*Lưu ý: Bài viết tiết lộ tình tiết trong nội dung The Batman.
Lễ Halloween: Toàn bộ diễn biến The Batman gói gọn trong một tuần, từ 31/10 tới 6/11. Cảnh đầu phim, Batman (Robert Pattinson) đã đi tuần trong đêm Halloween. Đây là mốc thời gian đặc biệt với bộ phim nói riêng và lịch sử bộ truyện tranh về vị siêu anh hùng nói chung. Theo Games Radar, The Batman được lấy cảm hứng từ bộ truyện The Long Halloween của Jeph Loeb và Tim Sale. Bên cạnh đó, trò chơi điện tử ăn khách Batman: Arkham Knight (2015) cũng được lấy bối cảnh đêm Halloween.
Sự báo thù: Trên phim, trước câu hỏi “Mày là ai?” của những tên tội phạm, Batman đáp “Tao là sự báo thù”. Hiệp sĩ bóng đêm của Pattinson không phải phiên bản quái hiệp đầu tiên tự gọi mình bằng cái tên này. Trong Batman: The Animated Series, vị hiệp sĩ bóng đêm cũng có câu thoại kinh điển: “Ta là sự báo thù! Ta là đêm tối! Ta là Batman!”.
Nhật ký hành hiệp: The Batman được dẫn dắt bởi lời tự sự của Bruce Wayne viết trong cuốn nhật ký tên gọi Dự án Gotham. Đây là suy tư của vị quái hiệp được đúc kết sau mỗi đêm đi tuần trên đường phố. Trong bộ truyện The Black Casebook của Grant Morrison, Batman cũng thường xuyên ghi chép những vụ án của mình vào một cuốn nhật trình.
Không dùng súng hay giết chóc: Trong truyện tranh, Batman đã có nhiều thập kỷ tuân theo hai quy tắc nói không với súng đạn và tuyệt đối không hạ sát tội phạm. Các phiên bản Batman từng xuất hiện trên màn ảnh đều ít nhiều tuân theo, nhưng không trực tiếp đề cập đến các quy tắc này. Nhưng trong The Batman, vị siêu anh hùng đã nhiều lần thể hiện rõ chủ trương nói không với súng đạn lẫn việc giết người bằng cả lời nói và hành động.
Batman: Year One: Trong một cảnh phim, khi bị dồn đến đường cùng, Catwoman (Zoë Kravitz) đã dùng bộ móng tay sắc nhọn cào rách mặt kẻ tấn công. Chi tiết này từng xuất hiện trong bộ truyện tranh Batman: Year One của tác giả Frank Miller - một trong những tác phẩm truyền cảm hứng cho Matt Reeves xây dựng kịch bản The Batman. Trên trang truyện, trong một trận chiến, Catwoman cũng cào vào mặt kẻ thù và để lại ba vết xước rớm máu. Kẻ thù bị cô cào trong Batman: Year One và The Batman đều là một.
Quán bar Iceberg: Catwoman làm việc tại hộp đêm của Penguin (Colin Farrell) có tên Iceberg Lounge. Đây là địa danh ưa thích được lựa chọn làm hang ổ của bè lũ tội phạm Gotham xuyên suốt lịch sử bộ truyện tranh Batman. Iceberg Lounge xuất hiện lần đầu tiên trong số Detective Comics ra mắt năm 1995 và thường xuyên được nhắc tới trong các thập kỷ sau đó. Trên màn ảnh rộng, The Batman là bộ phim đầu tiên đưa khán giả đi sâu khám phá không gian này.
Nhà tù Blackgate và Blüdhaven: Đây là hai địa danh quen thuộc trong Vũ trụ Batman. Penguin đã nhắc đến Blackgate còn Blüdhaven xuất hiện qua lời thoại của Catwoman. Blackgate là nơi giam giữ các tội phạm nguy hiểm nhất Gotham, được canh giữ cẩn mật không thua kém nhà thương điên Arkham. Còn Blüdhaven là cửa ngõ dẫn vào Gotham, do Robin đầu tiên - Dick Grayson - canh giữ sau khi anh đổi tên thành Nightwing.
Arkham: Khán giả quen thuộc với vũ trụ Batman đều biết điểm đến của Riddler (Paul Dano) cũng như bất cứ tên tội phạm điên loạn nào khác tại Gotham sau khi bị Batman bắt giữ chính là Nhà thương điên Arkham. Trong The Batman, nơi này được đặt tên là Bệnh viện Hạt Arkham. Bộ phim của đạo diễn Matt Reeves cũng có những biến tấu độc đáo liên quan đến gia tộc sở hữu bệnh viện Arkham cũng như mối liên hệ giữa những người này với vị siêu anh hùng.
Hush: The Batman có nhắc đến một nhà báo điều tra tên Edward Elliott. Đây là nhân vật từng gây sóng gió khi đe dọa phanh phui quá khứ của vợ chồng Waynes. Không loại trừ khả năng nhân vật này có liên hệ với Tommy Elliott - tên phản diện tự xưng Hush - bởi Edward được gắn liền với từ khóa “Hush money”. Trong bộ truyện tranh Batman: Hush của Jeph Loeb và Jim Lee, kẻ giật dây đứng sau âm mưu của Hush không ai khác chính là Riddler.
Thomas Wayne: The Batman đã xây dựng nhân vật Thomas Wayne, cha của Bruce Wayne/Batman, theo hướng một nhân vật gây nhiều tranh cãi thay vì vị tỷ phú với tấm lòng vàng như nhiều tác phẩm khác. Diễn biến này có nhiều tương đồng với cốt truyện của tựa game Batman: The Telltale Series. Trong trò chơi, Thomas Wayne đã bắt tay với tên tội phạm Falcone và thị trưởng Hill để làm điều phi pháp. Cái chết của hai vợ chồng là hệ quả của phi vụ này. Quản gia Alfred biết hết mọi chuyện, nhưng đã giữ bí mật với Bruce Wayne.
Zero Year: Nhiều tình tiết trong hồi 3 The Batman có sự tương đồng với diễn biến bộ truyện Zero Year của Scott Snyder và Greg Capullo. Trong truyện, Riddler đã chiếm quyền kiểm soát Gotham bằng cách nhấn chìm thành phố trong nước biển. Để khởi động lại hệ thống điện, Batman đã phải gắn điện cực vào cơ thể và dùng nhịp tim mình khiến mọi thứ vận hành. Những sự kiện tương tự cũng đã xảy ra trong The Batman.
Venom: Trong phim, khi đã sức cùng lực kiệt, Batman buộc phải sử dụng biện pháp khẩn cấp. Anh tiêm vào cơ thể một thứ hóa chất màu xanh lá cây. Dung dịch khiến vị quái hiệp lập tức được phục hồi sức mạnh. Dù bộ phim không đi sâu giải thích, người hâm mộ truyện tranh nhận ra đây nhiều khả năng không đơn thuần chỉ là adrenaline. Nó có thể là Venom - thứ thuốc đã biến Bane thành siêu chiến binh.
Court of Owls: Riddler luôn gửi manh mối, cũng là lời thách thức Batman thông qua các tấm thiệp mừng. Trong đó, tấm thiệp đầu tiên có in hình một con cú lớn ở mặt trước. Nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt Batman suy đoán đây có thể là ẩn ý dẫn tới Court of Owls. Trong truyện tranh, Court of Owls là tổ chức tội phạm ẩn mình trong bóng tối và thao túng Gotham. Không khác tên gọi, biểu tượng của họ chính là một con cú.
Chuột có cánh: Trong cuộc truy đuổi, Riddler đã để lại cho Batman manh mối về “một con chuột có cánh”, một kẻ hai mang có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện trò chơi. Vị hiệp sĩ bóng đêm sau đó phải hiện ra manh mối dẫn đến một website có tên miền “rataalada”. Đây là một trang web có thật. Người hâm mộ có thể truy cập và thử sức với một vài câu đố của Riddler.