Công ty CP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) vừa công bố báo cáo tài chính quý đầu năm nay với doanh thu thuần đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý này, biên lợi nhuận gộp của hãng đã tăng từ 47% lên 50%, đạt 614 tỷ đồng, tương đương cứ thu 2 đồng thì lãi gộp 1 đồng.
Tuy nhiên, do mở rộng quy mô nên các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp của Dược Hậu Giang cũng tăng thêm 13%, lên lần lượt 188 tỷ và 69 tỷ đồng. Sau khi trừ hết chi phí, hãng dược phẩm này báo lãi sau thuế tăng trưởng 42%, đạt 361 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Lãnh đạo công ty lý giải kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực kể trên là nhờ việc tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực như kháng sinh, giảm đau hạ sốt. Công ty này còn chủ động gia tăng dự trữ nguyên liệu và tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối, kết nối với khách hàng.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA DƯỢC HẬU GIANG | ||||||||||||||
Nhãn | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | IV | I/2022 | II | III | IV | I/2023 | |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 177 | 186 | 166 | 109 | 204 | 200 | 201 | 170 | 255 | 235 | 262 | 236 | 361 |
Trong năm nay, nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu cả nước này đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với kết quả năm ngoái.
Với con số đã đạt được trong quý đầu năm, Dược Hậu Giang đã hoàn thành hơn 24% kế hoạch doanh thu và gần 35% kế hoạch lãi trước thuế.
Dược Hậu Giang tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 2/9/1974 và là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và giá trị vốn hóa thị trường.
Vào tháng 5/2016, Công ty Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã rót 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần của Dược Hậu Giang tại mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Đến giữa năm 2019, đối tác Nhật này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của hãng dược lớn nhất Việt Nam.
Đây là thương vụ đã được Taisho theo đuổi nhiều năm và phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối Dược Hậu Giang. Sau khi về tay người Nhật, doanh thu công ty ghi nhận ở mức quanh 4.000 tỷ đồng/năm.
Đến cuối quý I, tổng tài sản của hãng dược này vào khoảng hơn 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 6% kể từ đầu năm. Trong đó, công ty sở hữu lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tương đương tiền lên tới 2.538 tỷ đồng, chiếm tới 46% tổng tài sản.
Ngược lại, tổng nợ vay của Dược Hậu Giang chỉ là 273 tỷ đồng và hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu hãng dược phẩm này đạt 4.653 tỷ đồng, bao gồm 1.379 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 1.959 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Nhờ đà tăng trưởng tích cực trong kinh doanh mà cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Trong phiên cuối tuần 21/4, cổ phiếu này đã tăng kịch trần lên 98.900 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư mua lớn và là mã có tác động lớn nhất tới chỉ số chứng khoán sàn HoSE.
Hiện giá trị vốn hóa của công ty này đã tăng vọt lên hơn 12.900 tỷ đồng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...