Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dược sĩ F0 giúp F0 chữa bệnh

Mỗi ngày, Thu Hương tư vấn từ xa cho 30-50 F0 tại TP.HCM. Cô hướng dẫn cách dùng thuốc, hỗ trợ liên hệ y tế địa phương và lắng nghe cả những câu chuyện buồn vui của người bệnh.

Một ngày giữa tháng 8, Nguyễn Thu Hương gọi điện thoại đến nữ bệnh nhân Covid-19 mà cô nhận tư vấn điều trị. Đầu dây bên kia bên nói thật khẽ: "Hương ơi, mẹ chị mất rồi".

Trước đó chỉ ít hôm, Hương cũng nghe nữ F0 này báo tin buồn tương tự về người chị gái bị khuyết tật. Cô dược sĩ sinh năm 1994 lặng người giữ điện thoại. Những tin dữ liên tục ập đến với người bệnh khiến cô bàng hoàng, không biết phải động viên ra sao.

"Nhà chị ấy ở có nhiều người đều mắc Covid-19. Chị là F0 được tôi phụ trách tư vấn, chị vẫn khỏe thế nhưng người nhà lại không", Hương chia sẻ câu chuyện cùng Zing.

TNV Thay thuoc dong hanh anh 1

Thu Hương là tình nguyện viên của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành".

F0 hỗ trợ F0

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, Hương không thể duy trì công việc ổn định. Cô đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ tiêm vaccine tại quận Bình Thạnh, thế nhưng chỉ vừa làm được 3 ngày, cô trở thành F0.

Hương cho biết dù mắc bệnh, sức khỏe cô vẫn khá tốt, không có nhiều triệu chứng. Từ trong khu cách ly có nhiều thời gian nhàn rỗi, cô quyết định xin làm tình nguyện viên cho dự án "Thầy thuốc đồng hành", mạng lưới giúp phân tầng nguy cơ tại cộng đồng và tư vấn y tế từ xa cho F0.

"Từ đầu tháng 8, tôi đăng ký làm việc cho mạng lưới, dùng những kiến thức mình có được để tư vấn, trợ giúp cho người bệnh. Cũng là một F0, tôi hiểu những bệnh nhân Covid-19 rất hoang mang, đặc biệt là những người tự điều trị tại nhà", Hương chia sẻ.

Theo Hương, các bác sĩ thuộc mạng lưới có biện pháp chuyên môn phân tầng F0 theo 5 nguy cơ từ 0-4.

Các bệnh nhân được xác định nguy cơ 3 và 4 sẽ được chuyển cấp cứu, trường hợp chưa được nhập viện ngay sẽ được hỗ trợ Telehealth hướng dẫn sơ cứu từ xa.

Những bệnh nhân nguy cơ 2 nếu chưa nhập viện điều trị sẽ được bác sĩ trực tiếp theo dõi. Những người ít triệu chứng, sức khỏe tốt hơn sẽ được chuyển cho tình nguyện viên như cô để tư vấn sức khỏe.

TNV Thay thuoc dong hanh anh 2

Hương hỗ trợ tư vấn cho những F0 có triệu chứng nhẹ.

Hương phụ trách theo dõi khoảng 30-50 F0 tại TP.HCM. Mỗi ngày, cô gọi điện đến những bệnh nhân của mình để hỏi thăm sức khỏe, tư vấn các biện pháp cần thiết cũng như động viên tinh thần.

"Tôi luôn hỏi người bệnh về tình trạng thở, các chỉ số sức khỏe và hướng dẫn họ cách dùng thuốc. Có nhiều F0, nhất là những cô chú cao tuổi, rất bối rối khi uống thuốc, không biết khi nào cần uống hạ sốt, sau bao lâu uống lại một lần.

Cũng có những bệnh nhân không muốn nghe tư vấn mà chỉ cần được hỗ trợ về thuốc, bày tỏ mong muốn tự cách ly tại nhà. Những trường hợp như vậy tôi hướng dẫn họ thông báo cho lực lượng y tế địa phương phụ trách để nhận hỗ trợ", Hương kể.

