Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chấp thuận ngừng thực hiện dự án đoạn nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT.
Lãnh đạo TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ động trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thủ tục liên quan về ngừng thực hiện các dự án PPP trên địa bàn. Từ đó, Sở KHĐT tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trong tháng 7 này.
Sở KHĐT có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM, để bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, sở đề xuất ban giao thông để đơn vị thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Sau khi được giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, ban giao thông có nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án; đồng thời, đơn vị nghiên cứu dự án theo hình thức BOT và xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường vành đai 3 TP.HCM, nhưng không làm ảnh hưởng phần giải phóng mặt bằng của dự án đã thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh quản lý chặt chẽ phần nhà đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng để không bị lấn chiếm.
Dự án nằm tại huyện Bình Chánh được triển khai từ cuối năm 2015 với chiều dài 2,7 km. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Lãnh đạo TP.HCM cũng giao Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện Bình Chánh có văn bản góp ý từng nội dung theo đề nghị của nhóm công tác liên ngành trước ngày 10/7. Sau đó, các sở gửi công văn cho Sở Giao thông Vận tải báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM.
Dự án đường nối được Bộ GTVT phê duyệt năm 2010, với vốn gần 2.400 tỷ đồng. Quy mô công trình có 2 đường song hành, mỗi đường một làn hỗn hợp và một làn ôtô.
Tháng 4/2015, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Năm 2016, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh được TP.HCM chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm còn 1.550 tỷ đồng.
Trong đó, TP.HCM lo phần giải phóng mặt bằng khoảng 560 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Tuy nhiên, do thiếu vốn, sau gần 6 năm, dự án chỉ đạt 12% và hiện là con lộ đất rộng vài mét, được phủ một lớp đá.
Công ty Yên Khánh - liên quan Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”) - trúng đấu thầu dự án thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương không thông qua đấu giá. Cơ quan điều tra xác định Công ty Yên Khánh không có vốn, không có cơ cấu. Tổ chức này lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời.
Ông Đinh Ngọc Hệ đang chịu án chung thân trong vụ án đấu thầu, thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và một vụ án trước đó.
Hồi tháng 1/2021, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất thủ tục tiếp nhận lại dự án, chấm dứt hợp đồng BOT và xử lý những vi phạm của nhà đầu tư tại hợp đồng.
Đến tháng 2 năm nay, Sở GTVT tiếp tục có công văn đàm phán chấm dứt trước hạn hợp đồng BOT giai đoạn 1 của dự án.