Tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng và Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia hôm 21/8, hai bên đã nhất trí tạo thuận lợi cho việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM.
Không chỉ là bay thẳng
Có mặt trong đoàn công tác của Bộ GTVT thăm Campuchia, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng và Phó Thủ tướng Sok An đã thống nhất cho nghiên cứu lập đường bay thẳng giữa Hà Nội - TP.HCM qua không phận Campuchia. Trước đó, phía Lào cũng đã ủng hộ chủ trương này. Các bên thống nhất sẽ thành lập tổ nghiên cứu cụ thể về đường bay thẳng, các vấn đề kỹ thuật, yếu tố kinh tế để đường bay đạt hiệu quả.
Ông Lại Xuân Thanh phân tích: Nếu Lào và Campuchia đồng ý đề nghị của Việt Nam về giảm giá điều hành bay (phí không lưu) thì yếu tố kinh tế của đường bay thẳng sẽ được tháo gỡ. Bởi nếu mở đường bay này, các hãng hàng không chỉ bay khi có hiệu quả tài chính và bản thân nước bạn cũng có lợi. Cục Hàng không Lào và Campuchia đều ủng hộ nhưng phải chờ trình chính phủ nước họ đồng ý việc giảm phí cho các hãng hàng không Việt Nam.
“Khó khăn nhất là yếu tố kỹ thuật, cụ thể là tổ chức vùng trời, mực bay và tầm phủ radar. Nếu đặt trong hệ thống đường bay Đông - Tây qua lãnh thổ Việt Nam, riêng đường bay thẳng mới giữa Hà Nội - TP.HCM sẽ tạo thêm khoảng 13 giao cắt với đường bay Đông - Tây nên về mặt an toàn và với hướng dẫn hàng không của Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO), hàng không 3 nước phải nghiên cứu, tính toán kỹ” - ông Lại Xuân Thanh nói.
Theo ông Lại Xuân Thanh, do đường bay thẳng mới sẽ cắt với rất nhiều đường bay quốc tế trên không phận Lào nên việc tính toán phân cách mực bay vừa hiệu quả kinh tế, tiêu chuẩn vùng trời và an toàn tuyệt đối là vấn đề khó. Hay như hệ thống radar giám sát phải phủ hết tất cả điểm trên đường hàng không này, trong khi hiện vẫn còn một số khu vực ở Lào, Campuchia chưa phủ hết radar. Việt Nam cũng phải tổ chức lại vùng trời, vùng cấm bay giữa quân sự và dân dụng.
TS Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc điều hành Hãng Hàng không Hải Âu, cho rằng đường bay thẳng rất đáng nghiên cứu và nếu làm được thì tốt, dù có nhiều vấn đề khó và phụ thuộc vào nhiều nước liên quan, phía Việt Nam không quyết định một mình được. Trong đó, yếu tố kinh tế là vấn đề khó nhất, phải đạt được hiệu quả thì đường bay thẳng mới khả thi, sau đó mới là những vấn đề kỹ thuật.
Nếu lập được đường bay thẳng, thời gian bay giữa Hà Nội và TP.HCM sẽ được rút ngắn khoảng 110 km. |
Hành trình chìm nổi
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc nghiên cứu lập đường bay thẳng từ Hà Nội - TP.HCM lần này cũng tương tự ý tưởng từ những năm 1980 của nhiều chuyên gia trong ngành hàng không cùng đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn và ông Trần Đình Bá sau này. Một số chuyên gia đề xuất “đường bay vàng” phân tích đường bay giữa Hà Nội -
TP.HCM hiện nay là bay vòng, dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia nên đang lãng phí 26 phút với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí khoảng 25% chi phí sản xuất; làm tốn kém thêm khoảng 300 triệu USD chi phí của các hãng hàng không mỗi năm…
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, người từng gây xôn xao dư luận với đề xuất lập đường bay thẳng nói trên vào tháng 3/2009, cho biết khoảng 30 năm trước (tháng 9/1984), trong một dự án mang tên VUETA có đề cập việc mở đường bay chung cho cả 3 nước Đông Dương, kéo thẳng kinh tuyến 106 độ Đông, từ Hà Nội - TP.HCM và rút ngắn được quãng đường bay 110 km. Nếu bay theo đường bay này, 9 chuyến bay được lãi ra một chuyến. “13 năm sau, nhiều nội dung của dự án VUETA được triển khai gần hết nhưng còn nội dung về đường bay thẳng chưa được thực hiện, trong khi tần suất của đường bay Hà Nội - TP.HCM ngày càng nhiều. Tháng 4/2009, tôi quyết định tái đề xuất đường bay này trình lên Thủ tướng” - ông Mai Trọng Tuấn nói.
Thời điểm đó, đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn không được Cục Hàng không Việt Nam đồng ý. Đến tháng 2/2012, ông Trần Đình Bá đề xuất “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá”. Tuy nhiên, khi đó Cục Hàng không trả lời rằng các tính toán của ông Trần Bình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học và không khả thi.
Giải thích về việc bác bỏ đề xuất về “đường bay vàng” trong quá khứ, ông Lại Xuân Thanh cho rằng trước đây, công nghệ dẫn đường khó có thể thay đổi khi lập đường bay thẳng mới hoàn toàn từ Hà Nội - TP.HCM qua Lào, Campuchia nên khó khả thi. Muốn bay thẳng, ngành hàng không phải lắp đặt các cơ sở đài trạm dưới mặt đất để làm đường hàng không trên trời. “Điều này không khả thi vì Lào, Campuchia khó thể lắp đặt hệ thống đài trạm cho đường bay thẳng của Việt Nam. Nhưng đến nay, cả 3 nước đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi, xây dựng hệ thống điều hành bay mới theo công nghệ vệ tinh, radar giám sát (không cần xây dựng đài trạm dưới mặt đất - PV) do Nhật Bản tài trợ nên đường bay thẳng có tính khả thi, lại được các bên ủng hộ nên mới khởi động” - ông Thanh phân tích.
Theo ông Thanh, gần đây, đề án này nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Quốc phòng theo hướng có chính sách, chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế, trong đó có đường bay thẳng, nếu hiệu quả.
Nhiều đường bay trong khu vực cần được nắn thẳng
TS Lương Hoài Nam cho biết ý tưởng “đường bay vàng” từng được Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đưa ra hội nghị các hãng hàng không tiểu vùng sông Mê Kông để kiến nghị nhà chức trách các nước xem xét trong 3 năm liên tục từ 2006-2008.
Trong biên bản hội nghị này, thống nhất đề nghị chính phủ các nước trong khu vực nghiên cứu thỏa đáng và thiết lập thêm các đường không lưu thẳng nhất có thể được thay thế cho một số đường bay hiện tại để các hoạt động hàng không trở nên hiệu quả và kinh tế hơn.
“Đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM không được nêu tên cụ thể trong biên bản hội nghị, vì ngoài nó ra, trong phạm vi tiểu vùng sông Mê Kông còn một số đường bay quốc tế cũng cần đường nắn thẳng” - ông Nam nói.