Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đường sách góp phần phát triển lành mạnh ngành xuất bản'

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đường sách TP HCM không chỉ là điểm đến của người yêu sách mà còn kích thích cho giới làm nghề sáng tạo, phát triển.

Ông Lê Hoàng, phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. 

Có mặt từ sớm giám sát các đơn vị thi công thực hiện đường sách, bận rộn trao đổi với lãnh đạo thành phố, đại diện các công ty sách, nhà xuất bản về thiết kế gian hàng… ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phụ trách Văn phòng phía Nam - khiến mọi người trân trọng vì sự tâm huyết, hết lòng với đường sách TP HCM. Đối với ông, làm đường sách không chỉ là trách nhiệm của một người lãnh đạo trong Hội Xuất bản mà còn là hiện thực ước mơ của người say mê đọc sách.

Sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo và người làm nghề

- Để có đường sách TP HCM, ông là một trong những người có công vận động thành phố. Điều gì khiến ông tâm huyết với dự án này như vậy?

- Tôi là người dân gắn bó với Sài Gòn trước giải phóng đến giờ. Đây là thành phố mà người dân có sức đọc rất lớn, nhất là học sinh sinh viên và người đi làm. Bản thân tôi cũng là người mê sách. Trước đây, tham gia phong trào đấu tranh đô thị, tôi xem sách như là người bạn, tìm kiếm trong đó những lý tưởng, giúp mình đến với cách mạng, phong trào yêu nước. Những tác phẩm như Con chó hào hùng, Người Việt cao quý, Vòng hoa cho người cách mạng… đến nay tôi vẫn không quên.

Sau này, tôi lại được sống trong môi trường xuất bản. Năm 1990, tôi về làm phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ. Do vậy, tôi càng thấy sách là tối cần thiết trong cuộc sống. Vì thế, ước muốn về một con đường sách đã có trong tâm của mình từ lâu.

Khi về Hội Xuất bản đảm nhiệm vị trí phó Chủ tịch, phụ trách văn phòng phía Nam, tôi tình cờ đọc được bài viết của nhà văn Lê Văn Nghĩa về việc nên có một đường sách ở TP HCM. Điều đó như đánh động lại trong tâm khảm tôi về điều mình đã nghĩ trước đây. Sau này trong những cuộc họp với Sở Thông tin truyền thông TP HCM, ý tưởng đó được trao đổi và dần manh nha từ ý tưởng đến khả năng hiện thực. 

Đường sách ra đời có thể nói là sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo thành phố và người làm nghề vì thế rất thuận lợi. Từ ý tưởng đến khi có quyết định, chủ trương của thành phố chỉ có 6 tháng và sau 9 tháng thì khánh thành. 

- Đường sách nhận được sự ủng hộ của UBND TP HCM nhưng thực tế thi công gặp những khó khăn gì khiến ngày khánh thành phải dời lại so với dự kiến?

- Xây dựng đường sách gặp khó khăn là đương nhiên vì mô hình này chưa có tiền lệ nên chúng tôi phải tìm kiếm những mô hình về xây dựng, kinh tế như: sở hữu tài sản, sử dụng tài sản khấu hao thế nào, thuế làm sao… Nhiều lúc khó khăn đến mức, tôi phải nhờ văn phòng luật sư, công ty kiểm toán để họ tham mưu cho mình những vấn đề pháp lý.

Đó chưa kể là vấn đề quy hoạch, thiết kế và phải xin ý kiến từ Hội đồng quy hoạch thành phố, ý kiến tham mưu của Sở Quy hoạch kiến trúc, Giao thông vận tải, Hội kiến trúc sư, Công an thành phố… Tất cả các đơn vị đều có ý kiến bằng văn bản và đó là quá trình phải có thời gian, thông hiểu và chia sẻ.

Khi đi vào thi công lại vướng gốc cây, diện tích mặt bằng, có đơn vị rút, đơn vị thay, kinh phí các gian hàng. Tôi thường so sánh xây đường sách như xây một cái chợ sách, chắc chắn sẽ có bao nhiêu chuyện diễn ra, bao nhiêu khó khăn tìm đến.

