Sau nhiều ý kiến của người dân về biểu giá điện sinh hoạt lâu nay (6 bậc) bất cập, càng dùng nhiều càng đắt, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã công bố ba phương án biểu giá điện bậc thang mới với các phân tích khá cụ thể.
EVN nêu trước đây VN từng có 7 bậc giá điện sinh hoạt, theo hướng càng dùng nhiều càng đắt, sau đó đã chỉnh chỉ còn 6 bậc. Tuy nhiên, thực tế từ năm 1994 trở lại đây, VN từng có đủ các kiểu bậc thang giá điện sinh hoạt, gồm 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc... Từ chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đưa ra ba phương án mới.
“Càng dùng nhiều càng được lợi”
Phương án đầu tiên là giữ nguyên biểu giá điện hiện hành, EVN công nhận cách tính hiện hành có bất cập. Lấy ví dụ một khách hàng đang dùng 250 kWh/tháng chỉ phải trả khoảng 485.000 đồng, nhưng tháng sau dùng tăng lên thành 350 kWh (chỉ tăng 100 kWh) thì số tiền phải đóng đã gần gấp đôi, thành hơn 746.000 đồng. Càng dùng nhiều càng đắt, EVN công nhận bậc thang hiện hành phức tạp, “khiến khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, khó thông cảm”.
Người dân trả tiền điện qua ngân hàng. |
Phương án hai của EVN là đồng giá 1.747 đồng/kWh - là giá bình quân các bậc thang của biểu giá điện hiện tại. Với phương án này, EVN khẳng định người dùng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị thiệt, phải nộp thêm tiền điện (do bậc thang giá thấp đã bị mất đi - PV).
Cụ thể, người nghèo, người dùng đến 50 kWh/tháng sẽ phải nộp thêm trên 13.000 đồng so với hiện tại. Người dùng 100 - 200 kWh/tháng sẽ phải nộp thêm 19.000 - 23.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, những hộ sử dụng 300 - 500 kWh/tháng sẽ được giảm tiền điện phải đóng khoảng 29.000 - 189.000 đồng/tháng. “Phương án này, người dùng 100 kWh/tháng phải đóng thêm nhiều nhất. Còn hộ sử dụng từ 240 kWh/tháng sẽ được lợi, càng dùng nhiều càng được lợi”, EVN báo cáo.
Phương án thứ ba, theo EVN sẽ còn 3 - 4 bậc thang. Tuy nhiên, trong 3 - 4 bậc thang này EVN chia ra làm 5 kịch bản. Trong đó, EVN phân tích rõ kịch bản có 4 bậc thang: các hộ đang sử dụng 50 kWh đầu không bị tác động do bậc thang này được giữ nguyên.
Hộ dùng đến 100 kWh/tháng phải trả thêm khoảng 6.800 đồng/tháng. Hộ sử dụng đến 159 kWh/tháng sẽ không chịu tác động. Hộ dùng 160 - 200 kWh/tháng sẽ được giảm tiền điện phải đóng gần 5.000 đồng. Hộ sử dụng 200 - 400 kWh/tháng sẽ bị tác động không đáng kể, tăng giảm chi phí tiền điện chỉ 300 - 3.000 đồng/tháng.
Hộ dùng từ 400 kWh trở lên được giảm khoảng 14.000 đồng/tháng... Theo EVN, ưu điểm của phương án ba là khuyến khích tiết kiệm điện, vẫn ưu tiên được người thu nhập thấp (do giữ bậc dùng đến 50 kWh đầu).
Tuy nhiên về nhược điểm, sẽ vẫn còn thắc mắc càng dùng nhiều càng đắt. Mùa nắng nóng, người dân sẽ vẫn thấy tiền điện thanh toán tăng nhanh hơn mức điện sử dụng, có thể ảnh hưởng xấu tới thương hiệu EVN.
Đáng lưu ý, ngoài ba phương án trên, lần này EVN cho rằng có những khách hàng ký hợp đồng mua điện nhưng không sử dụng gây lãng phí đầu tư và công sức quản lý của ngành. Vì vậy, cần áp một mức phí nhất định ngay cả không dùng điện.
Phải không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo
Một đại diện Bộ Công Thương cho rằng, giá điện sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nên các phương án EVN đưa ra phải tuân thủ nguyên tắc: không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người thu nhập thấp. Đặc biệt, phải đảm bảo khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Theo vị đại diện Bộ Công Thương, trong điều kiện hiện nay, để phát điện phải sử dụng tài nguyên không tái tạo được, đặc biệt là than, khí... còn gây ô nhiễm môi trường nên bảo càng dùng nhiều điện giá càng rẻ là không phù hợp.
Với lý lẽ trên, vị quan chức Bộ Công Thương bình luận: phương án chỉ có một bậc giá duy nhất là 1.747 đồng/kWh là không khả thi.
Bởi như thế sẽ không còn phân biệt gì, cào bằng, người dùng nhiều và người dùng ít đều như nhau, không khuyến khích tiết kiệm điện. Điều này chắc chắn sẽ vô tình đẩy nhu cầu sử dụng điện lên, tạo sức ép phải tăng đầu tư nhà máy điện, đồng nghĩa với áp lực tăng giá điện.
Theo vị đại diện Bộ Công Thương trên, ba phương án của EVN cái nào cũng có cái ưu, cái nhược. Vì vậy, người dân hoặc các chuyên gia hoàn toàn có thể góp ý, thậm chí trên quan điểm của mình, nếu tìm được phương án nào khả thi, sáng tạo và hiệu quả hơn thì hoàn toàn có thể đề xuất thêm phương án mới ngoài phương án của EVN. Trên cơ sở góp ý của người dân, báo cáo của EVN, bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN - cho biết EVN đưa các phương án trên để xin ý kiến rộng rãi nhân dân và sẽ tổ chức hội thảo để các nhà khoa học phân tích. EVN chưa kiến nghị thực hiện theo phương án nào. Sau khi được góp ý, EVN sẽ tổng kết, trình Bộ Công Thương để cấp có thẩm quyền quyết định chính thức.
Cẩn thận người nghèo bị thiệt
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - cho rằng, không nên theo phương án 1, tức giữ nguyên 6 bậc thang hiện hành. Ông Ngãi nêu quan điểm Hiệp hội Năng lượng cho rằng nên chỉ có ba bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, bậc đầu tiên nên 0 - 150 kWh chứ không nên chỉ đến 100 kWh.
Lý do, theo ông Ngãi, đời sống đã tăng, những vật dụng cơ bản trong nhà như nồi cơm điện, quạt, đèn, tủ lạnh là phổ biến... Ông Ngãi cũng cho rằng không nên chỉ có một biểu giá duy nhất 1.747 đồng/kWh, bởi đơn giản như thế không còn bậc thang nữa. Anh sinh viên nghèo, công nhân đi làm thuê cũng phải trả mức giá điện bằng các “đại gia”.
Theo ông Ngãi, “nếu chỉ còn một bậc thang thì người nghèo, người thu nhập thấp rất thiệt”.
Trong một trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực - cho rằng biểu giá điện 6 bậc hiện nay có tác dụng nhất định, giúp phân biệt rõ hơn các đối tượng dùng điện, từ đó hỗ trợ người nghèo khá tốt. Với người sử dụng ít thì giá điện thấp giúp người dân bớt được khó khăn.
Bậc thang đầu tiên 0 - 50 kWh/tháng hiện nay, ngay cả khi tăng giá điện, mức tăng ở bậc thang này cũng rất ít. Bậc thang thứ hai cũng thường có mức giá thấp (thường thấp hơn giá bán điện bình quân).
Sau đó các bậc tiếp theo sẽ có mức tăng cao hơn, nên người nghèo cũng “dễ thở” hơn. Nếu chỉ còn ba bậc thang thì rõ ràng sự phân biệt ít đi và một số người dùng ít điện (chủ yếu là người thu nhập trung bình, thấp) sẽ phải chịu bậc thang có giá cao hơn do bậc thang cũ của họ đã bị gộp lại thành bậc thang mới, với mức giá mới. Vấn đề, theo GS Long, là phải chia bậc cho hợp lý.