Quận ủy quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có thông báo số về kết luận của Thường trực Quận ủy về việc sắp xếp lại địa điểm kinh doanh khu vực mặt tiền chợ Đồng Xuân và tuyến phố đi bộ Đồng Xuân - Hàng Khoai và dự án cải tạo mặt đường các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đối với đề xuất cải tạo mặt đường 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ nhưng việc lát đá trong giai đoạn này chưa khả thi bởi UBND TP chưa phân cấp việc quản lý lòng đường cho quận Hoàn Kiếm.
Chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 mét phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Trà My. |
UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc lát đá mặt đường phải thực hiện đồng bộ với cải tạo hạ tầng liên quan, trong khi nguồn lực kinh tế của quận không đủ đáp ứng yêu cầu đầu tư.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND TP phân cấp cho quận quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư đồng bộ khu vực phố cổ hiện nay. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, nhà khoa học xây dựng phương án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị tại phố cổ Hà Nội.
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị UBND TP cho phép lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ gồm: Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách quận. Thời gian thực hiện 2015 - 2016.
Chiều 17/8, ông Phạm Tuấn Long, Phó ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, 11 tuyến phố được đề xuất lát đá lòng đường có tổng chiều dài khoảng 2,2 km. Theo ông Long, năm 2010, chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 mét phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương cho rằng, việc lát đá ở phố cổ Hà Nội chưa đúng thời điểm. Bởi lúc này, phố cổ Hà Nội có rất nhiều việc cần phải ưu tiên làm trước, chẳng hạn như phải hình thành văn hóa quảng cáo, hay tình trạng mái che, mái vẩy cũng cần phải ưu tiên làm trước.