Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường dây bán hổ nấu cao

Biết được chút ít manh mối, chúng tôi quyết định ngược lên vùng tây bắc xứ Nghệ An để tìm hiểu đường dây bán hổ nấu cao.

Nhờ một nguồn tin từ thành phố Vinh, chúng tôi liên hệ được với một mắt xích trong đường dây mua bán hổ ở giáp ranh xã Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn).

Chúng tôi đến trung tâm huyện rồi đón taxi đến nhà “trùm” buôn hổ tên B.. Ngôi nhà bí ẩn cửa đóng kín nhưng khi vừa nhận ra giọng khách gọi như đã hẹn, vợ ông B. ra mở hé cửa. Khi chúng tôi lách vô nhà, cánh cửa nhanh chóng được đóng lại.

Căn nhà hẹp, hun hút như một cái hang sâu ngổn ngang đồ đạc và lờ mờ ánh điện. 

Hổ rừng ướp lạnh?

Vợ “trùm” B. nhanh nhảu kéo tay chúng tôi đi nhanh vào bên trong. Chưa nói năng gì, bà chủ bật nắp chiếc tủ đông to đùng để khoe “hàng”. Bà B. bảo: “Hàng mới về đêm qua” . 

Trong thùng lạnh, khi hơi đá bốc hết, chúng tôi thấy rõ hình thù con hổ vằn phủ bị đông cứng. Bà B. nói lầm rầm: “Hổ rừng vùng mình màu hồng nhìn tươi hơn hẳn với màu lông hổ nâu sẫm nhập từ Myanmar”. Bà B. giải thích: “Hổ rừng vừa bị bắn chết máu còn ứ đầy trong cổ họng”.

Dứt lời, bà dùng sức lật con hổ nằm ngửa, chỉ vào vết thủng dưới eo bụng là vị trí con hổ bị trúng đạn.

 Con hổ ướp lạnh được đem ra từ tủ đông ở nhà “trùm” B.
Con hổ ướp lạnh được đem ra từ tủ đông ở nhà “trùm” B.

Tôi vẫn cố ý hoài nghi: “Đã chắc gì hổ rừng. Rừng của ta đâu còn hổ mà bắn chết như thế này. Hay đây là hổ nuôi nhốt đưa từ dưới xuôi lên?”. Bà B. trở sống dao khẻ lóc cóc vào bàn chân hổ to như một nắm đấm. Vỏ đá lạnh vỡ tung, lòi ra những cái móng nâu nhọn hoắt.

Rồi bà ta móc máy chúng tôi: “Đi mua hổ mà không am hiểu gì về loại hàng đặc chủng này. Hổ nuôi nhốt ăn nằm một chỗ trong chuồng nên móng chân cùn, to bè bè, còn hổ rừng bươn chải trong rừng rú nên móng nhỏ và sắc nhọn như mũi chông. Hổ rừng nặng 30 kg là có nanh như thế này, còn hổ nuôi nhốt cùng lứa chưa thể mọc nanh được.

Nếu không phải “hàng” rừng tui biếu luôn cho ông mà không thèm lấy một xu. Có tháng chúng tôi nhập về ba bốn con nhưng có tháng chẳng có lấy một con nào, không dễ kiếm ra đâu”.

Sau khi xem xét kỹ con hổ, tôi vờ ướm giá: Con hổ này bao nhiêu tiền? “Hổ mua theo lứa, bán theo cân. Con này lứa 28 - 30 kg, giá 170 triệu đồng không kỳ kèo. Ưng thì tui gọi “đệ” nhen lò, lột da, chặt thành khúc nấu cao luôn. Nhà chật nhưng xung quanh là người bà con bao bọc, không phải sợ” - bà B. trả lời.

Giá cả qua lời lái buôn

Thấy chúng tôi thắc mắc về lai lịch con hổ rừng ướp lạnh, “trùm” B. không giấu giếm: “Hàng của bọn tôi là hàng để nấu cao. Có biết tiếng chúng tôi các ông mới vô được đây nên tôi nói thiệt, đó là hàng xịn do tay chân tin tưởng bắn được bên rừng Lào đấy.

Nếu bẫy được một con hổ sống cỡ này nó phải có giá 250 triệu đồng bán ngay giữa rừng. Nếu đưa lọt qua biên giới về tiếp tục nuôi cho mập (trên 50 kg) thì có giá 500 - 600 triệu đồng/con.

Nói vậy thôi nhưng không ai khiêng được hổ sống bươn rừng, vượt hàng chục cây số đường rừng về đến đây đâu. Nếu bẫy được hổ sống thì cũng phải bắn chết để “ôm” về cho dễ. Nghề buôn hổ như chúng tôi rất mạo hiểm. Lơ mơ là mất toi hàng trăm triệu đồng lại bị phạt tiền, phạt tù nên có hàng là phải đẩy ngay”.

