Đường nào cũng thành chỗ nhậu
Đường Trường Sa đoạn qua phường 13 (quận 3) chưa đến 17h là hơn chục quán nhậu, cà phê dọn sẵn bàn ghế ra chiếm trọn vỉa hè để đón khách rất nhộn nhịp.
Tại quán nhậu số 1.243 Trường Sa (phường 5, quận Tân Bình), hàng chục bộ bàn ghế xếp theo dãy choán hết lối đi bộ, những gốc cây xanh xung quanh cũng được tận dụng để kê đồ, treo bảng...
Còn con hẻm nằm giữa số 1.243 và 1.235 được chủ quán tận dụng làm nơi giữ xe cho khách.
Một quán nhậu trên đường Trường Sa (phường 5, quận Tân Bình) bày bàn ghế chiếm dụng hết vỉa hè. Ảnh: M. Quý |
Trên tuyến đường này có những nơi vỉa hè dài đến 30-50 m bị một số người chiếm dụng. Khi phóng viên dừng lại để chụp hình thì nhân viên tỏ vẻ khó chịu, xua đuổi.
Còn phía đối diện, vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa cũng bị hàng trăm quán nhậu lấn chiếm kéo dài từ quận Tân Bình đến Bình Thạnh.
Tại cầu số 6 (phường 13, quận Phú Nhuận) có 2 quán nhậu thường xuyên đông khách, kế bên là chốt dân phòng của phường 13.
Bà Trần Thanh Hằng (ngụ phường 13, quận Phú Nhuận) cho biết, tối nào cũng dắt cháu ra dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tập thể dục. Mỗi lần qua đây, bà phải đi xuống lòng đường, có thể bị xe va quẹt bất cứ lúc nào.
Tại quận 5, các tuyến đường mẫu cũng bị người dân chiếm dụng toàn bộ vỉa hè để làm chỗ giữ xe cho các quán nhậu, thức ăn nhanh, nón bảo hiểm, quần áo...
24 quận, huyện của TP HCM đăng ký 159 tuyến đường kiểu mẫu (không lấn chiếm làm nơi kinh doanh, đảm bảo an toàn giao thông...). Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tuyến đường này không đạt yêu cầu.
Trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), các sạp buôn bán mũ, nón bảo hiểm và giữ xe chiếm hết vỉa hè. Tại đường Trần Phú đoạn qua Công viên Văn Lang có vỉa hè rộng hơn 10 m cũng bị chiếm dụng làm quán ăn nhậu.
Còn trên đường Thành Thái (quận 10) nổi tiếng với các quán nhậu hải sản cũng diễn ra cảnh tương tự. Bắt đầu từ 17h, bàn ghế được bày biện ra. Do lượng khách quá lớn, không có khu vực đậu ôtô nên khách phải để dưới lòng đường. Nhân viên các quán vì cạnh tranh nên đứng dưới lòng đường đón khách rất nguy hiểm.
"Lọt" tin kiểm tra
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Lâm, Đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị quận 3 cho biết, ngày nào quận cũng có tổ công tác kết hợp với các địa phương kiểm tra những tuyến đường trọng điểm.
Tuy nhiên, sau chuyến kiểm tra thì mọi việc lại trở về như cũ. Hiện nay, quận chỉ thực hiện các biện pháp đẩy đuổi, thu gom những vật dụng lấn chiếm và xử phạt vi phạm hành chính. Những biện pháp, chế tài này chưa đủ răn đe.
"Vật dụng lấn chiếm lòng lề đường bị thu nhiều đến mức trụ sở UBND phường 13 hết chỗ chứa", ông Lâm nói.
Tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5) được nhiều người chiếm dụng làm nơi kinh doanh nón bảo hiểm. Ảnh: M. Quý |
Khi được hỏi vì sao một số đợt kiểm tra bất ngờ nhưng người dân vẫn biết trước?, ông Lâm cho hay, trong một buổi ra quân có nhiều lực lượng tham gia nên không thể xác định được ai làm "lọt" tin. "Người dân có thông tin đợt ra quân nên thu dọn vật dụng. Sau khi đơn vị chức năng rút quân thì họ bày ra lại", vị này cho biết.
Theo UBND quận 10, đơn vị đăng ký 10 tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, hiện nay 2 tuyến Thành Thái và Nguyễn Tri phương vẫn còn tình trạng lấn chiếm để kinh doanh. Vừa qua, UBND quận đã chỉ đạo các ngành phối hợp với UBND các phường thường xuyên tổ chức kiểm tra xử lý việc này.
"Từ đầu năm đến nay quận đã xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường. Lãnh đạo quận đã chỉ đạo đến cuối năm phải chấn chỉnh và lập lại trật tự tại tất cả các tuyến đường trên địa bàn. Hiện nay, quận đang xây dựng kế hoạch và giao UBND phường thường xuyên kiểm tra sau 21h vì đây là lúc tình trạng lấn chiếm diễn ra nhiều nhất", đại diện UBND quận 10 cho biết.
Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm lòng, lề đường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013):
- Cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.
- Phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức có hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Để xe; trông, giữ xe; bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng.
- Phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.