Dùng tia laser đưa chân dung nàng Mona Lisa vào vũ trụ
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thực hiện thành công việc mã hóa và sử dụng tia laser để truyền dữ liệu bức chân dung nàng Mona Lisa tới vệ tinh đang làm việc trong không gian.
NASA cho biết, bức họa nổi tiếng nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci được truyền vào vũ trụ bằng tia laser từ Trung tâm Không gian Goddard, Mary Land tới vệ tinh thăm dò mặt trăng Reconnaissance Orbiter. Theo đó, những hình ảnh chất lượng cao được máy phát tia laser cực mạnh truyền từ mặt đất, qua 380.000 km tới vệ tinh đang làm việc trên quỹ đạo mặt trăng.
Sử dụng tia laser để truyền dữ liệu giúp mở ra kỷ nguyên truyền thông tin mới. |
Nhà nghiên cứu chính, David Smith thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Đây là lần đầu tiên việc sử dụng tia laser để truyền dữ liệu một chiều ở khoảng cách giữa các hành tinh được tiến hành”. Để việc này diễn ra tốt đẹp, việc mã hóa bức họa nàng Mona Lisa là một trong những khâu không thể bỏ qua. Các nhà khoa học buộc phải đã chia nhỏ bức họa tới 30.400 điểm ảnh trước khi nhập dữ liệu để máy phát laser đưa vào không gian.
Các điểm ảnh được máy phát truyền tới vệ tinh theo thứ tự từ trên xuống dưới, trái qua phải. Sau khi nhận bức ảnh hoàn chỉnh, vệ tinh sẽ truyền lại bức họa về mặt đất với đường truyền đạt 300 bits/giây. Tuy nhiên, bầu khí quyển trái đất gây ra sự nhiễu loạn đối với các hình ảnh mà con người nhận được, chính vì vậy, sản phẩm mà vệ tinh gửi về trái đất xấu hơn so với hình ảnh được gửi đi.
Dù vậy, việc sử dụng tia laser để chuyển dữ liệu vào không gian được coi là thành công bởi nó sẽ tăng tốc đáng kể việc truyền dữ liệu từ các trạm mặt đất tới các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ trong không gian. Không chỉ các vệ tinh ở quỹ đạo gần mà những tàu thăm dò ở khoảng cách xa cũng có cơ hội nhận thông tin một chiều từ trái đất nhanh hơn so với những cách hiện đang được sử dụng.
NASA cũng hy vọng, việc sử dụng tia laser để truyền dữ liệu sẽ mở ra một kỷ nguyên thông tin liên lạc mới so với công nghệ truyền thông hiện nay. Trong tương lai gần, nó có thể thay thế cách liên lạc qua sóng radio và xa hơn là liên lạc bằng hình ảnh hoặc video. Nó cũng có thể là chìa khóa cho việc cung cấp các loại dữ liệu video độ nét cao từ tới các vệ tinh đang hoạt động trong hệ mặt trời. Nó được coi là chìa khóa truyền thông quang học trong tương lai không xa.
Hồng Duy
Theo Infonet