Rồi ngay sau câu chuyện về hổ này, ông B. thúc giục chúng tôi: “Nếu ưng thì đề nghị các ông quyết khẩn trương”.

Chúng tôi tỏ vẻ phân vân về việc đưa con hổ về xuôi. Ông B. cả quyết: “Bọn tôi đưa về Vinh và các huyện lân cận nhiều rồi. Đưa ra Ninh Bình, Hà Nội cũng êm luôn. Khách có nhu cầu đưa về đâu là bọn tôi đi đến đó. Tiền công vận chuyển hàng ướp lạnh 10 triệu đồng/con, còn hàng sống giá tăng gấp đôi”.

Chuyện nấu cao

Thấy chúng tôi chưa định ngã giá nên “trùm” B. vui chuyện nêu kinh nghiệm nấu cao hổ. Theo ông ta, nếu nấu cao cho mình dùng thì nên nấu cao xương pha một ít xương beo và xương sơn dương. Phải chú ý lấy cho được mấy cái bánh chè con hổ và không được vớt bọt trong nồi cao đang sôi vứt đi. Chất bổ nồi cao nằm ở đó.

Tuy cao xương được ít, giá thành cao (khoảng 21 triệu đồng/lạng) nhưng giữ được lâu. Nếu muốn có nhiều cao để làm quà biếu thì không nên dại mà nấu cao toàn tính (tức chỉ toàn xương hổ). 

Rồi ông B. cho biết mình làm nghề này đã hơn 15 năm. Ông ta còn khoe: “Mấy ông chủ người Đài Loan khai thác mỏ đá trắng ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng đến đây mua hổ rừng rồi nhờ chúng tôi chỉ nấu cao. Đám người này có nhiều tiền nên toàn nấu cao toàn tính”.

Rồi ông ta vỗ ngực tự hào nói tiếp: “Làng này không có tay nào dám buôn hổ rừng vì không có đường dây. Để thiết lập được đường dây này, tôi đã phải trả giá hơn chục năm phiêu bạt tại rừng Lào. Hiện tôi có một số tay chân tin cậy chuyên lùng sục nhóm thợ săn, bẫy hổ bên kia rừng biên giới. Có hàng là họ đưa về đây ngay. Tất cả bọn theo nghề này đều đã quen luật im lặng”.

Xẻ thịt hổ nặng hơn 300 kg

Trong các bao tải, tổ công tác phát hiện cá thể hổ bị chia nhỏ có tổng trọng lượng 303 kg.

750 triệu đồng một con hổ sống

Thấy chúng tôi giả vờ muốn chuyển hướng mua hổ nuôi ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An - địa bàn nổi tiếng về việc nuôi hổ) thì “trùm” B. khoát tay: “Sau vụ một gia đình nuôi hổ ở Đô Thành bị công an bắt hổ thì không ai dám nuôi nữa. Tuy nhiên tôi có mối bán một con hổ đực, một con hổ cái cỡ 60-70 kg”.

Chúng tôi hỏi giá cặp hổ này, ông B. gằn giọng: “Nói thật nhé, con hổ đực nặng  , giá 750 triệu đồng. Cứ đặt cọc 1/3 số tiền là họ chuyển về tận nơi”.

Hỏi vận chuyển ngày hay đêm, có chắc ăn không, lỡ bị công an, kiểm lâm bắt thì xử lý ra sao, ông B. lại khoát tay: “Chưa biết chuyển ngày hay đêm. Giới hạn trong một tuần. Nếu trục trặc họ trả lại nguyên tiền. Nhưng mấy ông cứ yên tâm đi, đất có thổ công, sông có hà bá, bọn tôi “lội” qua được hết”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn vào tận nơi để xem hổ trước khi xuống tiền cho chắc ăn nhưng ông B. cự tuyệt vì cho rằng những cái “nại” (chuồng nuôi hổ) ấy thuộc phạm vi vùng đặc biệt nhạy cảm. Chúng tôi đành gật đầu đồng ý thì ông ta cầm máy gọi điện và hẹn “trưa là các ông có ảnh của con hổ đực trước khi quyết định mua hay không”. 

Bên trong trại nuôi hổ lớn nhất Thanh Hóa

Thấy người vào trại, nhiều con hổ nặng tới 2 tạ lại chồm lên nhe nanh gầm gừ. Sau 6 năm nuôi nhốt, trại hổ của ông Chiến mới được cấp phép.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150506/duong-day-ban-ho-nau-cao/742547.html

Theo Vũ Toàn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm