Chiều 16/5, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Chi hội An toàn thông tin phía Nam tổ chức buổi toạ đàm triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục sự cố do mã độc WannaCry gây ra.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam, chưa có trường hợp nào thuộc khối nhà nước nhiễm mã độc WannaCry, chỉ có một số trường hợp doanh nghiệp tư nhân "cầu cứu". Tuy nhiên, số lượng máy tính có nguy cơ bị nhiễm tại Việt Nam rất cao, các tổ chức và cá nhân đều nên có biện pháp phòng chống, trong bối cảnh WannaCry có thể phát sinh các biến thể mới.
Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam chia sẻ về cơ chế lây lan và cách phòng chống mã độc WannaCry. Ảnh: Duy Tín. |
Theo ông Võ Đỗ Thắng, hiện có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở Đồng Nai và một đơn vị truyền thông ở TP.HCM trở thành nạn nhân của mã độc WannaCry. Trong quá khứ, một bệnh viện ở Cần Thơ cũng dính mã độc tống tiền. Hiện hệ thống máy tính của các doanh nghiệp này đã được cô lập, chờ công cụ giải mã từ các chuyên gia quốc tế, bởi số tiền chuộc quá cao.
Tại toạ đàm, đại diện của Chi hội ATTT phía Nam đưa ra một số biện pháp cơ bản để doanh nghiệp, các tổ chức tự bảo vệ mình, bao gồm nâng cấp các bản vá lỗi, cách ly thiết bị và những lưu ý để tránh bị lây nhiễm WannaCry từ môi trường Internet.
Nhằm giúp doanh nghiệp, tổ chức ở TP.HCM ứng phó với mã độc, Chi hội ATTT phía Nam và Sở TT&TT TP.HCM đưa ra ba đường dây liên lạc để hỗ trợ, tư vấn kịp thời, gồm:
1. Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT).
Điện thoại: (+84)4.36404421 - 3640424.
Fax: (+84)4.36404425.
2. Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM
Điện thoại: (+84)8.3520.2727
3. Chi Hội ATTT phía Nam (VNISA phía Nam)
Hotline: 0906911050