Chiều 8/7, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo. Tại TP.HCM, sở GD&ĐT và sở Y tế cũng thông tin về kỳ thi trên địa bàn.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp.
Bộ GD&ĐT thực hiện các nhiệm vụ chính trong tổ chức kỳ thi như ban hành quy chế, ra đề... Các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về khâu tổ chức ở địa phương mình từ khâu đăng ký thi đến tổ chức thi. Kỳ thi được tổ chức đảm bảo mục tiêu kép.
Hủy bài thi của thí sinh lên mạng nhờ giải đề Toán
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng, thí sinh được tuyên truyền để thực hiện tốt quy chế. Số lượng thí sinh vi phạm quy chế đến mức đình chỉ thi giảm, có 18 em, thấp hơn so với các năm trước.
Ông Mai Văn Trinh thông tin, trong buổi thi Toán, xuất hiện thông tin đề thi Toán lọt ra ngoài, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Công an quyết liệt vào cuộc. Hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được thí sinh này mang điện thoại vào, tại điểm thi trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình. Công an tiếp tục xác minh, căn cứ vào quy chế, sẽ xử lý nghiêm túc. Bộ sẽ thông tin tiếp khi có kết luận.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng với đề thi Toán là tình trạng lọt đề (sau khi bóc đề niêm phong, bắt đầu làm bài) chứ không phải lộ đề (trước khi bóc đề niêm phong, thí sinh chưa làm bài). Thí sinh kết thúc làm bài lúc 16h nhưng đề thi lọt lên mạng xã hội lúc 15h55 phút. Em này đã bị đình chỉ, hủy kết quả thi.
Ông Trinh cho biết thêm, giáo viên trong vụ Lệ Thủy, Quảng Bình cần viết tường trình xem trách nhiệm đến đâu, không được tiếp tục làm công tác thi.
"Mong muốn của những người làm giáo dục là tổ chức kỳ thi lý tưởng nhất là hơn 1 triệu thí sinh đều đảm bảo quy chế. Nhưng có trường hợp không mong muốn nên phải có chế tài xử lý", ông Mai Văn Trinh nói.
Ông Mai Văn Trinh thông tin giáo viên trong vụ ở điểm thi thuộc Lệ Thủy, Quảng Bình cần viết tường trình xem trách nhiệm đến đâu khi để lọt đề thi Toán. Ảnh: Thế Đại. |
Địa phương đề xuất thời gian thi đợt 2
Tại địa phương, công tác tổ chức thi cũng thực hiện tốt. Các tỉnh đều lên phương án khả thi để ứng phó với dịch như tiêm vaccine cho cán bộ tham gia kỳ thi, xét nghiệm cho thí sinh, giám thị, tất cả tỉnh thành đều triển khai đồng bộ các biện pháp như có phòng thi, điểm thi dự phòng, có đội ngũ y tế thường trực để ứng phó với tình huống xuất hiện thí sinh nghi nhiễm, trang bị nước rửa tay, tiến hành khử khuẩn, làm công tác tư tưởng để phụ huynh không tụ tập…
Bộ GD&ĐT họp báo chiều 8/7. Ảnh: Thế Đại. |
Tại Nghệ An, ông Mai Văn Trinh cho biết lý do thí sinh F1 được đi thi do căn cứ tình hình cụ thể, nguyện vọng của thí sinh, địa phương chủ động quyết định. Tương tự, việc TP.HCM tổ chức thi là quyết định mang tính thực tiễn, phù hợp với địa phương.
Như vậy, nhiều địa phương chủ động ứng phó tình huống phát sinh, làm chủ kỳ thi.
Cục trưởng Khảo thí Chất lượng thông tin, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh phức tạp cần các bài học như làm chủ tình thế, ngân hàng câu hỏi dày dặn, địa phương chuẩn bị chu đáo. Bài học thứ hai là sự phối hợp nhiều ngành, trong đó có ngành công an, giáo dục, y tế, giao thông. Thứ ba, chúng ta luôn đặt học sinh vào trung tâm, mọi lựa chọn xuất phát từ nhu cầu của học sinh.
Về thi đợt 2, ông Mai Văn Trinh cho hay bộ GD&ĐT đã có công văn cho các hội đồng thi, đặc biệt là các tỉnh có thí sinh chưa thi đợt 1 phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trước hết là chấm thi, bám sát tình hình, đặc biệt tâm tư nguyện vọng của thí sinh để đề xuất lên ban chỉ đạo thi quốc gia nhằm xem xét thời gian tổ chức thi.
Theo kinh nghiệm từ năm ngoái, đợt 2 sẽ được tổ chức trên tinh thần đảm bảo nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi cho thí sinh. Ông khẳng định bộ không bị động. Bộ đã phối hợp Bộ Y tế để xác định một “điểm rơi” cho đợt 2.
Chấm thi tốt nghiệp THPT từ ngày mai
Trước câu hỏi của Zing về việc đề thi thành phần của tổ hợp Khoa học Tự nhiên được đánh giá khó hơn đề thi tham khảo, không phù hợp với tình hình dịch bệnh, ông Mai Văn Trinh thông tin, đề thi khó dễ không có gì bất ngờ vì việc đánh giá còn phụ thuộc vào chủ quan con người.
Đề thi được ra theo ma trận, người ra đề xác định mức độ khó dễ theo ma trận đó. Ma trận được xây dựng trên cơ sở phù hợp mục tiêu của kỳ thi, có số lượng số lượng câu hỏi khó - dễ. Những đánh gía cuối cùng của đề thi cần đến khi có kết quả mới trả lời được.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi, có thành viên của bộ và trường đại học, kiểm tra tất cả khâu.
Ngày mai, có địa phương đã bắt đầu chấm thi. Đoàn của bộ sẽ có mặt từ đầu đến khi hoàn thành, dự kiến 10-15 ngày. Đoàn của sở cũng tham gia để đảm bảo khâu chấm thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thí sinh chưa thi đợt 1, sẽ tuyển sinh thế nào?
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học giải đáp thí sinh F0 đã được đặc cách tốt nghiệp. Nếu có nguyện vọng các em có thể tham gia thi đợt 2 và xét tuyển bằng điểm thi.
Trong trường hợp xấu nhất, các em còn nhiều phương thức xét tuyển khác đang được các trường áp dụng.
Cơ hội dành cho các em vẫn rất nhiều khi chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức khác chiếm đến 40% tổng chỉ tiêu toàn ngành", bà Thu Thủy thông tin.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm ngoái, hai đợt thi tiến hành chậm hơn năm nay nên vẫn còn quỹ thời gian. Trong trường hợp bất khả kháng, đợt 2 ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các trường trao đổi để đưa ra phương án tốt nhất cho ban tuyển sinh.
Chiều 8/7, thí sinh hoàn thành bài thi Ngoại ngữ - môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Tính đến hết ngày 7/7, 23.786 thí sinh không thể dự thi vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một số điểm thi tại TP.HCM xuất hiện thí sinh mắc Covid-19 hoặc dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến hết ngày 7/7, 6 điểm thi tại đây có thí sinh là F0, F1.
Bắc Giang, Phú Yên, Đồng Tháp có điểm thi phải dừng thi do liên quan ca mắc Covid-19.