Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường cao tốc: đi sướng nhưng chưa đã

Sướng vì đi đường cao tốc rút ngắn thời gian từ TP HCM đi các tỉnh, chưa đã vì đường cao tốc còn quá nhiều bất cập.

Đó là nhận định của nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải về thực trạng ở cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Chạy tốc độ "rùa" trên cao tốc

Ông Trần Phước Anh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai, cho rằng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây quy định vận tốc tối thiểu 60 km/giờ là không hợp lý.

Theo ông Anh, với quy định này, phần lớn các xe tải chạy phía trước với vận tốc tối thiểu khiến các xe sau bị ùn ứ nối dài trên đường cao tốc.

Hơn nữa, xe chạy với vận tốc "rùa" 60 km/h không muốn cho các xe sau qua mặt, khiến đường cao tốc cho chạy với vận tốc 120 km/h mà nhiều khi xe chỉ chạy rề rề như trên quốc lộ.

Thông xe cao tốc tỷ USD, TP HCM đi Dầu Giây còn 60 phút

Toàn tuyến cao tốc 55 km thông xe sáng 8/2 rút ngắn thời gian TP HCM đi Dầu Giây còn 1/3 so với trước đây.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng phần lớn xe chạy tốc độ "rùa" là những xe chở hàng quá tải.

Những ôtô con chạy tốc độ cao có thể dễ dàng qua mặt những chiếc xe "rùa" này, nhưng những xe chở hàng hóa đúng tải đành phải chịu chạy chậm sau xe "rùa" vì không thể tăng nhanh tốc độ như ôtô con.

Đưa ra thực tế này, ông Quản đề nghị cần tổ chức cân xe ở đầu đường cao tốc và cấm tất cả các xe quá tải không được đi vào đường cao tốc.

Thượng tá Phạm Đăng Đức - Phó trưởng phòng, Đội trưởng đội tuần tra số 6 - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - cho biết ông đồng tình với đề xuất nói trên của ông Quản.

"Cần nâng chiều cao dải phân cách ở giữa đường cao tốc để ban đêm tài xế xe không bị chói mắt vì đèn ôtô chạy ở làn ngược lại gây nguy hiểm", đại diện Hợp tác xã vận tải và du lịch Trường Sơn(Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Ngoài ra, theo ông Đức, để giải quyết tình trạng ùn ứ trên đường cao tốc do xe chạy tốc độ "rùa" nên nâng tốc độ tối thiểu từ 60 km/h lên 70 km hoặc 80 km/h.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng về việc nâng cao tốc độ tối thiểu lưu thông trên đường cao tốc.

Ông Tuấn Anh còn thông tin, dự kiến tháng 4 tới sẽ đưa hệ thống tự động cân xe tải vào hoạt động và VEC sẽ nghiên cứu biện pháp từ chối xe quá tải đi vào đường cao tốc.

Thiếu chỗ đi vệ sinh

Ông Phan Thái Bình - tổng thư ký Hiệp hội Taxi TP HCM - cho rằng các đường cao tốc đã đưa vào sử dụng nhiều năm rồi mà không có trạm dừng nghỉ ở dọc đường nên người đi xe buộc phải dừng xe giữa đường để đi vệ sinh, không đảm bảo an toàn giao thông.

Còn ông Phạm Đăng Đức cảnh báo đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có nguy cơ mất an toàn giao thông do nhiều xe dừng dọc đường để ngắm cảnh đường cao tốc hoặc đi vệ sinh...

Ông Phạm Đăng Đức cho rằng để bảo đảm an toàn cho đường cao tốc khi các tuyến đường được kết nối, hành trình sẽ dài hơn, cần sớm xây dựng trạm dừng nghỉ để không chỉ giải quyết nhu cầu đi vệ sinh cho người đi xe mà còn giải quyết cho những lái xe buồn ngủ có chỗ nghỉ lấy lại sức tiếp tục hành trình.

Xe máy phớt lờ biển cấm trên cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

Biển cấm dù được đặt ở vị trí dễ quan sát nhưng nhiều người vẫn 'không nhìn thấy'. Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mới khánh thành liên tục có người đi xe máy vi phạm.

Trước đề xuất nói trên, ông Mai Tuấn Anh cho biết VEC đã thực hiện chủ trương xã hội hóa trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc và đã có nhiều nhà đầu tư tham gia.

Dự kiến trong quý 2 năm nay sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ (có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cây xăng...) trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Còn ông Nguyễn Văn Thành - cục phó Cục Quản lý đường bộ 4 - cho biết trong năm nay sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Nói về những bất cập trên đường cao tốc, ông Trần Phước Anh cho rằng các biển báo giao thông trên đường cao tốc quá nhỏ khiến người lái xe chạy tốc độ 100-120 km/giờ rất khó quan sát.

Cần có vé tháng

Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc, hiện bình quân mỗi ngày đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có hơn 20.000 ôtô đi đoạn từ quận 9 đến quốc lộ 51, trong khi chỉ có khoảng 6.500 xe đi từ đoạn quốc lộ 51 đến ngã ba Dầu Giây.

Theo một số doanh nghiệp vận tải, sở dĩ đoạn từ quốc lộ 51 đến ngã ba Dầu Giây có ít xe đi là do mức phí đường cao tốc cao, nhiều ôtô đã chọn đi trên tỉnh lộ (bên cạnh đường cao tốc) để giảm chi phí.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang bày tỏ lo ngại về thông tin đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ tăng 50% phí từ ngày 30/6 tới.

Vị này cho rằng nếu phí đi đường cao tốc tăng cao như dự kiến thì sẽ có nhiều xe chuyển sang đi quốc lộ 1 để giảm chi phí và gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này.

Còn Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM và một doanh nghiệp vận tải ở TP đề nghị VEC cần tổ chức bán vé tháng cho xe đi đường cao tốc để các doanh nghiệp giảm chi phí, thay vì chỉ bán vé lượt như hiện nay.

Phản hồi các ý kiến nói trên, ông Mai Tuấn Anh cho rằng không nên đặt ra mức phí đường cao tốc cao hay thấp mà hãy để cho thị trường quyết định.

"Các doanh nghiệp sẽ chọn đường cao tốc nếu họ thấy có lợi vì giảm chi phí và thời gian, còn ngược lại họ sẽ không chọn đường cao tốc. VEC sẽ nghiên cứu việc bán vé tháng với mức phí hợp lý cho các chủ xe, doanh nghiệp đi đường cao tốc" - ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Người đi bộ, xe máy vô tư đi vào cao tốc

Một người đàn ông băng ngang đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh chụp ngày 8/2). Ảnh: Hữu Khoa.
Một người đàn ông băng ngang đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh chụp ngày 8/2). 

Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN cho biết đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân có nhà bên này đường không băng qua đường cao tốc để sang bên kia đường làm ruộng, làm vườn.Tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ quận 9 đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) đã thông xe hơn một năm nhưng vẫn có người đi bộ băng ngang đường cao tốc giữa ban ngày. 

Ngoài người đi bộ còn có nhiều trường hợp đi xe máy vào đường cao tốc dù nhiều biển báo giao thông trên đường cấm xe máy lưu thông.

Vừa qua, vào lúc 23h ngày 8/3, một học sinh 15 tuổi ở Đồng Nai chạy xe máy vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đâm vào ôtô phải nhập viện.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150321/duong-cao-toc-di-suong-nhung-chua-da/723443.html

Theo Ngọc Ẩn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm