Dùng thuốc trừ sâu bệnh cho lúa tưới rau ngót
Các loại thuốc Scor 250 EC, Monofos 250 EC, Marshal, Emasuper… dùng phun tưới rau ngót đều là thuốc trị sâu bệnh cho lúa. Hầu hết trên bao bì của các sản phẩm này đều ghi rõ: “nguy hiểm”, “độc cao”.
Để tìm hiểu thực tế người nông dân đang sản xuất rau ngót như thế nào? Phóng viên đã về vùng sản xuất rau ngót lớn nhất của Hà Nội là huyện Hoài Đức để tìm hiểu.
Dùng thuốc trị bênh cho lúa để phun, tưới rau ngót. |
Đến ruộng rau ngót của anh Nguyễn Đình Dũng ở thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, đúng vào lúc anh đang cắt gói thuốc trừ sâu đổ vào bình chuẩn bị phun cho ruộng rau nhà mình. Thấy chúng tôi hỏi về nguồn gốc thuốc, anh Dũng thành thật: "Thực tình khi đến cửa hàng thuốc trừ sâu, tôi chỉ nói triệu chứng bệnh của rau, rồi người ta đưa thuốc về phun. Còn tên thuốc là gì và sản xuất ở đâu, thì tôi không biết...".
Theo anh Dũng, đối với rau ngót, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lần 1 phải phun ít nhất 2 lần thuốc trị nấm, sâu xanh và bệnh xoắn lá. Còn sau khi thu hái xong, để rau phát triển tầm 10 -15 ngày lại tiếp tục phun thuốc và bón phân chăm sóc.
Cùng thôn với anh Dũng, hộ gia đình nhà bà Nguyễn Thị Mè có hơn 2 sào rau ngót đang chuẩn bị thu hoạch. Ruộng rau của bà không xanh tốt như các ruộng khác, mà đang bị bệnh nấm gây vàng lá. Bà Mè cho biết: “Từ khi thấy ruộng rau bị nấm, tôi mua thuốc về phun đi phun lại mà mãi không khỏi. Cũng không riêng nhà tôi, có nhà mua thuốc diệt cỏ về phun còn làm chết cả ruộng rau”.
Lần theo thông tin mà các hộ dân cung cấp, chúng tôi tìm đến một số cửa hàng bán thuốc BVTV ở Vân Côn. Quả thực, muốn mua thuốc BVTV ở đây không khó, thậm chí thuốc còn được bán ở ngay đầu thôn Vân Côn với 3 – 4 cửa hàng.
Vào một cửa hàng hỏi mua, sau một hồi nói tên bệnh rau, chủ của hàng đã lấy đưa ra cho chúng tôi một loạt các loại thuốc như thuốc trị nấm, trị sâu xanh, sâu cuốn lá. Nhiều loại như: Scor 250 EC, Monofos 250 EC, Marshal, Emasuper… có thông tin ghi trên trên bao bì chủ yếu dùng trừ bệnh và sâu cho lúa, và hầu hết trên bao bì của các sản phẩm này đều ghi rõ: “nguy hiểm”, “độc cao”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Anh – Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết: “Theo quy định, thuốc BVTV phải ghi rõ trên nhãn mác, bao bì các thành phần, tính chất. Còn về độc, không có thuốc nào không độc, người sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn trên bao bì, không đủ thời gian cách ly là vi phạm”. Cũng theo ông Anh, nếu thời gian phun thuốc cách 5-7 ngày trước khi người dân thu hoạch, thì vẫn đảm bảo an toàn.
Ông Anh cũng cho biết thêm, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 150ha rau ngót, trồng ở hầu hết các huyện chứ không tập trung như các sản phẩm rau, củ, quả khác. Do đó, việc kiểm soát rau ngót tận gốc như các sản phẩm khác sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV, lý do người trồng phun thuốc lên rau ngót chủ yếu là do cây bị nhện phá hoại và để trị virus làm xoăn lá. “Thực ra, chúng không ảnh hưởng tới chất lượng rau nhưng vì muốn rau đẹp, nên bà con vẫn cứ phun” - ông Hồng nói.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Hiện nhiều người dân có quan niệm trong thuốc trừ sâu có cả chất kích thích sinh trưởng, nên nhiều khi không có sâu, bệnh người trồng rau cũng phun thuốc để cho rau nhanh tốt, xanh lá”.
Mới đây, qua lấy mẫu ngẫu nhiên 94 mẫu rau ở một số vùng sản xuất trên địa bàn Hà Nội để kiểm tra chất lượng, Chi cục BVTV Hà Nội đã phát hiện 3 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng tối đa cho phép, trong đó có một mẫu rau ngót. Trong khi đó, theo Cục BVTV (Bộ NNPTNT), kiểm nghiệm ngẫu nhiên 25 mẫu rau ngót bán tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, đã phát hiện có tới 7 mẫu chứa dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép.
Theo Dân Việt