Sau một tuần triển khai xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019, bên cạnh nhiều quan điểm ủng hộ và chấp hành, cũng không ít ý kiến băn khoăn về tính hợp lý, khả thi của nghị định. Hai chủ đề được người dân bàn luận sôi nổi là tính khả thi của việc chấp hành luật và mức độ nặng, nhẹ của chế tài xử phạt.
Làm ra luật phải để người dân chấp hành được
Một câu hỏi được người dân đặt ra nhiều ngày qua là làm thế nào để biết trong hơi thở hoặc máu không còn nồng độ cồn.
Trên thực tế, một số người thường lấy lại được sự tỉnh táo sau một giấc ngủ. Nhưng cũng có trường hợp "hôm nay uống, hôm sau mới say". Vậy làm sao để chắc chắn cơ thể mình đã hết cồn trước khi cầm vào tay lái?
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết vấn đề trên đã được cân nhắc trong quá trình làm luật, nhưng tuyệt đối hóa là rất khó vì luật chỉ quy định những điều chung nhất.
Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 đã được triển khai trên cả nước trong 1 tuần, nhận được sự hưởng ứng từ đa số người dân. Ảnh: Hoàng Đông. |
Theo đại diện Vụ ATGT, Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu chi tiết hơn như uống một lượng rượu thì sau bao lâu sẽ hết nồng độ cồn.
"Như các chuyên gia y tế đã phân tích, việc tan được nồng độ cồn còn phụ thuộc vào việc uống rượu, bia gì, uống bao nhiêu. Có người uống say ngay nhưng cũng có người đến mai mới say", ông Tùng chia sẻ.
Theo đại diện Vụ ATGT, Bộ Y tế phải xây dựng những thử nghiệm, nghiên cứu như uống bao nhiêu rượu thì sau bao lâu sẽ hết nồng độ cồn. "Nghị định mới ra được hơn 7 ngày. Sẽ cần có sự tiếp thu ý kiến, thậm chí sửa đổi các điều khoản nếu thấy cần thiết chứ không duy ý chí", ông Tùng nói.
Theo bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), mức độ đào thải cồn ra khỏi cơ thể thì tùy từng người, mức chung với nam giới khoảng 2-3 giờ để đào thải 1 đơn vị cồn. Với nữ giới khoảng 3-4 giờ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mức khuyến cáo. Trên cơ sở đó, người dân có thể tính toán tương đối trước khi quyết định tham gia giao thông.
Hà Nội giảm 9 người chết vì tai nạn
Sau 7 ngày áp dụng xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019, CSGT TP Hà Nội cho biết toàn thành phố đã giảm được 11 vụ tai nạn giao thông, giảm 9 người chết. Lực lượng CSGT đã xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 18 trường hợp xử phạt kịch khung.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tính hợp lý của các điều khoản xử phạt. Điển hình trong số đó là ý kiến lo ngại việc ăn hoa quả, uống siro cũng có thể tạo ra nồng độ cồn.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trao đổi về vấn đề này, thiếu tá Đào Việt Long cho biết toàn TP Hà Nội trong 7 ngày qua chưa ghi nhận người dân nào lấy lý do uống siro hay ăn hoa quả để giải thích về nồng độ cồn. Hiện, đây chỉ là ví dụ được đưa ra, chưa xuất hiện trong thực tế. Người dân có quyền giải trình hoặc khiếu nại nếu không vi phạm.
"Qua việc khiếu nại của nhân dân, chúng tôi cũng có thể phát hiện những sai sót của cán bộ chiến sĩ. Về nguyên tắc thì CSGT không bao giờ xử phạt nếu người dân không vi phạm. Đương nhiên, chúng tôi cũng phải tôn trọng thực tế khách quan", ông Long nói.
Ngoài ra, nếu người tham gia giao thông muốn chứng minh mình không uống rượu bia, họ hoàn toàn được phép thổi lại máy đo nồng độ cồn. CSGT luôn sẵn sàng đáp ứng.
Về đề xuất quy định nồng độ cồn khác 0 để giải quyết được những rắc rối từ việc ăn uống những trái cây, thức ăn tạo cồn, thiếu tá Đào Việt Long cho rằng quan điểm giữ mức nồng độ cồn bằng 0 là cần thiết. Chúng ta chưa có tiêu chuẩn nào về việc uống 1 ly thì bao nhiêu nồng độ cồn.
"Thực tế, không phải ai cũng biết 1 lon bia thì có bao nhiêu đơn vị cồn. Chúng ta cũng chưa kiểm soát được rượu người dân tự nấu. Dịp cuối năm, nhà nào cũng tự nấu, chưa đơn vị nào quản lý xem nồng độ cồn là bao nhiêu", ông Long phân tích.
Chế tài đối với tài xế uống rượu bia theo Nghị định 100 và quy định cũ. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |