Đến 10h30 sáng 21/2, sau nhiều nỗ lực khắc phục sự cố vụ tai nạn đường sắt khiến 3 người chết, 4 người bị thương, ngành đường sắt đã cơ bản hoàn thành công việc cứu hộ các toa tàu bị lật, nằm chắn ngang trên đường ray ra ngoài và cho thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Cần cẩu đưa toa tàu bị lật nằm chắn trên đường ray ra ngoài. Ảnh: Điền Quang. |
Theo ông Trần Hoán, Giám đốc Công ty Đường sắt Bình Trị Thiên, công ty đã huy động 80 công nhân đến hiện trường để khắc phục, sửa chữa, thay thế tạm thời hệ thống đường ray, taluy nhằm sớm thông tuyến.
Tàu SE1 tuyến Hà Nội - TP HCM chở theo 308 hành khách đã chính thức thông tuyến qua địa điểm xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng sau gần 20 tiếng ngưng trệ.
Tàu SE1 từ Hà Nội - TP HCM chính thức thông tuyến. Ảnh: Điền Quang. |
Đại diện Tổng công ty Đường sắt thông tin vụ tai nạn đường sắt chiều 20/2 khiến gần 100 m đường ray bị hư hỏng, biến dạng. Ngành đường sắt đã điều động cẩu 100 tấn từ Đà Nẵng ra hiện trường để xử lý.
Theo Tổng công ty, có 9 toa xe lửa không bị hư hỏng đã được “cắt” để kéo về ga Thừa Lưu (phía Nam huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
6 toa tàu hư hỏng nặng gồm đầu kéo, toa máy và 4 toa xe. Tất cả các toa này được cẩu “dẹp” sang một bên để thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Sau khi hoàn thành công tác sửa chữa ban đầu, các toa xe sẽ được đưa lại lên đường sắt để kéo đi tiếp tục sửa chữa.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ 8h sáng 21/2, cẩu 100 tấn đã vào được hiện trường và tiến hành cẩu các toa tàu ra khỏi đường ray.
Trước đó, vào lúc 14h40 ngày 20/2, vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương. Cú va chạm mạnh khiến 6 toa tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray (có 3 toa lật nghiêng). Hệ thống đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn.
Đến 19h15 cùng ngày, sau khi đưa được thi thể Phó trưởng tàu Phạm Hồng Phượng (33 tuổi, quê tỉnh Yên Bái) ra khỏi toa tàu sau gần 5 giờ đồng hồ bị mắc kẹt, ngành đường sắt đã huy động tổng lực lực lượng và phương tiện để tiến hành cứu hộ, sửa chữa hệ thống đường ray bị hư hỏng.
Địa điểm xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Ảnh: Google Maps. |