Bất chấp những cải tiến của các nhà sản xuất, đèn flash trên smartphone vẫn không giúp tạo ra một tấm ảnh đẹp hơn. Những bức ảnh chụp bằng flash thường có chất lượng kém, từ màu sắc đến chi tiết đều bị nhòe, mờ.
Sự khác biệt này đến từ bản chất của đèn flash trang bị trên smartphone. Điện thoại thường sử dụng bóng LED. Loại đèn này có độ sáng tốt, tiết kiệm điện năng và quan trọng nhất là có kích thước siêu nhỏ, phù hợp với smartphone.
Flash của iPhone 7 và 8 (bên phải) cho thấy sự cải thiện đáng kể chất lượng đèn trên điện thoại. Ảnh: Popsci. |
Trong khi đó, đèn flash của máy ảnh chuyên nghiệp thường sử dụng bóng xenon. Loại khí trơ này được cung cấp năng lượng bởi một tụ điện, đạt điện thế rất cao, xả luồng điện cực nhanh nhằm biến khối khí xenon thành trạng thái plasma trong nháy mắt và phát sáng.
Ánh sáng phát ra từ đèn flash máy ảnh thường chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Ví dụ, một số đèn studio cao cấp như Profit B2 có tốc độ nháy flash tới 1/63.000 giây.
Ngay cả đèn flash từ một máy ảnh compact vẫn ngắn hơn 1/1.000 giây. Những chùm ánh sáng siêu ngắn làm đóng băng khung hình và khử được độ nhòe trong khi bấm nút chụp do độ run của tay người.
Với smartphone, đèn LED lại có thời gian bật tắt khá dài. Điều này khiến ảnh bị nhòe do run tay hoặc đối tượng chuyển động trong lúc chụp.
AI đang thay cho đèn flash
Hhiện tại, gần như mọi smartphone cao cấp đều được trang bị các thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh. Chẳng hạn, iPhone và Google Pixel sẽ chụp vài bức ảnh mỗi lần nhấn nút, sau đó kết hợp dữ liệu từ nhiều ảnh để tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh duy nhất.
Không phải không thể trang bị đèn flash xenon cho điện thoại, nhưng nó sẽ tạo ra nhiệt dư thừa và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn đáng kể so với đèn LED. Pin điện thoại sẽ cạn rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng.
Ảnh mờ nhòe do đối tượng di chuyển. Ảnh: Popsci. |
Một nguyên nhân khác khiến ảnh xấu nằm ở nhiệt độ màu. Đèn LED thường sinh ra ánh sáng trắng xanh, trong khi đèn xenon cho ánh sáng trắng đỏ. Dù các thuật toán đã cải thiện việc khử màu khá tốt và cho ra ánh sáng gần như trắng, kết quả là ánh sáng flash vẫn chưa tự nhiên lắm bởi đèn LED quá yếu.
Ngay cả một đèn flash xenon nhỏ cũng có thể phát ra ánh sáng đủ mạnh nhờ tụ điện. Điện năng được tích lại cho tới khi năng lượng đủ làm nóng khối khí lên đến trạng thái plasma và đảm bảo độ sáng của đèn.
Thời gian tích điện chính là lý do đèn flash không thể chiếu sáng liên tục như đèn pin. Trên các điện thoại di động, đèn flash thường được sử dụng như đèn pin, nên về cơ bản người ta không thể áp dụng công nghệ tích điện vì bóng đèn sẽ sớm quá nhiệt và phát nổ.
Các giải pháp không dây thay thế
Một số nhà sản xuất đã chế tạo loại đèn flash rời. Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, thậm chí được kết thành vòng để chụp macro hoặc quay video blog.
Loại đèn gắn ngoài này do không lệ thuộc vào nguồn pin điện thoại nên có thể được trang bị công nghệ tích điện và dùng khí xenon. Tuy nhiên chúng lại gặp phải vấn đề khác là thời gian đồng bộ.
Nếu đèn flash và máy ảnh không được đồng bộ, rất có khả năng máy ảnh đã chụp rồi flash mới nháy hoặc ngược lại.
Đèn flash gắn ngoài Lit flash đang được gây quỹ trên Kickstarter. Ảnh: Popsci. |
Những ý tưởng về đèn flash gắn ngoài đều gặp phải vấn đề đồng bộ 2 thiết bị qua sóng radio. Ví dụ, loại đèn Lit Flash gắn ngoài cho điện thoại đang được rao bán 329 USD trên Kickstarter sử dụng giao thức Bluetooth thay vì băng tần 2,4 GHz như các đèn flash trên máy ảnh.
Nguyên nhân bởi rất khó để kết nối Wi-Fi với điện thoại (chỉ có thể chia sẻ mạng thông qua chức năng hotspot), khiến nhà sản xuất buộc phải dùng Bluetooth cho đơn giản. Nhưng như vậy thiết bị sẽ có độ trễ vì sóng Bluetooth nổi tiếng là chập chờn.
Có thể trong tương lai công nghệ sẽ cho phép các bóng đèn lai giữa xenon và LED ra đời. Còn ở hiện tại, chúng ta đã có các thuật toán chụp tối khá tốt trên các smartphone của Google, Samsung, Huawei… Chúng hoàn toàn có khả năng cho ra các bức ảnh tối với chất lượng tốt.