Lắng nghe

Hơn một tháng làm tình nguyện viên, Hương đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn vui của người bệnh. Đó là nữ F0 có mẹ và chị gái cùng qua đời trong một tuần vì Covid-19, mỗi khi kể lại câu chuyện ấy, Hương đều nghẹn ngào.

"Chị F0 ấy nói với tôi rằng chị gái mình khuyết tật từ nhỏ, lớn lên chưa ngày nào được hạnh phúc. Chị tâm niệm ở nơi thiên đàng, chị mình được giải thoát khỏi đau đớn. Tôi nghe vậy thấy rất đau lòng.

Trước đó, dù mẹ và chị gái của chị không phải là F0 thuộc mạng lưới do tôi phụ trách, thế nhưng tôi luôn hỏi thăm và hướng dẫn họ những điều cần thiết. Nhận tin dữ từ chị, tôi cảm thấy bất lực lắm vì không thể giúp gì hơn", Hương tâm sự.

TNV Thay thuoc dong hanh anh 3

Cô gái kiên trì lắng nghe những câu chuyện buồn vui của người bệnh.

Tuy vậy, Hương cũng được lắng nghe không ít câu chuyện vui. Cô không nhớ hết được bao nhiêu bệnh nhân của mình thông báo đã có kết quả xét nghiệm âm tính, không còn triệu chứng bệnh và nhà được dỡ phong tỏa.

Theo Hương, khi những bệnh nhân dần khỏi bệnh, họ thường không hỏi cô về cách điều trị nữa mà dành thời gian để kể về cuộc sống và gia đình. Nhiều người hẹn cô khi hết dịch sẽ gặp mặt cùng uống cà phê, ghé nhà dùng bữa.

"Tôi rất nhớ một lần gọi điện, bệnh nhân tầm 80 tuổi của tôi nói rằng: 'Hôm nay ông khỏe lắm, lúc ăn no thấy có gì đó lạ lạ, như kháng thể đang hoạt động vậy'.

Cụ không hiểu nhiều về các thuật ngữ chuyên môn. Thế nhưng mình nhận ra trong lúc mắc bệnh như thế, việc đúng sai trong câu từ chẳng còn quá quan trọng. Chỉ cần biết cụ đang khỏe lên, có thế vui vẻ khi chuông điện thoại reo là mình vui rồi", Hương nói.

Đến hiện tại, Hương đã được rời khỏi khu cách ly. Được nhìn thấy nhà mình và ánh nắng vàng rực rỡ, cô càng quý trọng hơn sức khỏe và càng mong muốn giúp đỡ được nhiều F0 khỏi bệnh như mình.

"Tôi sẽ vẫn làm tình nguyện viên hỗ trợ từ xa thế này cho đến khi hết dịch hoặc đến khi nào người bệnh không cần mình nữa. Tôi biết có những bệnh nhân luôn chờ cuộc gọi của tôi, chờ đợi sự động viên, an ủi. Tôi cũng sẽ kiên nhẫn chờ ngày họ khỏi bệnh, chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ niềm vui đó", Hương chia sẻ.

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập với sự tham gia của 8000 bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên tính cho đến thời điểm này.

Người dân trên địa bàn TP.HCM có thể gọi đến đường dây nóng 1022 nhánh 4 để nhận sự hỗ trợ. Tại Bình Dương, đầu số tiếp nhận thông tin là 0274 1022. Tại Hà Nội, người dân có thể gọi tới 024 1022 - nhánh 3 trong 3 khung giờ: 9:00 - 11:00, 15:00 - 17:00 và 19:00 - 21:00 để được đội ngũ bác sĩ chăm sóc và tư vấn.

Cô gái lai Việt - Thái và anh CSGT thành đôi khi cùng đi chống dịch

D. cảm phục nhiệt huyết, sự chín chắn của Shotika từ những ngày đầu gặp gỡ. Chàng CSGT xin được che chở cho cô gái kém mình 10 tuổi.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm