Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường thua lỗ 3.300 tỷ đồng của PVC thời Trịnh Xuân Thanh

Mang hàng nghìn tỷ đồng đi đầu tư tài chính, bất động sản nhưng thiếu kiểm soát đã dẫn tới các khoản thua lỗ khủng của PVC trong giai đoạn 2011 - 2013.

Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC - mã chứng khoán PVX) tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp Dầu khí được thành lập năm 1983, đến năm 1995 chuyển đổi thành Công ty Thiết kế và Xây dựng dầu khí.

Năm 2005, PVC cổ phần hóa nhưng vẫn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ của ngành dầu khí, với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Từ  2007, PVC được chuyển đổi thành tổng công ty trên mô hình công ty mẹ công ty con sau khi Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) có những thay đổi về chiến lược, cơ cấu lãnh đạo.

Từ doanh nghiệp nhỏ nâng lên tổng công ty vốn khủng 

Quy mô của PVC đã tăng đột biến khi được PVN góp vốn bằng tiền mặt và cổ phần của tập đoàn tại các công ty thành viên, để tăng vốn lên 1.500 tỷ vào năm 2008.

Theo đề án tái cấu trúc PVC được Tập đoàn Dầu khí phê duyệt thì PVC là đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ. Hàng chục dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đã và đang được PVN giao cho PVC thi công. Điển hình như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn…

PVC da thua lo 3.200 ty dong nhu the nao anh 1
"Đứa con cưng" của PVN sẽ làm không hết việc nếu chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính. Ảnh minh họa.

PVC lúc này được ví như “con cưng” của PVN, và công ty này sẽ làm không hết việc nếu chỉ tập trung phục vụ nội bộ tập đoàn. Nhưng, như nhiều công ty khác cùng thời kỳ, PVC đã sa đà vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, thành lập hoặc góp vốn vào cả chục công ty con, công ty liên kết khác nhau.

Năm 2009, PVC tiến hành niêm yết trên sàn HNX và quy mô tiếp tục tăng nhanh chóng, khi tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng vào năm 2010 và 4.000 tỷ đồng năm 2012.

Mang hàng nghìn tỷ đi đầu tư nhưng thiếu kiểm soát 

PVC đã mang tới 86% vốn điều lệ đi góp vốn vào 40 công ty thành viên lớn nhỏ, đồng thời bảo lãnh vay vốn cho các công ty này. Tuy nhiên, tổng công ty mẹ là PVC lại không có một chiến lược tổng thể cho các đơn vị thành viên, mà chủ yếu mạnh ai nấy làm.

Đặc biệt các công ty con, công ty liên kết này đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực xây lắp, bất động sản, khiến tổng công ty sau đó phải trả giá khi thị trường bất động sản thoái trào với nhiều dự án đình trệ. Nhiều dự án đã triển khai và giải ngân vốn nhưng không bán được hàng, như trụ sở PVFC Hải Phòng, dự án Petrolandmark, sân golf Nha Trang.

Hàng loạt dự án mà PVC nhận chuyển nhượng từ đơn vị khác, như Công ty Xi măng Dầu khí 12/9, Công ty Xi măng Hạ Long, khách sạn Lam Kinh,... cũng làm ăn thua lỗ, dẫn tới khoản đầu tư 1.193 tỷ đồng trở thành gánh nặng nợ nần chung của tổng công ty.

PVC da thua lo 3.200 ty dong nhu the nao anh 2
Trịnh Xuân Thanh khi còn đương chức tại PVC.

Bước sang năm 2011, một số công ty thành viên của PVC thua lỗ. Đến năm 2012 – 2013 thì như một hiệu ứng dây chuyền, có hàng chục công ty của PVC báo thua lỗ. Chỉ trong 2 năm 2012 – 2013, PVC ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 3.200 tỷ đồng.

Đơn cử như Công ty liên kết PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng; PVC – Sài Gòn lỗ 85,8 tỷ đồng

Tiêu biểu nhất là trường hợp thua lỗ tại PVC-ME lên tới 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu. Đó là chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ đồng do công ty này chỉ nhận công trình, sau đó thuê thầu phụ để ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối, lập quỹ trái phép, chi tiền tiếp khách vô tội vạ.

Năm 2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME.

Tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một dự án có tổng mức đầu tư lên tới 34 nghìn tỷ đồng (1,7 tỷ USD) do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm tổng thầu EPC. Tại đây, ban lãnh đạo PVC đã rót 110 tỷ đồng đầu tư sai mục đích, dẫn đến không thu hồi được vốn. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015, đến nay vẫn dang dở. 

Điệp khúc lỗ chồng lỗ

 Vào 2012, PVN đã phải chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phần phát hành thêm, giúp PVC có thêm nguồn tiền. Công ty kiểm toán cũng đã từng cảnh báo và đánh giá PVC có khả năng không hoạt động liên tục nếu không được cứu khi ngập trong nợ nần.

PVC da thua lo 3.200 ty dong nhu the nao anh 3
Quản lý yếu kém khiến PVC hiện vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng.

Lỗ chồng lỗ là điệp khúc lặp đi lặp lại tại PVC. Năm 2014, cổ phiếu PVX đã suýt bị hủy niêm yết khi tiếp tục báo cáo lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, sau đó Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và điều chỉnh bút toán hoàn nhập dự phòng tại Công ty CP Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) khiến công ty có lãi năm 2011 và được ở lại sàn chứng khoán.

Cùng với công ty mẹ, hàng chục công ty thành viên của PVC cũng trải qua quá trình thua lỗ triền miên. Trong khi PVC đã cắt lỗ được từ năm 2014 thì không ít công ty thành viên vẫn lỗ lớn đến tận ngày nay, với mức lỗ lũy kế lên đến cả trăm tỷ; thậm chí âm nặng vốn chủ sở hữu, như PVC-MT, PVC-SG, PVC-ME, Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC) …

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thua lỗ thể hiện do PVC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng khoản thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng. Có đến 2.800 tỷ, chiếm 85% tổng mức lỗ của công ty mẹ PVC trong 2 năm 2012-2013 là các khoản trích lập phòng, chủ yếu liên quan đến các công ty thành viên.

Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến thua lỗ là do năng lực quản trị và kinh doanh yếu kém tại PVC và các công ty thành viên, cùng với đó là hàng loạt bê bối, kiện tụng đã xảy ra.

Thua lỗ doanh nghiệp nhà nước được chuyển sang làm công chức 

Việc thua lỗ khủng của PVC gắn liền với ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận và các thuộc cấp trong thời gian hai ông làm lãnh đạo. Ông Thanh từ chức phó tổng giám đốc tại đây vào năm 2007, sau đó là tổng giám đốc và giữ chức chủ tịch từ năm 2009. Ông Vũ Đức Thuận giữ chức tổng giám đốc từ năm 2009 đến năm 2013.

Tuy nhiên, khi trách nhiệm cá nhân chưa được làm rõ thì ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ được kéo khỏi con tàu PVC đang lao dốc không phanh, để đi làm công chức tại Bộ Công Thương, rồi lần lượt giữ các chức vụ lãnh đạo khác nhau.

Sau khi ông Thanh rời đi, PVC thua lỗ thêm 600 tỷ đồng vào cuối năm 2013, trước khi có lãi trở lại vào năm 2014.

Tính đến ngày 30/6, PVC còn khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.896 tỷ đồng. Hiện PVC còn nợ vay ngắn hạn 1.093 tỷ đồng1.481 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm