Tổng đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ với Zing.vn về những điều anh tiếc nuối và cả lý do giữ bí mật nội dung khi làm Táo quân 2016.
|
- Đêm ghi hình Táo quân 2016 vừa kết thúc, báo chí có than phiền, tác nghiệp tại Táo quân rất khó bởi những người thực hiện chương trình muốn giữ bí mật nội dung cho đến khi chương trình lên sóng đêm giao thừa. Phải chăng, vì lo sẽ có những vấn đề "động chạm" và sẽ bị "can thiệp" trước khi lên sóng?
- Chúng tôi không chủ đích gây khó khăn cho tác nghiệp báo chí vì bản thân mình cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này nên rất chia sẻ với các bạn phóng viên. Cái khó là Táo Quân khi tiến hành sản xuất luôn có những thông tin, dự đoán, đôi khi là "thêm thắt và phóng đại" về nội dung chương trình sẽ khai thác... vô hình chung làm nhóm nội dung bị tác động một cách không cần thiết. Chưa kể, kịch bản Táo quân luôn được cập nhật, chỉnh sửa cho đến tận từng đêm ghi hình.
Thực tế đã xảy ra, sau buổi tổng duyệt, ê kíp còn tiếp tục chỉnh sửa, cắt gọn và tập lại với các nghệ sỹ để thay đổi cho hiệu quả hơn, nhưng ngay lập tức, các thông tin về chương trình chưa điều chỉnh đã được liệt kê chi tiết, từ đó dẫn đến sự suy diễn là: Ai đó đã can thiệp nên phải cắt bỏ, phải có lý do gì thì bản phát sóng mới khác bản diễn lúc tổng duyệt, ghi hình... Do vậy chúng tôi không muốn đưa thông tin về Táo quân từ quá sớm. Còn một lý do khác là vì sợ yếu tố bất ngờ không còn, chương trình sẽ giảm đi tính hấp dẫn với khán giả truyền hình.
- Trong cuộc trò chuyện mới đây với phóng viên Zing.vn, MC Thảo Vân có chia sẻ, những người thực hiện Táo quân không chỉ chịu sức ép từ khán giả, còn phải chịu sức ép từ nhiều phía "bên trên" về kịch bản, nội dung phản ánh. Đã có "sức ép" nào can thiệp trực tiếp với anh trong quá trình 13 năm làm Táo quân?
- Nếu chịu nhiều sức ép như bạn đề cập thì chắc Táo quân đã không thể tồn tại suốt hơn 10 năm qua. Tất nhiên, chúng tôi có nhiều sức ép. Thứ nhất, bất cứ người sản xuất nào cũng mong muốn sản phẩm mình làm ra không bị biên tập, cắt sửa, nhưng nếu là người làm chuyên nghiệp, hiểu tính chất công việc thì phải coi điều đó là bình thường.
Đơn giản như một chương trình phóng sự với thời lượng 2-3 phút, sau khi làm xong, vẫn phải có người kiểm duyệt, vậy nói gì đến Táo quân, một chương trình có sự ảnh hưởng nhất định đến số đông khán giả. Thứ hai, ê kíp cũng chịu sự tác động từ chính các nghệ sĩ vì họ luôn muốn vai diễn của mình sinh động, có nhiều mảng miếng để thể hiện, kịch bản viết xong đến lúc tập lại bổ sung, viết lại cũng vì một phần như vậy... Chỉ cần nêu 2 lý do trên thì đã thấy, chương trình chịu nhiều sức ép là đương nhiên thôi.
Các nghệ sĩ tham gia Táo quân 2016. Ảnh: VTV |
- Sau đêm ghi hình Táo quân năm nay, có ý kiến cho rằng, họ rất thích phần Táo quân làm về vấn nạn tham nhũng, hối lộ, việc "con ông cháu cha" được cất nhắc lên những vị trí cao. Cá nhân anh thấy việc chống tham nhũng của Táo quân 2016 đã đủ "độ" so với thực tế cuộc sống?
- Táo quân là chương trình hài kịch mang nhiều yếu tố văn nghệ, giải trí chứ không phải là chương trình chính luận, điều tra, phân tích chi tiết các vấn đề tiêu cực rồi tìm ra giải pháp khắc phục. Do vậy, chúng tôi chỉ làm công việc sáng tạo lại từ các vấn đề đã được báo chí đề cập, chuyển hóa nó thành tình huống kịch mang yếu tố hài hước. Nói một cách khác là dùng tiếng cười trào lộng để phê phán, nhắc nhở về những vấn đề tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội. Đừng khoác lên Táo quân một chiếc áo quá rộng và đòi hỏi nó phải gánh vác những nhiệm vụ quá lớn lao.
Nhiều khi, chính sự kỳ vọng quá lớn rồi vô tình, đưa chương trình đi ra khỏi vai trò giải trí vui vẻ. Như vậy là làm khó cho người sản xuất.
- Vậy có điều gì mà anh thấy tiếc khi chưa phản ánh được trong Táo quân năm nay?
- Tất nhiên là có. Với ý tưởng kịch bản đã đặt ra, chúng tôi không thể quá ôm đồm và đòi hỏi hiện tượng nào xảy ra cũng sẽ đưa hết vào. Hoặc do tiêu chí của Táo quân là dùng tiếng cười để châm biếm cái xấu, nên nhiều việc tốt trong xã hội đã không được đề cập. Chúng tôi đang cân nhắc xem có nên thay đổi format (kịch bản) để bên cạnh cái xấu, Táo quân cũng đề cập cả những điểm tích cực, những việc làm tốt trong xã hội.
- Táo Quân đã đi được 1 hành trình suốt hơn 10 năm với đủ thăng trầm. Năm 2015, Táo Quân ngay sau khi lên sóng trong đêm giao thừa, đã nhận những bài phê bình nặng nề từ các báo vào sáng 1 Tết. Đã 1 năm trôi qua, có lẽ đã đủ độ lùi thời gian để anh nhìn lại Táo Quân 2015 và để có một câu trả lời chân thực, khách quan về nó...?
- Tôi rất biết tình cảm mà khán giả dành cho Táo quân của VTV khi phát sóng mỗi năm. Thậm chí, khán giả luôn mong đợi được xem nhiều hơn những gì chúng tôi có thể làm. Đấy cũng là sự khích lệ để chúng tôi duy trì chương trình trong nhiều năm qua, vượt qua nhiều thách thức để thực hiện.
Tuy nhiên, dù chúng tôi đã cố gắng nhưng không phải lúc nào mình cũng sáng tạo được như mong muốn của khán giả. Tôi nghĩ, làm chương trình có yếu tố nghệ thuật và phải sáng tạo từ kịch bản đến dàn dựng biểu diễn, việc không thành công ở một lúc nào đó có thể hiểu được. Quan trọng là chính người trong cuộc biết lý do của nó, vì sao chưa được, để lần sau mình rút kinh nghiệm, làm tốt hơn. Những người góp ý, phê phán không vào làm thay mình nên mình luôn coi đó là ý kiến để lắng nghe và tự mình quyết định cách xử lý cho công việc của mình tốt hơn.
"Táo quân chỉ là một chương trình văn nghệ, giải trí, đừng khoác cho nó một cái áo quá rộng" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Ảnh: VTV |
- Việc sản xuất một chương trình trong suốt hơn 10 năm, áp lực trước độ nhạt, độ nhàm chán của chương trình tác động đến những người thực hiện như thế nào?
- Tôi lại nghĩ con số hơn 10 chương trình Táo quân đã được thực hiện mang đến một ý nghĩa tích cực, nó thể hiện chất lượng mà chương trình đã duy trì được trong nhiều năm qua để làm nên một thương hiệu như vậy.
Chúng tôi sẽ không được đầu tư chi phí để làm ra một chương trình mà khán giả không mong muốn xem. Bởi vậy, nếu thấy khó khăn hay vì những ý kiến nào đó mà nản lòng thì người sáng tác dễ đánh mất bản lĩnh làm nghề. Tất nhiên, sự khiêm tốn, biết lắng nghe và học hỏi phải luôn được đề cao chứ không thể cứ tự vỗ ngực " con hát mẹ khen hay ". Và theo tôi biết thì mỗi dịp cuối năm, ngoài VTV sản xuất Táo quân, còn nhiều Đài TH khác cũng thực hiện Táo quân. Khán giả sẽ luôn có sự lựa chọn của mình để đợi xem những chương trình chất lượng, đó cũng là sự cạnh tranh mà chúng tôi phải luôn nỗ lực làm tốt nhất trong khả năng của mình.
- Khán giả thích Táo quân vì sự châm biếm, đả kích sâu cay những thói hư tật xấu. Cá nhân anh kỳ vọng như thế nào vào việc Táo quân có thể làm thay đổi thực tế cuộc sống bằng... tiếng cười?
- Mỗi thể loại chương trình truyền hình có những nhiệm vụ khác nhau và có những đối tượng xem khác nhau. Táo quân vẫn được xem như một chương trình văn nghệ, điểm nổi bật là cách tạo ra tiếng cười từ diễn xuất, nội dung lời thoại..
Táo quân có thể được khán giả yêu thích vì yếu tố giải trí, xem để cười vui vẻ, cũng có thể vì họ thấy những thông điệp nội dung phù hợp với suy nghĩ của mình, hoặc cũng có đối tượng khán giả thích xem Táo quân vì họ được thấy các nghệ sỹ hài mà mình yêu mến thể hiện tài năng qua các vai diễn...
Và số đông khán giả bao lâu nay yêu mến chương trình Táo quân, đơn giản vì họ thấy tiếng cười của chương trình có sự sâu sắc, thâm thúy, gắn với những điều họ quan tâm trong cuộc sống. Chỉ như vậy là đủ, đâu cần phải đặt ra mục tiêu lớn lao: Táo quân sẽ thay đổi cuộc sống của khán giả như thế nào?!
Chương trình Táo quân sẽ được phát sóng trên VTV lúc 20h giao thừa (tức ngày 7/2).Lần đầu tiên khán giả có thể vừa xem truyền hình vừa tương tác qua điện thoại để nhận “lộc” xuân hấp dẫn. Theo nguồn tin, tổng giá trị chương trình khoảng trên 450 tỷ đồng.
Trong lúc xem Táo quân 2016, khán giả chỉ cần mở ứng dụng Zalo trên di động để tương tác với chương trình. Song song với việc phát sóng chương trình trên kênh truyền hình quốc gia, 6 triệu phần lộc cũng được phát trên Zalo trong đêm giao thừa chào năm mới. Hoạt động này là sự kết hợp của Zalo và Táo quân nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hiện đại, tạo ra niềm vui cho khán giả, người dùng Zalo trước thềm năm mới Bính Thân 2016.