Dẫn đầu thị trường tiêu thụ bia trong nước với hơn 42% thị phần (2017), Sabeco là một trong những đại gia ngành bia ăn nên làm ra tại thị trường Việt. Thị phần của hãng bia Sài Gòn này gấp đôi so với hãng xếp thứ 2 là Heineken với chỉ gần 22% sản lượng tiêu thụ bia có được.
Đây cũng được cho là lý do khiến Sabeco trở lên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại.
Khó cho quỹ ngoại
Hơn một năm trước đây, thời điểm Bộ Công Thương chuẩn bị thoái bớt vốn khỏi Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tiết lộ sau khi tổ chức các buổi roadshow giới thiệu việc thoái vốn Sabeco diễn ra ở Singapore và Anh, rất nhiều nhà đầu tư, các quỹ, hãng lớn đã quan tâm. Một quỹ đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ USD cũng tham gia vào thương vụ lớn này.
Tuy nhiên, sau khi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD để sở hữu 53,39% vốn doanh nghiệp từ Bộ Công Thương, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại Sabeco gần như bị “đóng đinh” không thể tăng thêm.
Nguyên nhân khiến các quỹ ngoại không thể tham gia thêm vào Sabeco chính là việc cơ cấu sở hữu tại đây rất cô đặc.
Bán 53,39% vốn cho VietBev (thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan), Bộ Công Thương vẫn còn sở hữu hơn 36% cổ phần tại doanh nghiệp này. Lượng cổ phần tự do của Sabeco trên thị trường chỉ vào khoảng 10,6%.
Trong khi, báo cáo thường niên của công ty cũng cho biết tính tới cuối năm 2017, cổ đông ngoại sở hữu 9,64% vốn doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu này của khối ngoại khá thấp nhưng đã gần chiếm hết lượng cổ phiếu tự do trên thị trường. Việc để room ngoại ở mức 49% thời điểm, do đó, không có ý nghĩa với các nhà đầu tư ngoại có ý định sở hữu cổ phần tại Sabeco.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng với việc đã bán đủ số cổ phần chi phối cho một đối tác, vị thế của Sabeco trong mắt các nhà đầu tư đã thay đổi.
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn, cho biết sau khi Bộ Công Thương bán đứt 53,39% vốn cho ThaiBev (sở hữu gián tiếp), Sabeco không còn hấp dẫn như trước.
Vị này cho rằng việc bán quá 50% vốn khiến Sabeco trở thành công ty con của tỷ phú Thái. Khi đó, doanh nghiệp này sẽ không còn hoạt động trên lợi ích của chính mình mà sẽ hoạt động dựa trên cơ sở lợi ích của tập đoàn mẹ.
“Chẳng ai mua mà không vì mục đích của mình cả, cũng không ai bỏ tiền vì mục đích của người khác”, ông Hưng nói.
Ai hứng thú với Sabeco?
Một diễn biến đáng chú ý là từ khi về tay người Thái, Sabeco lại trở lên hấp dẫn hơn trong mắt quỹ ngoại. Hoặc ít nhất là trong mắt Dragon Capital VEIL, quỹ ngoại có tầm ảnh hưởng bậc nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, không lâu sau thương vụ bán vốn của Bộ Công Thương, hàng triệu cổ phiếu SAB được các quỹ ngoại bán sang tay. Dù tỷ lệ sở hữu của khối ngoại vẫn dưới 10%, nhiều quỹ mới đã rót vốn để có một chân trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này.
Giữa tháng 3, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã chi hàng trăm triệu USD để nhận chuyển nhượng 15,3 triệu cổ phiếu SAB (2,3% vốn) từ một quỹ ngoại khác là Nogard Pte.
Hiện tại, nhóm Dragon Capital đang nắm giữ khoảng 18,8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,9% cổ phần của Sabeco. Số cổ phần này cũng đã tương đương 1/4 lượng cổ phiếu lưu hành tự do mà khối ngoại nắm giữ.
SAB cũng chỉ hấp dẫn trong mắt Dragon Capital từ khi về tay người Thái. Trước đó chưa bao giờ SAB nằm trong top 10 cổ phiếu đầu tư của quỹ này. Trong khi từ tháng 3 đến nay, SAB luôn có một vị trí trong top 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng giá trị tài sản ròng cao nhất của quỹ.
Tính đến ngày 22/11 mới đây, SAB đang là khoản đầu tư giá trị thứ 3 trong danh mục của Dragon Capital VEIL chiếm 5,69% tỷ trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc được người Thái tiếp quản giúp cổ phiếu SAB hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt với người hướng tới giá trị dài hạn và cổ tức. Nguyên nhân là việc gia nhập hệ sinh thái mới có thể giúp Sabeco cải thiện rất nhiều kết quả kinh doanh và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà đầu tư sở hữu lợi ích tại doanh nghiệp này.
Liệu sẽ có thêm nhà đầu tư ngoại tham gia Sabeco?
Tuy nhiên, việc Sabeco nới room ngoại lên 100% có đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng sở hữu lên tối đa tại đây?
Đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn bán nốt phần vốn của mình.
Trong khi room ngoại tại Sabeco trước nay cũng chưa vượt nổi 10%, việc nới room 49% lên 100% gần như không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, VietBev thực chất chỉ là pháp nhân để giúp ThaiBev hợp thức hóa sở hữu Sabeco. Giới phân tích cho rằng việc nới room ngoại lên 100% có thể giúp ThaiBev chuyển giao phần vốn của mình từ VietBev về công ty mẹ để giảm bớt tỷ lệ sở hữu chồng chéo tại các công ty con.
Tỷ phú Thái Lan
Charoen Sirivadhanabhakdi , ông chủ đứng sau thương vụ thâu tóm Sabeco của VietBev. Ảnh: Getty. |
Việc chuyển giao vốn về một mối cũng giúp doanh nghiệp của tỷ phú Thái giảm bớt áp lực nợ vay tại pháp nhân VietBev. Vì để có tiền mua cổ phần, VietBev đang phải đi vay lượng lớn tiền từ nước ngoài.
Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện vay và trả nợ công năm 2017 của Chính phủ hồi giữa năm 2018 cho thấy cuối năm 2017, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến 73% so với năm 2016, đạt 21,9 tỷ USD. Trong số này, chủ yếu là khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Công ty TNHH Vietnam Beverage, với khoảng 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco hồi tháng 12/2017, chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ.
Việc chuyển giao vốn Sabeco về ThaiBev sở hữu trực tiếp sẽ khiến room ngoại tại đây tăng lên gần 63%, vượt quá room cũ. Nói cách khác, việc nới room ngoại lên 100% mới đây của Sabeco sẽ giúp ích rất nhiều nếu tỷ phú Thái thực sự muốn thay đổi cơ cấu sở hữu của mình tại doanh nghiệp này.
Sẽ rất khó xảy ra viễn cảnh 100% tỷ lệ sở hữu Sabeco về tay khối ngoại nhưng tương lai của 53,39% cổ phần do VietBev sở hữu sẽ sớm có lời đáp khi người Thái cũng đang thực hiện hàng loạt cải tổ trong hoạt động của Sabeco.