Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng khác. Đó là lý do xuất hiện kiểu nghệ sĩ biết chiêu trò, đánh bóng tên tuổi.
Chia sẻ với Zing, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định thị trường nhạc Việt nói riêng và showbiz nói chung hiện nay không có nhiều đột phá. Theo anh, xã hội ngày càng phát triển và thay đổi tư duy trong mọi việc, bao gồm thưởng thức nghệ thuật.
Sự đảo chiều liên tục trong sở thích, gu xem và nghe nhạc khiến nghệ sĩ phải biết thay đổi đa dạng và sử dụng chiêu trò hơn.
- Có ý kiến cho rằng Vpop đang là "cuộc đua" làm MV tiền tỷ khiến khán giả trầm trồ về phần nhìn nhưng trở nên lơ là về phần nghe. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- Ngày nay, nghệ sĩ tranh đua đầu tư rất nhiều tiền của để làm MV, điều này khiến những người không đủ kinh tế bị choáng ngợp. Nhưng tôi thấy không thiếu gì những bài hát chẳng có MV vẫn sở hữu hàng triệu lượt xem, cơ bản vì sản phẩm đó có chất lượng và chạm đến trái tim người nghe.
Như Jack ngày xưa chẳng hạn, cậu ấy quay MV rất rẻ mà vẫn thu được cả trăm triệu view. Điều này cho thấy thực ra nghệ sĩ không cần đầu tư quá nhiều tiền, cái họ cần là sự sáng tạo. Thiếu gì những sản phẩm quay bằng điện thoại mà vẫn được ủng hộ? Quan trọng chính là lấy giá trị âm nhạc làm cốt lõi.
Vậy nên tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải chi tiền tỷ ra đầu tư MV. Tuy nhiên, thị trường ngày càng phát triển, đầu tư làm đa dạng sắc màu âm nhạc hơn cũng là điều tốt cho mọi người.
- Anh đánh giá thế nào về lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay, đặc biệt là những ca sĩ cuối 9X - đầu 10X đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường?
- Những tháng gần đây tôi không theo dõi kỹ nên không biết nhiều về các ca sĩ trẻ ngày nay. Tôi chỉ xem MV của Chi Pu, Erik, Hòa Minzy, còn những bạn mới thì chưa nghe.
Nói về nghệ sĩ trẻ, tôi đánh giá cao Jack. Tôi nghĩ khán giả luôn ưa chuộng dòng nhạc như của Jack - pha chút âm hưởng dân tộc, giai điệu bắt tai, dễ nhớ. Cách hát, cách luyến láy của cậu ấy cũng khiến người Việt thích.
Ngoài ra, nếu nghệ sĩ trẻ có thêm khả năng sáng tác thì tốt. Bởi tự sáng tác sẽ giúp họ biết phải viết nhạc làm sao cho hợp, cho hay và mang đến cảm giác riêng của mình. Ví dụ, với nhạc của Mr. Siro, dù đưa cho bất ai hát thì lúc nghe khán giả vẫn thấy ca khúc mang đậm "màu" của Mr. Siro. Bài hát có thể vẫn nổi đấy nhưng ca sĩ không toát lên được cái riêng của mình.
- Tiêu chuẩn anh vừa đặt ra liệu có phần hơi khắt khe đối với các nghệ sĩ mới?
- Họ phải đương đầu với khó khăn nếu muốn trở thành ngôi sao, vì đây là đặc trưng của nghề. Chỉ có một số lượng người nổi tiếng nhất định trong cộng đồng mà thôi. So với nước khác, đặc biệt là so với Hàn Quốc, Việt Nam đã nổi tiếng khá dễ rồi.
Ở nước ngoài, muốn làm nghệ sĩ cần phải có sự hậu thuẫn từ công ty lớn và phải đầu tư rất nhiều tiền. Tôi nghĩ ở Việt Nam cơ hội cho các bạn tương đối dễ, không quá nhiều khó khăn. Chúng ta cũng không nên quá tiêu cực với vấn đề các bạn trẻ thu hút sự chú ý của công chúng, chỉ cần có tiềm năng và cơ hội là được.
- Vậy đối với các nghệ sĩ đã có tên tuổi, anh cho rằng họ cần bứt phá gì để giữ được vị thế nổi bật so với lớp trẻ?
- Với những nghệ sĩ đã có chỗ đứng trong showbiz, bứt phá không phải chuyện không dễ dàng. Vì khán giả hiểu và yêu thích khi họ theo dòng nhạc nhất định, lựa chọn thay đổi có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm như dễ bị chê bai, mất fan.
Nhưng tôi cho rằng nghệ sĩ muốn làm việc lâu dài thì đến một lúc nào đó nhất định phải thay đổi. Có thể hiện tại các bạn vẫn đang "hot" thì vẫn cứ ở nguyên trong vùng an toàn của mình cũng được, nhưng chờ tới khi giảm nhiệt thì nên thử thay đổi và bứt phá.
- Trước kia, các tài năng trẻ thường chọn dự thi trong show truyền hình để làm bàn đạp tiến thân vào showbiz. Nhưng ngày nay không còn nhiều người làm như vậy nữa?
- Không chỉ là Việt Nam mà ở đâu cũng vậy. Tôi ví dụ về nơi "đẻ" ra The Voice - là Hà Lan chẳng hạn, ở những mùa đầu tiên, người chiến thắng chính là ngôi sao hàng đầu của cả nước. Nhưng từ mùa 7, mùa 8 trở đi thì không ai quan tâm nữa.
Mùa đầu tiên của The Voice, gần như một nửa dân số của Hà Lan theo dõi. Còn bây giờ, lần đầu tiên tôi thấy lượng người xem tụt xuống dưới mức một triệu, có nghĩa là rating rất thấp. Người xem cũng mệt rồi, không có gì mới mẻ nên họ không xem nữa và cũng chẳng nhớ nổi ai là người chiến thắng.
Hiện giờ số người xem tivi đang giảm mạnh, người ta xem lại các chương trình trên YouTube nhiều hơn thay vì theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình.
- Thay vào đó, các bạn trẻ có xu hướng tự lăng xê bản thân qua các công cụ mạng nhiều hơn và bắt đầu xuất hiện tình trạng "ai cũng có thể thành sao"?
- Thời nay, bạn chỉ cần sở hữu một video ngắn siêu với triệu lượt xem thì bạn tự động trở thành người của công chúng, không cần bỏ thời gian rèn luyện vất vả như trước kia.
Nhưng nếu qua thời gian, người ta vẫn thích bạn, bạn vẫn thu hút được lượng lớn người xem, thì dù tài năng có kém bạn vẫn có thể cân nhắc theo đuổi hoạt động nghệ thuật được.
- Theo anh mặt trái của việc ai cũng có thể thành sao là gì?
- Mặt trái của việc ai cũng có thể trở thành người của công chúng như hiện nay chính là không có sự “bền”.
Tất nhiên vẫn có trường hợp không thông qua đào tạo vẫn có thể làm nghệ thuật lâu dài. Nhưng số này rất hiếm. Tôi có một người bạn, là nhạc sĩ nổi tiếng ở Singapore nhưng cậu ấy vốn không biết đọc một nốt nhạc nào. Người bạn này tự mày mò mọi thứ nhưng thành phẩm âm nhạc rất hay.
Trong trường hợp một người nào đó có tài năng trời cho thì dù không được đào tạo, họ vẫn làm nghệ thuật rất bền. Dù vậy, rèn luyện, trau dồi giúp mỗi người nắm trong tay khả năng đi đường dài trong nghề.
- Theo anh, khán giả có chấp nhận những người nổi lên từ mạng xã hội mà thiếu tài năng, chưa qua đào tạo này?
- Tôi nghĩ có hai kiểu khán giả vì không phải ai cũng có sở thích giống nhau. Có những khán giả luôn luôn tìm kiếm nghệ sĩ có tài năng, họ chú trọng vào chất lượng âm nhạc. Họ không thích nghe nhạc mới mà chỉ thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc đỏ, nhạc hàn lâm, họ sẽ luôn tìm đến những ca sĩ được đào tạo ở nhạc viện đàng hoàng.
Nhưng xu hướng của giới trẻ bây giờ là chạy theo xu hướng, thích những thứ có thời hạn ngắn. Khi chuyện gì cũng phải nhanh và "mì ăn liền" như hiện tại thì thị trường bắt đầu đòi hỏi một kiểu nghệ sĩ khác - kiểu nghệ sĩ đa dạng và biết chiêu trò hơn, bởi lúc này chỉ có một giọng hát hay là chưa đủ. Điều này có lẽ xuất phát từ việc sở thích và cách thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã khác xưa nhiều rồi.
- Dân mạng ngày nay cũng thường tranh cãi về vấn đề nghệ sĩ có thực sự cần tài năng để nổi tiếng hay chỉ cần đủ chiêu trò, đủ tiềm lực kinh tế. Anh nghĩ sao?
- Tôi cho rằng trong nghệ thuật luôn tồn tại những luồng ý kiến trái chiều về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, ngày nay chúng ta tôn vinh nhạc The Beatles và cho rằng hồi xưa chắc ai cũng thích họ. Nhưng không, trước đây, nhạc của họ cũng bị coi là thứ nhạc địa ngục, dơ bẩn, không phải là nghệ thuật.
Cách nghệ sĩ hoạt động cũng vậy, không thể làm vừa lòng tất cả khán giả được. Ngay cả những giọng ca hay nổi tiếng của showbiz như là Hương Tràm, hay là Uyên Linh cũng vẫn vấp phải ý kiến trái chiều. Không có điều gì là tuyệt đối, là hoàn hảo. Nghệ thuật chính là như vậy.
- Nhận định của anh về thị trường nhạc Việt năm 2020 là gì?
- Năm nào tôi cũng nghĩ rằng ballad phủ sóng nhiều quá, có lẽ năm sau sẽ bớt lại. Thế nhưng năm nào cũng vậy, nhạc ballad vẫn chiếm đến khoảng 90% thị trường. Khán giả cũng thấy rõ là nếu đến các quán cà phê, địa điểm công cộng thì chủ yếu nghe thấy ballad chứ chẳng có rap, chill, indie/underground...
Tất nhiên ballad luôn là dòng nhạc mạnh, chiếm ưu thế nhất ở Vpop. Tuy nhiên các dòng nhạc khác, chẳng hạn underground, cũng đang dần có nhiều khán giả, chiếm thị phần lớn hơn rồi. Có lẽ vì người ta nghe quá nhiều một thể loại rồi thì sẽ có xu hướng tìm kiếm một cái gì đấy mới hơn.
- Theo anh, xu hướng mạnh mẽ nhất trong Vpop hiện nay là gì?
- Hiện tại, xu hướng nghệ thuật trong nước nói riêng và thế giới nói chung vẫn khá hỗn loạn. Nhưng tôi nghĩ khó có thể nói là sự hỗn loạn này là sai hay đúng. Bởi trong nghệ thuật không có cái gì là sai cả, chỉ có nghệ sĩ làm theo sở thích của họ và thu hút được đối tượng khán giả của riêng họ thôi.
Xu hướng chính là chuyện rất nhiều người theo đuổi một điều gì đó, đến khi "ngán" rồi thì thay đổi. Âm nhạc cũng vậy. Nói đến Vpop hiện tại, đến một lúc nào đó khi sự "mì ăn liền" hay những chiêu trò đánh bóng tên tuổi đạt đến một mức độ nhất định, khán giả sẽ thấy khó chấp nhận thêm nữa và chuyển sang tìm kiếm thứ khác.