Bất cứ người dân Triều Tiên nào cũng biết việc ra nước ngoài gần như là điều bất khả thi.
Thế nhưng, một phụ nữ Triều Tiên, tên thay thế là "Faith", đã tìm mọi cách để sang Hàn Quốc. Cô đã gặp muôn vàn khó khăn, từ việc bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ đến việc phải đi hàng nghìn cây số xuyên Trung Quốc. Lúc nào cô cũng đối diện nguy cơ bị giam cầm và trừng phạt nếu bị bắt.
Cuối năm 2017, nhờ có sự giúp đỡ của một mạng lưới hoạt động bí mật hỗ trợ người tị nạn Triều Tiên, Faith đã đi đến phía nam Trung Quốc, nơi cách xa nhà cô đến 4.000 km. Tại đây, đã có rất nhiều người bị bắt lại.
Cô cõng trên vai hai con nhỏ, cùng 5 người Triều Tiên khác, theo một người đàn ông, vượt qua những con đường ngập bùn lầy lội băng qua rừng. Tất cả đều im lặng vì chỉ cần hé miệng nói một từ tiếng Triều Tiên trước mặt bất kì ai cũng sẽ ngay lập tức bị lộ.
Faith cùng hai con nhỏ đã vượt 4.000 km đến biên giới phía nam Trung Quốc. Tranh minh họa: SCMP. |
Đến cuối chặng đường, một người lính gác cầu chặn họ lại. Một cuộc sống mới tự do và an toàn sẽ bắt đầu ngay phía bên kia cây cầu, phía sau lưng người lính, nếu anh ta cho phép họ qua.
Và trong giây phút ấy, cô sẽ được biết liệu sự cả gan, liều lĩnh sẽ mang lại cho cô và các con một tương lai hứa hẹn tốt hơn, hay sẽ giết chết họ.
Cô dâu Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc
Faith sinh ra tại Triều Tiên vào cuối những năm 1970. Gia đình cô sống cách biên giới Trung Quốc chỉ vài km, đôi khi người dân từ quê nhà của cô trèo đèo lội suối để tìm kiếm thức ăn và mang về một số đồ nhập lậu. Từ giữa những năm 2000, Faith đã được tiếp xúc với những thứ đồ nước ngoài do người làng mang về, đặc biệt là đĩa phim truyền hình Hàn Quốc.
Người Triều Tiên được tuyên truyền rằng người Hàn Quốc vốn chỉ là một dân tộc nghèo khổ và theo chân Mỹ, vì vậy những hình ảnh về sự phát triển của Hàn Quốc đã làm cô kinh ngạc, đặc biệt là khi so sánh họ với thị trấn nông nghiệp buồn tẻ nơi cô lớn lên. Và điều thực sự khiến cô gái trẻ say mê là những bộ phim lãng mạn Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc sống như vậy vượt quá tầm tay của Faith. Ở Triều Tiên, cô đã kết hôn và có một đứa con. Đến năm 2012, Faith được coi là tương đối khá giả, thu nhập chủ yếu từ buôn bán thảo dược trái phép.
Tuy vậy, cô chán ngán với cuộc sống ở quê nhà và cũng không hòa thuận với chồng. Bên cạnh đó, những kẻ buôn lậu xuyên biên giới nói với Faith rằng họ có thể kiếm cho cô một công việc ở Trung Quốc và sẽ có đủ thu nhập để sang Hàn Quốc, cô quyết định bỏ lại chồng và con của mình để mạo hiểm trốn thoát khỏi Triều Tiên.
Cô dự định khi tiết kiệm đủ tiền ở Trung Quốc, cô sẽ thuê những người buôn lậu đưa các con qua biên giới để có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, những người buôn lậu này hóa ra là kẻ buôn bán phụ nữ Triều Tiên để làm vợ cho đàn ông Trung Quốc, những người tuyệt vọng không thể cưới được ai trong thời buổi “giới tính mất cân bằng” đang phổ biến ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
“Tôi không biết ai và tôi không thể nói tiếng của họ thì tôi có thể làm được gì?”, Faith chia sẻ. Qua một cuộc đấu giá, cô được bán với số tiền 800 USD cho một nông dân nghèo.
Cuộc sống của Faith sau đó chỉ xoay quanh đồng áng và việc nhà. Trong hai năm đầu, trước khi cô học tiếng Trung, cô chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Faith vẫn còn may mắn vì không bị chồng đánh đập như các cô dâu ngoại quốc kém may mắn khác.
Tuy nhiên, Faith sống như ở trong nhà tù dưới sự theo dõi sát sao của chồng để ngăn cô chạy trốn. Sau khi có thêm hai đứa con với người chồng Trung Quốc, Faith không ngừng lo lắng ba mẹ con sẽ bị đưa trở lại Triều Tiên.
Những hình ảnh về một Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ nằm ngoài sức tưởng tượng của Faith. Ảnh: Reuters. |
Bốn năm bị giam cầm ở Trung Quốc, cô bị trầm cảm nặng hơn so với trước. Nhà chồng ra sức cách ly cô khỏi sáu cô dâu Triều Tiên khác trong làng nhưng cuối cùng họ vẫn bằng mọi cách để cùng nhau tìm đường trốn sang Hàn Quốc. Có những người môi giới mờ ám đã đề nghị, với vài nghìn USD, họ có thể đưa các cô đến Hàn Quốc.
Faith không tin vì đã bị lừa một lần. Nhưng vào năm 2016, hai trong số những cô dâu Triều Tiên từ làng cô đã bất chấp thử và may mắn đến Seoul an toàn. Họ đã giới thiệu người môi giới cho Faith, tuy nhiên cô không có đủ tiền. Những người này đã chỉ cho Faith tìm tới nhóm “Đường ngầm”.
Mạng lưới các tuyến đường bí mật
Thông thường, Liên Hợp Quốc sẽ có trách nhiệm hỗ trợ hàng nghìn người Triều Tiên trốn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ gán cho họ là những người “di cư kinh tế”, ngăn cản những nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp giải thoát dân tị nạn. Những nhóm như “Đường ngầm” mạo hiểm đưa những người đào tẩu đến Hàn Quốc.
Trong hai thập kỷ, các nhà hoạt động đã xây dựng một mạng lưới các tuyến đường bí mật và chỗ trú ẩn để đưa người tị nạn di chuyển khắp châu Á.
Cuối năm 2017, khi chồng Faith đi vắng xa nhà, cô đã sắp xếp một chiếc xe đưa 2 con nhỏ trốn thoát tới một nhà trú ẩn ở phía bắc Trung Quốc. Cô nhận được một cuộc gọi của thủ lĩnh nhóm “Đường ngầm”, Stephen Kim, hỏi thăm và hướng dẫn cô sát sao làm theo những chỉ đạo của mình.
“Kim là một trong những nhà hoạt động chính giữ vai trò chủ chốt trong việc đưa những người muốn tị nạn ra khỏi Triều Tiên”, Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Quyền con người, cho biết.
Dẫn dắt những cuộc thẩu thoát của hơn 700 người Triều Tiên, Stephen Kim được coi như “Oskar Schindler của Triều Tiên”, thậm chí còn được cấp dưới gọi với bí danh “siêu nhân”.
Rất khó khăn để có thể mời Kim thực hiện cuộc phỏng vấn, tuy nhiên đến mùa thu 2018, anh bất chợt nhận lời gặp mặt, với một nụ cười bí hiểm.
Kim không tiết lộ nhiều về quá khứ, anh cho biết bố anh lớn lên ở khu vực mà nay là Triều Tiên trước khi chuyển đến Hàn Quốc để buôn bán nông sản. Sau đó, bán đảo Triều Tiên mới tách làm hai khi chiến tranh hai miền nổ ra. Kim lớn lên ở Hàn Quốc nhưng vẫn coi Triều Tiên như quê hương của mình.
Con đường vòng 10.000 km
Vào giữa những năm 1990, Kim nhập hàng dệt may giá rẻ từ các tỉnh của Trung Quốc dọc biên giới Triều Tiên về bán. Anh gặp những đứa trẻ Triều Tiên xin thức ăn, và nếu có thời gian, anh mua cho chúng những bát súp chống đói. Nghe những câu chuyện họ kể về nạn đói bên kia sông, Kim rất xót xa - nhưng anh còn đang phải chăm lo công việc buôn bán của mình.
Năm 1997, Kim phá sản, gia đình anh chuyển đến một căn hộ ổ chuột ở thành phố cảng Đại Liên, Trung Quốc. Anh định tự vẫn. Nhưng nhớ đến những đứa trẻ đường phố đói khát ở Triều Tiên vẫn còn ý chí sống, anh thề hiến dâng cuộc đời mình giúp đỡ họ và cho Chúa.
