Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dùng hàng nhái vì áp lực phải sống sang chảnh

Muốn chứng tỏ đẳng cấp, xây dựng hình ảnh giàu có, nhiều người trẻ tuổi sẵn sàng mua đồ hiệu giả, kém chất lượng. Họ coi đây là cách giúp tiết kiệm tiền mà bản thân vẫn sành điệu.

Dung do hieu fake vi ap luc song sang chanh anh 1

Mới nổi tiếng từ show hẹn hò Địa ngục độc thân chưa lâu, thí sinh nổi tiếng nhất Song Ji A đã vướng vào lùm xùm dùng đồ hiệu nhái, bị khán giả Hàn Quốc lên án và đòi tẩy chay vì coi thường, lừa dối công chúng.

Sau khi thừa nhận việc dùng đồ fake và xin lỗi, Song Ji A đã xóa hơn 100 bài viết trên trang cá nhân, chủ yếu là hình ảnh cô diện đồ nhái của các nhãn hàng xa xỉ như Chanel, Dior và Rolex.

Theo chuyên gia, lý do Song Ji A dùng hàng giả là bởi áp lực duy trì hình ảnh sang chảnh.

“Việc ngày càng nổi tiếng khiến cô ấy gặp khó khăn trong việc tiếp tục đăng tải nội dung mới. Tuy nhiên, không dễ để nhận được tài trợ từ những thương hiệu sang trọng như Chanel. Càng khó để tự mua sắm mọi thứ và có vẻ cô ấy đã làm liều”, chuyên gia nhận định với Sports Chosun.

Dung do hieu fake vi ap luc song sang chanh anh 2

Trước khi bị tố dùng đồ hiệu nhái, trang cá nhân của cô gái sinh năm 1997 đầy ắp hình ảnh Ji A diện đồ có in logo của các thương hiệu xa xỉ.

Để có hình tượng đẹp đẽ trên mạng xã hội, những người có đông lượt follow như Ji A và nhiều người trẻ khác không ngại bỏ công sức tô vẽ hình ảnh cuộc sống sanh chảnh, giàu có bằng cách khoe dùng đồ đắt tiền, in hình logo dễ nhận biết của các nhà mốt đình đám.

Tuy nhiên, không hiếm trong số đó là đồ giả, đồ nhái với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hàng hiệu chính gốc, được chủ nhân mua về để phục vụ nhu cầu sống ảo.

Áp lực sống sang chảnh

Tháng 1/2020, một sao mạng có tên Holly Yazdi chia sẻ trên TikTok, hướng dẫn cách mua nhẫn nhái thương hiệu Cartier trên Amazon với giá 20 USD. Con số rất khiêm tốn so với giá tiền 1.650 USD của hàng thật.

Đoạn video có hơn 1 triệu lượt xem sau 1 đêm. Điều thu hút người xem nhiều nhất là những chỗ bán chiếc nhẫn fake, có mẫu mã giống với đồ thật mà nhiều người nổi tiếng đeo.

"Tôi muốn có những món đồ hiệu đắt đỏ nhưng lại không có nhiều tiền. Và sau khi đăng những video này, tôi nhận ra rằng mọi người cũng vậy", cô gái 18 tuổi.

Ngay sau đó, Yazdi làm thêm hàng loạt video review hàng nhái khác, bao gồm đôi giày Gucci có giá 89 USD trong khi hàng thật có giá 1.190 USD.

Dung do hieu fake vi ap luc song sang chanh anh 3

Giới trẻ muốn khoác lên mình những bộ cánh, phụ kiện đắt đỏ, song không phải ai cũng đủ tiền bạc để sở hữu chúng hàng thật.

Trong nhiều nghiên cứu lý giải lý do đông người dùng ưa chuộng hàng hiệu “fake”, nguyên nhân nổi bật nhất vẫn là nhu cầu thể hiện đẳng cấp của bản thân.

Vì con người có xu hướng đánh giá chủ quan về cuộc sống người khác qua những gì thể hiện trên mạng xã hội, sử dụng xa xỉ phẩm là cách dễ dàng gây ấn tượng với người xung quanh. Chúng có thể giúp nói lên mức thu nhập, khả năng tài chính, địa vị, gu thẩm mỹ hay độ chịu chơi của một cá nhân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng chi trả cho những món đồ có mức giá rẻ nhất là vài nghìn USD và khó mua đại trà. Tỷ lệ hàng fake ngày một càng nhiều đơn giản vì số người muốn mua chúng gia tăng.

Theo Jing Daily, đối tượng tiếp cận hàng giả điển hình nhất hiện nay là các bạn trẻ thiếu nguồn tài chính.

Họ hiểu rõ sức ảnh hưởng của xa xỉ phẩm và muốn bắt chước phong cách của những người có thu nhập cao để nâng cao hình ảnh bản thân. Nhóm người mua hàng nhái này không mấy đề cao đến giá trị cốt lõi của hàng hiệu là chất lượng sản phẩm tốt mà chỉ quan tâm đến tên tuổi thương hiệu.

Mong muốn được công nhận nhưng ví tiền eo hẹp, cách dễ dàng nhất là mua hàng fake hoặc super fake.

Đó là lý do thế hệ tiêu dùng trẻ tuổi hài lòng với chuyện bỏ ra số tiền chỉ bằng 1/10 đồ thật nhưng kiểu dáng giống đến 90%. Đổi lại, họ có những bức hình sống ảo, khoe mẽ trên mạng xã hội, nhận những lời tán dương, khen ngợi từ người theo dõi.