Tuy vậy, với sự hỗ trợ từ các phía và sự tham gia nhiệt tình của các Nhà xuất bản, công ty sách đến giờ, mọi khó khăn đã qua, đường sách đã hoàn thiện được 90%. Mọi việc đang gấp rút hoàn thành chờ ngày 9/1 sẽ khánh thành.

Đường sách TP HCM đã hoàn thiện gần 90%. Ảnh: Bá Ngọc

- Cụ thể, các đơn vị xuất bản phải chi phí cho mỗi gian hàng là 400 triệu đồng. Họ sẽ được sở hữu và sử dụng thế nào?

- Sau khi hoàn thành, đơn vị thi công sẽ chuyển giao gian hàng cho các Nhà xuất bản với thời gian khấu hao 5 năm. Nhưng tôi khẳng định, mặc dù các gian hàng là nhà lắp ghép nhưng là khung thép, cửa kính, đảm bảo sử dụng lâu dài tới 10-20 năm. 

Chủ các gian hàng được quyền chuyển nhượng nhưng với sự đồng ý của ban điều hành vì các đơn vị tham gia đường sách phải là những đơn vị uy tín, chất lượng. Còn vấn đề kinh tế là giữa hai bên với nhau.

Đường sách = hiệu quả kinh tế + hiệu quả xã hội

- Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành cho rằng họ tham gia đường sách là muốn góp phần phát triển văn hóa đọc, quảng bá thương hiệu hơn là tìm kiếm lợi nhuận từ đường sách. Ông có bình luận gì về quan điểm này?

Ngành sách không "hot" như thời trang nhưng vẫn phát triển đều đặn. Riêng công ty Fahasa đã tăng 15 điểm bán hàng trong 1 năm qua.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Nhưng nửa còn lại không đúng vì ngành sách, xuất bản không phải đang trong quá trình của sự xuống cấp mà đang tăng trưởng tốt. Qua số liệu của từng công ty sách cho thấy, số bản sách, điểm bán sách đang tăng trưởng nghĩa là người đọc dành nhiều tiền mua sách hơn. 

Ngành sách không "hot" như thời trang nhưng vẫn phát triển đều đặn. Riêng công ty Fahasa đã tăng 15 điểm bán hàng trong 1 năm qua. Các gian hàng đường sách lại nằm ở vị trí tuyệt đẹp như đường Nguyễn Văn Bình. Mà không chỉ là gian hàng riêng lẻ mà nó là hội điểm của nhiều Nhà xuất bản vì thế người dân thành phố khi cần tìm sách sẽ đến đây. Hiệu quả xã hội cao thì hiệu quả kinh tế sẽ tới.

Với kinh nghiệm của người làm xuất bản 20 năm, tôi tin sách sẽ bán được và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các đơn vị tham gia đường sách.

Ông Lê Hoàng cho rằng, đường sách là không gian đọc sách lý tưởng của mỗi gia đình. Ảnh: Bá Ngọc

- Vậy có thể khẳng định, sự ra đời đường sách sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản không?

- Đúng thế. Ở đây là sự góp mặt của những công ty sách, nhà xuất bản đẳng cấp nên sẽ xuất hiện những tác phẩm thật, đại diện cho hàng Việt Nam chất lượng cao. Như vậy, góp phần làm lành mạnh hóa, phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành xuất bản.

Nhiều hoạt động thú vị trong đường sách

Theo ông Lê Hoàng, ở đường sách TP HCM, một bên là các gian hàng sách, một bên đường cà phê sách và mặt đường là không gian giao lưu sách. Ngay trên mặt đường, còn có khu chợ phiên bán sách cũ, người có sách quý trao đổi sách với nhau.

"Thậm chí, tôi còn khuyến khích các bậc phụ huynh cho con em mình bán trao đổi những bộ truyện sách mình đã đọc rồi. Mỗi dịp lễ, sẽ có nhưng cuộc triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau. Chẳng hạn, vào dịp khánh thành đường sách, sẽ có cuộc triển lãm báo xuân, giới thiệu báo xuân xưa và nay. 

Các đơn vị xuất bản háo hức đón chào đường sách

Ngày 10/1/2016 đường sách TP HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây không chỉ là công trình văn hóa của thành phố mà còn là ngày hội của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành.

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm