Khoảng 22h ngày 4/1, tại quán karaoke Tuấn Anh, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, Hải Dương, Dương Minh Tuyền (34 tuổi, ở phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) cùng bạn bị bắn khi đang ngồi trong ôtô.
Theo nguồn tin của Zing, vụ nổ súng không gây thương vong về người. Lực lượng công an sau đó đến điều tra.
Lần thứ hai Dương Minh Tuyền liên quan đến một vụ nổ súng
Đây là lần thứ hai Dương Minh Tuyền liên quan đến một vụ nổ súng tại quán karaoke. Trước đó, năm 2016, do mâu thuẫn với bạn hát trong quán karaoke, Tuyền từng nổ súng và bị bắt. Sau thời gian bị tạm giam 2 tháng, Tuyền bị tuyên án 32 tháng tù.
Video bạo lực của Dương Minh Tuyền nhiều lần lọt top thịnh hành của YouTube. |
Theo tài liệu điều tra, đêm 7/10, Tuyền đi hát karaoke cùng anh Nguyễn Mạnh Hùng (39 tuổi) và một số thanh niên khác.
Tại quán, Tuyền giằng và ném điện thoại của một nữ tiếp viên nên anh Hùng can ngăn. Sau đó, Hùng lấy chai bia đánh vào đầu Tuyền.
Bị bạn hát hành hung, Tuyền về nhà lấy khẩu súng kèm băng đạn, một vật giống lựu đạn trở lại quán karaoke. Trên đường đi, anh ta vừa chửi bới và nổ nhiều phát súng.
Gặp nhóm thanh niên và bị giằng lấy khẩu súng cùng vật giống lựu đạn, Tuyền tiếp tục về nhà lấy con dao dài gần 1 m quay lại tìm anh Hùng. Đến khu vực phố Nhà Chung (TP Bắc Ninh), anh ta bị cảnh sát 113 khống chế.
Dương Minh Tuyền được thả trước thời hạn vào ngày 28 tháng 9 năm 2018.
Nổi lên nhờ YouTube
Trước đó, Dương Minh Tuyền được biết đến trên mạng xã hội với biệt danh "thánh chửi". Người này thường xuyên đăng lên mạng những clip sử dụng lời lẽ tục tĩu để bình luận, nhận xét về sự việc hoặc nhân vật đang gây chú ý.
Tuyền chửi mọi thứ, từ cô giáo cung Bọ Cạp, "hotboy xăm trổ" Lê Hoàng Anh đến chửi Manchester City. Bên cạnh đó, Dương Minh Tuyền còn gắn với hình ảnh của vũ khí, khoe tiền, vòng vàng. Trong một video có độ dài 10 phút, Tuyền từng cầm tiền và lớn tiếng tuyên bố thưởng cho ai chỉ điểm chủ nhân tài khoản Facebook L.H với lý do người này xúc phạm mình.
Thay vì tẩy chay, một nhóm các bạn trẻ lại "thần tượng" Dương Minh Tuyền. |
Với hàng loạt video bạo lực, phản cảm, mãi đến ngày 4/4/2019, YouTube mới hạ kênh YouTube của Dương Minh Tuyền. Lý do được YouTube đưa ra là: "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng chính sách của YouTube về bạo lực".
Trước thời điểm bị xóa, kênh YouTube của Dương Minh Tuyền có hơn 500.000 người đăng ký. Các video có nội dung nói tục, đánh nhau, hăm dọa... vẫn được YouTube bật tính năng kiếm tiền. Trong một video trước đó, Dương Minh Tuyền khoe mỗi tháng kiếm hơn 180 triệu tiền quảng cáo YouTube.
Vẫn chọn YouTube để kiếm tiền
Chưa đầy một tháng sau, Dương Minh Tuyền lập một kênh YouTube mới mang tên "Tuyền Mốc". Kênh này nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt đăng ký nhờ kết hợp với những YouTuber khác. Tuyền liên tục đăng tải các clip đến thăm nhà những YouTuber vốn thường xuyên đăng tải video có nội dung vi phạm chính sách YouTube.
Điển hình là một số cái tên như Hậu Cáo (YouTuber ngược đãi động vật), Tam Mao (kênh YouTube từng làm thịt chim quý), Huấn Hoa Hồng...
Sau Dương Minh Tuyền, hàng loạt kênh YouTube khác học theo nội dung bạo lực để trục lợi trên YouTube. |
Ở lần trở lại YouTube này, Dương Minh Tuyền thường đăng các video mang nội dung bạo lực, mô tả đời sống giang hồ như kênh cũ, với các tiêu đề như "Xử lý thanh niên láo toét thu tiền bảo kê của xe ôm ở bến xe", "Xử lý thanh niên ngang nhiên ăn cắp bánh trung thu giữa ban ngày".
Trong các video này, Dương Minh Tuyền núp bóng mình là người "hành hiệp trượng nghĩa". Khi gặp chuyện bất bình, thay vì trình báo cơ quan chức năng, Tuyền sử dụng vũ lực kèm với hình ảnh gây sốc nhằm câu kéo lượt xem.
Tính đến ngày 4/1, kênh YouTube "Tuyền Mốc" đã có hơn 760.000 lượt đăng ký và thậm chí đã nhận dấu tích - huy hiệu xác minh của YouTube. Trung bình, cứ sau 6 tháng, kênh YouTube "Tuyền Mốc" tăng 10.000 lượt đăng ký.
Sau 4 năm, YouTube vẫn gắn với hình ảnh giang hồ mạng
Nhắc đến giang hồ mạng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến YouTube. Không phải ngẫu nhiên mà các cái tên bất hảo trong thế giới giang hồ mạng đều được biết đến từ nền tảng video trực tuyến này. Từ Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng đến Phú Lê đều trở nên nổi tiếng hơn từ YouTube.
Theo nhà báo Chris Stokel-Walker, YouTube hoàn toàn nắm rõ việc các video có nội dung "bẩn" lan tràn trên nền tảng này. Tuy nhiên, những nhà điều hành YouTube có xu hướng bỏ qua các vấn đề trên cho đến khi báo giới phát hiện và dư luận phẫn nộ.
YouTube Việt Nam vài năm qua gắn liền với hình ảnh giang hồ mạng. |
Trong cuộc khảo sát được thực hiện riêng cho cuốn sách YouTuber, 3/4 người được hỏi cho rằng YouTube có một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm đối với các video được lưu trữ trên nền tảng của mình. Và gần như YouTube không làm hết trách nhiệm.
Sau thế hệ giang hồ mạng Phú Lê, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền... Hiện một số kênh YouTube như D. Ka, T. Cá Chép... đang tận dụng nền tảng video này để truyền bá tư tưởng bạo lực.
Khác với nội dung bạo lực trước đây của kênh Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, thế hệ giang hồ mạng mới thu hút người xem bằng việc dùng bạo lực dưới danh nghĩa “hành hiệp trượng nghĩa”.
Cụ thể, những nhân vật chính trong video như T. Cá Chép, D. Ka… sẽ sử dụng bạo lực để đòi lại “công bằng”, dàn xếp mâu thuẫn cho người yếu thế.
3 video sở hữu lượt xem cao nhất của kênh T. Cá Chép có tiêu đề lần lượt là “Phang nhau với 4 tên côn đồ quấy rối em gái tại bàn nhậu”, “Xử lý giúp đỡ anh shipper bị côn đồ bắt nạt khi va chạm giao thông”, “Xử lý chủ nhà trọ láo toét lừa tiền sinh viên nghèo”.
Tổng lượt xem của 3 video này là trên 27 triệu. Toàn bộ đều là những video dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Không chỉ thu hút được nhiều lượt xem, những video này còn "leo hạng" trên top thịnh hành của YouTube.
Khác với Khá Bảnh, nội dung bạo lực được T. Cá Chép và D. Ka "đầu tư" bài bản với nhiều góc quay mang màu sắc dàn dựng.
Bên cạnh đó, những từ ngữ thô tục được làm biến dạng, các cảnh đánh nhau được bôi mờ. Những nhân vật này tuy đánh nhau nhưng vẫn đeo microphone không dây để thu âm tốt hơn. Nhiều bình luận bên dưới cho rằng đây chỉ là những cảnh bạo lực được sắp đặt nhằm mục đích câu view, kiếm tiền từ YouTube.
Trong chính sách của mình, YouTube ghi rõ nội dung mô tả các nhân vật dù là hoạt hình hay do người thật đóng vai, tham gia hành vi bạo lực hoặc không phù hợp, ngay cả khi thực hiện vì mục đích hài hước hoặc châm biếm sẽ không được bật kiếm tiền.
Dù kênh của D. Ka và T. Cá Chép vi phạm đầy đủ những quy định trong chính sách nhưng YouTube tại Việt Nam vẫn bật quảng cáo cho những nội dung này và chia lợi nhuận.