Dung do hieu fake vi ap luc song sang chanh anh 4

Lối sống dùng hàng giả của giới trẻ phần nào phản ánh thái độ phớt lờ đến sự phát triển của thời trang hơn bài toán về tài chính.

Ngoài ra, nhóm người dùng trẻ tuổi còn đối mặt với áp lực “thi đua xã hội”, không muốn thua kém bạn bè. Áp lực khi phải giữ thể diện với người khác, người trẻ tìm mua những món hàng hiệu giả thay vì mua hàng thật đắt đỏ.

Đối với nhóm người này, hàng giả giúp tiết kiệm tiền và tạo điều kiện để có tủ đồ cập nhật những xu hướng mới nhất.

Tại Hàn Quốc, những người trẻ 20-30 tuổi hiện vừa là khách hàng chủ lực của thời trang cao cấp lẫn thị trường hàng giả. Cụm từ "Keep up with the Joneses" xuất hiện tại xứ kim chi để nói về việc đua đòi đồ hiệu dù không đủ kinh tế.

Bị bắt vì bán đồ hiệu fake

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện kinh doanh và độ uy tín của các thương hiệu bị đạo nhái, bản thân người dùng đồ fake cũng không đứng ngoài các tác động xấu từ hành vi này.

Trái ngược hoàn toàn với quan điểm hàng giả vô hại và giúp tiết kiệm tiền, các chuyên gia cho biết chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dù mẫu mã, chi tiết y hệt, các bên làm hàng nhái không thể "copy" công nghệ của các nhãn hàng - thứ đảm bảo cho chất lượng của đồ hiệu thật.

Nguy hiểm hơn, sản xuất theo phương thức rẻ tiền khiến hàng nhái chứa hàm lượng hợp chất độc hại cao, gây ra những tổn thương khó phục hồi hoặc nặng hơn là gây ung thư.

Tờ Enews nhận định với tư cách là vlogger, blogger thời trang nổi tiếng Hàn Quốc, hành vi của Ji A rất khó chấp nhận, gây tác động xấu đến giới trẻ.

Việc sử dụng đồ nhái đẩy bản thân cuốn vào mệt mỏi bởi hư danh và những điều không có thật, khi giá trị con người tính bằng giá tiền bộ đồ trên người họ hoặc trang phục có in logo của hãng đắt tiền nào không.

Dung do hieu fake vi ap luc song sang chanh anh 5

Không như số đông nghĩ, việc dùng đồ hiệu nhái vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng.

Trên hết, việc buôn bán, sử dụng đồ nhái là bất hợp pháp. Song Ji A mới đối mặt với việc bị tẩy chay nhưng trên thực tế, đã có những trường hợp các sao mạng xã hội vướng vào rắc rối pháp lý vì liên quan đến đồ hiệu giả.

Tháng 11/2020, hai ngôi sao mạng ở Mỹ Kelly Fitzpatrick và Sabrina Kelly-Krejci bị hãng Amazon kiện vì bán đồ hiệu fake.

Kelly và Sabrina dùng nền tảng này để bán các món hàng nhái Gucci, Dior, Chanel sau khi quảng cáo chúng thông qua tài khoản mạng xã hội. Hai người liên kết với một số người bán bên thứ 3 để quảng cáo, khuyến mại và tạo điều kiện cho việc cung cấp hàng giả.

Để trốn tránh hệ thống phát hiện hàng giả, cả hai đăng hình ảnh gốc của món đồ thiết kế cùng ảnh phong cách chung chung. Họ hướng những người theo dõi mua hàng thông qua "liên kết ẩn", đưa họ đến danh sách trên Amazon.

Sau khi có đơn đặt hàng cho món đồ thông thường, người bán sẽ gửi sản phẩm giả mạo để thay thế.

Trước đó, tháng 8/2020, hot girl tên Liêu Mỗ (27 tuổi) ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) bị cảnh sát xông vào bắt ngay trong lúc đang bán hàng livestream.

Tại cơ sở bán quần áo của hot girl này, cảnh sát thu giữ hơn 3.000 vật phẩm làm giả các nhãn hiệu xa xỉ.

Sau khi trở thành người nổi tiếng trên mạng, Liêu Mỗ nhận lời bán hàng cho nhiều bên cửa hàng. Cô livestream bán hàng hơn 10 tiếng mỗi ngày, kiếm được khoảng 30.000-40.000 nhân dân tệ cho một buổi phát sóng.

Điều đáng nói, Liêu Mỗ chuyên quảng cáo cho các sản phẩm đồ hiệu fake. Người xem được giới thiệu mặt hàng là phiên bản giới hạn, được cô ưu tiên bán với giá khuyến mãi để tri ân.

Sự thật là hot girl thổi phồng giá đồ nhái lên gấp 10 lần.

Để tránh bị điều tra, nhóm của Liêu Mỗ sẽ xóa hết các link mua hàng giả. Cảnh sát mất hơn 2 tháng điều tra mới vây bắt thành công hot girl này và 41 đồng phạm khác.

Cô gái Singapore rước dâu bằng xe taxi của cha

Với gia đình Kavitha Palaniappan, chiếc xe taxi của cha là nguồn sinh kế của cả nhà. Cô chọn nó làm xe rước dâu cho ngày trọng đại như một cách tri ân đến cha mình.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm