Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 10/11, ông Lê Hồng Tịnh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội) cho hay tính khả thi của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện không còn. Thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, kinh tế đang tăng trưởng cao bình quân 7-8%, dự kiến phương án cao tăng trưởng có thể lên tới 9-10%.
Chiều 10/11, Quốc hội họp riêng nghe Bộ trưởng Công thương trình bày dự thảo nghị quyết về việc dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết nêu trên.
Việc có tiếp tục dừng dự án hay không sẽ được Quốc hội thảo luận rồi đưa ra quyết định vào ngày 22/11.
Đồng thời, theo tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì 1 GDP tăng trưởng điện sẽ tăng 2. Trong khi đó, nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính phát triển điện hạt nhân.
Còn ở giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế chỉ dao động 6-7% mỗi năm.
“Hiện, công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên đã hạn chế tiêu tốn năng lượng. Tổn hao ngành điện trước đây rất lớn, khoảng 8-10%, nhưng giờ chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới năm 2021, điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước", ông Tịnh khẳng định.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh trả lời báo chí sáng 10/11. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Vị Phó chủ nhiệm phân tích thêm bên cạnh đó, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…
Theo ông, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng là hợp lý, đúng lúc vì nợ công đang quá trần, nếu không sẽ còn tiêu tốn nữa.
“Tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng thêm. Dừng lúc này còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng. Tất nhiên không đầu tư điện hạt nhân thì có thể đầu tư cái khác để đảm bảo nguồn điện. Một số nước đã nhập máy móc thiết bị rồi còn dừng, mà như thế còn lãng phí nhiều hơn”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng cho rằng đây là "bài học cay đắng" trong vấn đề thẩm định dự án.
“Bây giờ chúng ta không dám đứng ra, không chịu trách nhiệm để dừng thì cứ để diễn ra sau này còn nguy hiểm nữa. Chính phủ đề xuất dừng dự án này, tôi cho là dũng cảm. Khi đưa ra thì cũng nhiều tranh luận, cái gì phân tích hợp lý thì ghi nhận và còn có sự quyết định của Quốc hội nữa”, ông Tịnh nói.
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2009, dự kiến gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW.
Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian lập dự án đầu tư kéo dài thêm khoảng hai năm và tiến độ tổng thể cũng phải điều chỉnh so với dự kiến ban đầu. Lý do được nêu nhiều nhất là các yếu tố liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh.