khi ở trong nhà, vẫn chưa dám ăn chung bữa, ngồi chung mâm với người thân vì "không biết có dương tính lại không". Nhưng với bà, như vậy cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Mong ngày trở lại Bệnh viện Đà Nẵng
Nhập viện cùng bà Loan ngày 26/7 có một nam bác sĩ khoa Mắt và 2 nữ điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng. Họ lần lượt là các bệnh nhân 421, 423, 425.
Ngày 10/8, ngoài bà Loan (bệnh nhân 424), chị Thúy - bệnh nhân 423 - cũng có 4 lần âm tính với Covid-19 và được xuất viện. Giống như bà Loan, chị Thúy không nghĩ rằng mình sẽ nhiễm SARS-CoV-2.
Trước ngày phát hiện dương tính, chị Thúy đã nghe tin Bệnh viện Đà Nẵng có ca nhiễm Covid-19. Khi đó, chị xác định tinh thần “có dịch sẽ chống dịch tới cùng”. Nữ điều dưỡng rất sốc khi biết mình lại trở thành bệnh nhân sớm như vậy.
“Khi nhiễm Covid-19, mình không nghĩ tới chuyện có thể chết mà mình nghĩ không được tiếp tục công việc chống dịch cùng mọi người. Chị em ở lại sẽ vất vả hơn vì thiếu một người thì giống như thiếu đi một cánh tay”, chị Thúy bày tỏ.
Bệnh nhân 423 xúc động khi kể về các đồng nghiệp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Suốt giai đoạn nằm viện, chị Thúy vẫn không ngừng nhắn tin, liên lạc với các đồng nghiệp trong bệnh viện. Sau khi chị nhập viện, nhiều bệnh nhân mà chị từng chăm sóc cũng dương tính với Covid-19. Giống như bà Loan, đến giờ, chị vẫn không thực sự chắc chắn mình nhiễm bệnh từ đâu.
Lên xe trở về nhà ngay chiều 10/8, chị Thúy phải tiếp tục tự cách ly, theo dõi thêm 14 ngày nữa. Dù được về nhà, thế nhưng, mong ước lớn nhất của chị lúc này là trở lại Bệnh viện Đà Nẵng để "cách ly" cùng những người đồng đội trong cuộc chiến chưa rõ hồi kết này.
Trước đó, sáng 10/8, 4 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của giai đoạn dịch thứ 2 được xuất viện tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đó là BN423 (nữ, 41 tuổi, nhân viên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng), BN424 (nữ, 58 tuổi, nhân viên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng), BN441 (nữ, 1978, ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; ra chăm sóc con đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) và BN442 (nữ, sinh năm 1965, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; chăm con tại tầng 4, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng).
*Tên các nhân vật đều đã được thay đổi.