Theo đó, UBND TP HCM đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phối hợp với các sở ban ngành TP tổ chức thực hiện đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề “TP HCM - Hòa bình, Thịnh Vượng và Phát triển” cũng như trang trí chiếu sáng nghệ thuật đường Nguyễn Huệ.
Người dân tham quan đường hoa Nguyễn Huệ vào Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Lê Hiếu. |
Đường hoa Tết Bính Thân sẽ dài 670 m, từ quảng trường Hồ Chí Minh (trước trụ sở UBND TP) đến giao lộ Tôn Đức Thắng. Thời gian thi công là 11 ngày, từ 26/1/2016 đến 5/2/2016 (từ 17 đến 27 tháng Chạp).
Đường hoa chính thức phục vụ người dân tham quan, vui chơi trong 8 ngày tết, từ 19h ngày 5/2 đến khuya 12/2 (từ tối 27 tháng Chạp đến khuya mùng 5 tháng Giêng).
Bên cạnh đường hoa, các đơn vị TP sẽ trang trí, chiếu sáng nghệ thuật phố đi bộ Nguyễn Huệ phục vụ tết Dương lịch từ 19/12 đến 5/1/2016 và phục vụ Tết Nguyên đán từ 27/1/2016 đến 20/2/2016. Ba tuyến đường khác là Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi và Đồng Khởi sẽ được tổ chức đường sách kết nối với đường hoa.
Trước đó, lãnh đạo TP HCM không cho quảng cáo thương mại dưới mọi hình thức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi triển khai trang trí ánh sáng và thực hiện đường hoa, đơn vị thi công phải chọn các giải pháp an toàn, mỹ quan cao nhất, không được khoan, cắt, đóng cọc làm ảnh hưởng đến nguyên trạng của tuyến phố.
Được tổ chức lần đầu vào tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, đến nay đường hoa trở thành một lễ hội, nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người dân TP HCM. Năm 2015, do đang xây dựng phố đi bộ nên đường hoa Tết Ất Mùi được tổ chức trên đường Hàm Nghi.
Ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, những tuyến đường như Trường Sơn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lợi, Hàm Nghi, vòng xoay trước chợ Bến Thành, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Con Rùa, Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Bến Vân Đồn sẽ được trang trí ánh sáng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016.