Sử dụng số tiền tiết kiệm cuối cùng của mình, Kim thuê một số căn hộ giá rẻ và bắt đầu mời hàng chục người tị nạn Triều Tiên về ẩn náu. Ban đầu họ đều nghi ngờ sự giúp đỡ vô điều kiện có phần “lạ lùng” này, nhưng theo thời gian, khi Kim và vợ vẫn liên tục cung cấp thức ăn và dạy học cho bọn trẻ, họ trở nên quen dần và ghi nhận sự hào hiệp của anh.
Cuối năm 2017, Faith và năm người Triều Tiên khác, ăn mặc và ngụy trang giống như những người Trung Quốc bình thường, được trang bị những tấm căn cước giả để che mắt hệ thống giám sát và cảnh sát.
Trong tuần đầu tiên, Faith chỉ chen chúc trên những chuyến xe đông đúc, hết chuyến này tới chuyến khác, thỉnh thoảng ngắm nhìn những thành phố đông đúc, hiện đại họ đi qua. Hầu hết thời gian họ phải giả vờ ngủ, trùm áo che kín mặt và tránh nói chuyện, tiếp xúc với mọi người.
Con đường đào thoát gian nan, Faith chen chúc trên những chuyến xe đò đông đúc, hết chuyến này tới chuyến khác. Ảnh minh họa: South China Morning Post. |
Mỗi sáng họ đến một thành phố mới, một thành viên của nhóm đưa họ đến tá túc tại một nhà trú ẩn, rồi đến đêm lại vội vã đi lên đường. Faith chật vật giữ cho hai đứa trẻ không quấy khóc tránh để cả nhóm bị lộ tẩy. Niềm an ủi duy nhất đối với cô là những lời hỏi thăm và những chỉ dẫn của Kim qua những cuộc điện thoại. Anh làm Faith vững tin hơn.
Những nỗ lực cá nhân của nhiều nhà hoạt động tình nguyện từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc vào cuối những năm 1990 đã hình thành nên nhiều tổ chức chính thống vào đầu thế kỷ 21. Một số người tị nạn được cứu đã được các Đại sứ quán Hàn Quốc và một số Đại sứ quán Trung Quốc tiếp nhận trước khi chính sách kiểm soát bị thắt chặt.
Một số khác chọn cách đi qua Mông Cổ, trước khi Trung Quốc chặn lại vào giữa những năm 2000. Như vậy, con đường khả thi còn lại là phải đi qua Đông Nam Á. Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ cách nhau một khu vực biên giới “bất khả xâm phậm” rộng 4 km, nhưng “con đường vòng” mà những người tị nạn Triều Tiên phải vượt qua dài những 10.000 km.
Faith an toàn vượt qua những đường biên giới và đến được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Phnom Penh. Vào giờ phút cô bước vào đó, cô được thừa nhận là công dân và sau 2 tháng làm thủ tục, Faith lên máy bay đến Hàn Quốc. Đó là chuyến bay đầu tiên của cuộc đời cô.
Khi tác giả của bài báo trên South China Morning Post gặp Faith ở Seoul vào mùa thu năm 2018, người phụ nữ này, cũng như nhiều người đào tẩu khác, đang chật vật để thích nghi với cuộc sống tại một đất nước xa lạ, trong lúc nuôi hai đứa con.
Faith cũng nghi ngờ cả niềm tin mà cô từng đặt vào Kim, khi cô được biết thông qua các nhà hoạt động tại Seoul rằng những người đào tẩu thường không phải trả tiền cho chuyến đi của họ. Thay vào đó, Kim được nhận tài trợ từ quỹ của Liên minh vì Nhân quyền Triều Tiên (NKHR) để đưa những người như Faith chạy trốn.
Faith nói rằng cô đã đưa Kim 1.000 USD, trong khi Kim nói chính anh trả số tiền này, còn phần tài trợ của NKHR chỉ dùng để trang trải hành trình của người đào tẩu tại một điểm nhất định ở phía bắc Trung Quốc, trong khi người đào tẩu thường phải đi từ một nơi khác để đến điểm đó.
Đầu năm 2019, Faith bắt một chuyến xe buýt đến khu phi quân sự ở biên giới liên Triều, cách Seoul 55 km về phía bắc. Cô nhìn về những ngọn núi thoai thoải ở bên phía Triều Tiên, nghĩ về gia đình mà cô đã bỏ lại. Cô hầu như không còn cơ hội gặp lại họ trong đời, trừ khi họ cũng như cô, tìm cách đến Hàn Quốc bằng "Đường ngầm".