Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc mua sắm vật dụng sinh hoạt cho nhân viên để thực hiện phương án “3 tại chỗ” là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc bố trí nhân sự cho các khâu sản xuất cũng gặp không ít thách thức. Thế nhưng, Dược Hậu Giang đã triển khai mọi thứ nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn. Chỉ trong thời gian ngắn, công ty đã bố trí chỗ ăn ở cho hơn 700 nhân viên tại nhà máy. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Trưởng phòng Hành chính, Ban chỉ đạo chống dịch - Dược Hậu Giang chia sẻ: “Với tôi, chiến dịch ‘3 tại chỗ’ là một nhiệm vụ của hạnh phúc. Chúng tôi đã cùng cố gắng giải quyết những vấn đề phát sinh. Bằng tình cảm của đội ngũ nhân viên, chúng tôi đã góp một phần nhỏ giữ gìn sự an toàn cho mọi người. Khi chứng kiến cán bộ nhân viên mang mùng, mền, chiếu gối… đến công ty như người lính hành quân, tôi thấy xúc động và tự hào khi là thành viên Dược Hậu Giang”. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Chương, Giám đốc Sản xuất - Dược Hậu Giang, việc thực hiện kế hoạch “3 tại chỗ” không khiến ông bất ngờ hay lúng túng. Bởi công ty đã trải qua lịch sử phát triển 47 năm với một đội ngũ nhân viên lành nghề, tận tâm. Họ từng có kinh nghiệm ứng phó với sự thay đổi các mô hình sản xuất khi nhà máy liên tục nâng cấp hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy khi có lệnh gọi, công nhân nhà máy nhanh chóng sắp xếp cuộc sống riêng để sẵn sàng thực hiện “3 tại chỗ”. |
Điều tạo nên sự khác biệt trong thực hiện “3 tại chỗ” của Dược Hậu Giang là kế hoạch sản xuất được xây dựng dựa trên những nguyên tắc của BCP (Business Continuity Plan - Kế hoạch kinh doanh liên tục). Công ty chủ động lựa chọn thiết bị máy móc phù hợp, đồng thời chuẩn bị kỹ phần nhân lực. Theo đó, các phân xưởng đã chia nguồn lực thành 2 nhóm A và B, thay phiên trong quá trình tổ chức sản xuất. |
Theo bà Trần Trang Khánh Nhung, Trưởng phòng Mua hàng - Dược Hậu Giang, để phương án “3 tại chỗ” được vận hành thuận lợi, sự chủ động của các phòng ban là then chốt. Phòng mua hàng đã thực hiện dự trữ phù hợp nhằm đáp ứng kế hoạch BCP. Phòng còn đẩy mạnh tương tác với nhà cung cấp, nhà sản xuất, khách hàng để cập nhật thường xuyên biến động của thị trường. Ngoài ra, phòng thường xuyên trao đổi với bộ phận kế hoạch, marketing và khối sản xuất để điều chỉnh chiến lược, thiết lập kế hoạch dự phòng theo tình hình thực tế. |
Không chỉ công nhân sản xuất tại nhà máy, đội ngũ bán hàng Dược Hậu Giang cũng không ngại khó khăn, nỗ lực duy trì cung ứng và phân phối sản phẩm đến người dân. Họ linh động giao dịch qua điện thoại, tận dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo để hỗ trợ tận tình cho khách hàng. |
“Để đảo bảo thực hiện Chỉ thị 16 ở một số tỉnh thành, nhân viên giao hàng Dược Hậu Giang phải sắp xếp công việc trở về đơn vị trước 18h. Các đơn vị chủ động phối hợp kho trung tâm, kho soạn hàng, chia lịch và bố trí nhân sự hợp lý. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần và sự động viên từ ban lãnh đạo, chúng tôi có thêm động lực để vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, bà Phạm Diệp Thu Hiền - Giám đốc chi nhánh Dược Hậu Giang tại TP.HCM - chia sẻ. |
Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, ban tổng giám đốc công ty đã đưa ra những chính sách mang tính chiến lược. Nhờ vậy, cán bộ nhân viên công ty được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo thu nhập và phúc lợi xã hội. Gia đình và người thân của họ cũng được chăm lo, động viên mỗi ngày bằng sự tử tế, chân tình. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, ít cán bộ nhân viên nào nghĩ rằng có ngày phải tạm xa tổ ấm, cha mẹ, con cái, người thân... Thế nhưng qua vất vả, điều đọng lại từ chiến dịch “3 tại chỗ” với nhiều cán bộ nhân viên Dược Hậu Giang là niềm hạnh phúc được cùng công ty đi qua giai đoạn khó khăn. |
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Dược Hậu Giang, chia sẻ:“Xin dành lời cảm ơn chân thành đến toàn thể người lao động đã cùng Dược Hậu Giang và cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng ta hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ để giữ vững sản xuất, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên, cùng nhau đẩy lùi đại dịch”. |
Bình luận