Ngọc Sơn sinh năm 1970, tức năm nay đã 46 tuổi. Nhưng vài năm trở lại đây, anh không có dấu hiệu xuống sức mà ngược lại, càng biểu diễn "sung" hơn trên sân khấu.
Anh khoe mình đi diễn nhiều, hát live 100%, thân hình cũng đẹp hơn trước. Vừa nói, anh liên tục nhảy múa, thậm chí trổ tài ngồi theo kiểu tập yoga để chứng tỏ sự dẻo dai của bản thân.
Tôi mãi mãi ở tuổi 18
- Ở tuổi gần 50, anh làm thế nào để giữ vững phong độ trên sân khấu?
- Cầu thủ trên thế giới thi đấu chuyên nghiệp bao năm cuối cùng cũng xổ bắp đùi. Ca sĩ cũng vậy, ai sinh ra cũng có dây thanh đới giống nhau, nhưng khi hát nhiều sẽ bị nới rộng, khiến giọng bị khàn. Nhưng Ngọc Sơn của đại gia đình (cách gọi khán giả - PV) lại khác, càng hát thì dây thanh đới càng chắc.
Giọng tôi tốt hơn ngày xưa, ông trời chứng nhận tấm lòng thành của tôi, cho tôi được hát trong hơn, trầm hơn, cao hơn, khoản ngọt ngào cũng thấm hơn trước. Tôi đi diễn đều đặn, từ miền Nam ra Bắc, từ những sự kiện lớn cho đến sân khấu bình dân, chuồng gà, hội chợ.
Tần suất biểu diễn của Ngọc Sơn ngày càng cao, tất cả đều hát live mà vẫn đảm bảo chất lượng 100%. Điều này giúp tôi nghiệm ra một điều rằng sống trong cuộc đời đừng đụng chạm đến ai, tận tâm với công việc, sẽ không bị những thứ trên trần gian này kích thích, lôi kéo.
Ngoài ra, thân hình của tôi cũng cơ bắp hơn xưa. Nhiều người nghĩ tôi ăn chay sẽ ốm yếu, nhưng khi xem tôi hát họ phải thay đổi suy nghĩ. Bởi có sức khỏe tốt thì hát mới hay.
- Vậy anh cảm nhận bản thân bị thời gian, tuổi tác tác động như thế nào?
- Tôi mãi mãi ở tuổi 18, vẫn nhảy rất sung. Ngày xưa nhảy qua nhảy lại còn cảm thấy mệt, nhưng giờ đây tôi càng nhảy càng máu, chương trình càng vui tôi càng nhảy thật nhiều. Michael Jackson nhảy bằng đôi chân chứ tôi nhảy toàn thân. Tôi cầu mong mình luôn ở tuổi này để có thể cống hiến cho khán giả.
Ngọc Sơn: "Tôi mãi ở tuổi 18". Ảnh: HBN |
- Nhiều ca sĩ sau khi nổi tiếng thường bỏ rơi tầng lớp khán giả bình dân, anh thì sao?
- Nhiều chương trình bắt tôi phải khoác áo vest lên người để phù hợp tính chất, nói thật tôi phải rèn luyện dữ lắm. Tôi bình dân từ trong máu, ai gọi tôi sến tôi càng thích. Khán giả càng bình dân tôi càng thương.
Tôi sáng tác ra ca khúc Sến cũng vì vậy, "từ anh công nhân, chị bán hàng rong, anh bác sĩ đến chị phu đang quét đường. Đôi uyên ương bạn bè thân thương, những người tha phương cùng tôi hát câu nhạc sến" .
Những người bình dân trải qua nhiều khó khăn trong vật chất, nên tinh thần của họ càng cần được chia sẻ.
Xin đừng gọi tôi là Vua nhạc sến
- Anh nghĩ thế nào về ngôn từ "Vua nhạc sến" mà mọi người ưu ái dành cho mình?
- Mọi người gọi tôi bằng danh xưng nào cũng được. Tôi không dám nhận mình là vua cũng như kêu gọi những chương trình ca nhạc đừng gọi tôi như vậy, có quảng cáo thì hãy gỡ bỏ 3 từ này ra khỏi băng rôn.
Tuy nhiên, họ nói phải để như thế để bán vé. Trên mạng, nhiều khán giả gọi tôi bằng nhiều mỹ từ như “tượng đài”, nhưng tôi chỉ muốn được xem như Ngọc Sơn thân thương, anh Ba của đại gia đình. Như vậy là tôi vui rồi.
- Thích bình dân, nhưng anh lại sống trong căn biệt thự được trang hoàng như một tòa lâu đài. Điều này có vẻ mâu thuẫn?
- Đó là biểu tượng của đại gia đình nhạc sến trữ tình dành cho tôi, nhờ có tình yêu đó mà xây nên cùng với mồ hôi và công sức của chính mình. Tôi xem đây là biểu tượng của nhạc trữ tình, nên nhất định nó phải đẹp.
- Danh ca Chế Linh khen anh là một trong những đại diện kế thừa dòng nhạc bolero. Anh nghĩ sao khi bolero đang trở lại và được ưa chuộng?
- Mỗi khi đi hát, tôi đều nói: “Ngọc Sơn đã trở lại trong vòng tay yêu thương của quý vị”, nhưng đấy chỉ là nói đùa thôi, tôi có đi đâu đâu mà trở lại. Như nhạc sến cũng vậy, lúc nào chẳng có những chiếc xe bán kẹo kéo phát khắp ngõ hẻm.
Vấn đề là ngày xưa mọi người chưa nhìn nhận dòng nhạc này. Nhiều người nghe mà sợ người khác chê là sến. Giờ đây, nhạc sến được nhà nước, nhiều người trân trọng và coi như một dòng nhạc chính thống.
- Vậy anh cảm thấy thế nào nếu có người nói nhạc Ngọc Sơn là lỗi thời?
- Tôi đâu chỉ có nhạc sến mà còn hát, sáng tác nhiều thể loại. Nhiều người hỏi tôi vì sao không chuyên tâm với một dòng nhạc? Tôi hỏi ngược lại, mình hát được nhạc cách mạng thì tại sao không? Khán giả yêu cầu cái nào, tôi làm cái đó.
Tôi không dám tự nhận mình là vua. Ảnh: HBN |
- Hiện tại, cuộc sống của anh như thế nào?
- Con người ra đường làm sao tránh khỏi những va chạm, chơi với bạn bè cũng có người thế này, thế kia. Tính tôi từ trước đến nay không biết phản kháng, ai nói gì về mình cũng được. Tôi chỉ muốn dành hết sức khỏe, tâm trí cho nghệ thuật.
Tôi dở hơn mọi người là quá nhạy cảm, không chơi với ai, không ra đường. Ngoại trừ thời gian lên sân khấu, tôi ở nhà với mẹ để bảo toàn giọng hát.
- Thay đổi về cách sinh hoạt, vậy tâm tính của anh biến chuyển như thế nào trong vài năm qua?
- Ngày xưa tôi trông ngầu vậy một phần cũng vì muốn tự bảo vệ mình trong giới giải trí. Thời thanh niên muốn tập tạ, rồi mặc áo ba lỗ để khoe cơ bắp. Còn bây giờ đã “lộ nguyên hình”, rất hiền lành. Thân hình dù có săn chắc hơn nhưng không dám mặc áo ba lỗ nữa. Tôi vẫn 18 tuổi chứ, nhưng ngây thơ theo một cách khác, hồn nhiên, vô tư nhưng phải sâu lắng và tế nhị để không làm mất lòng ai.
Tôi đang sống yên bình, hòa đồng vào vòng tay của đại gia đình. Ai cũng có chuyện này chuyện kia, nhưng tôi hiện tại chỉ muốn nhìn về phía trước chứ không nhìn cái cũ nữa. Những gì không tốt, ai chửi, tôi coi như không biết, không phản kháng mà đi tiếp về phía trước.
Tôi thấy nhiều người chuyện gì cũng đưa lên Facebook bàn tán là không hay. Tôi không sử dụng bất cứ mạng xã hội nào, có khán giả chụp ảnh rồi đưa lên Facebook đùa giỡn, tôi cũng bắt xóa ngay lập tức. Đừng đùa, tên tuổi Ngọc Sơn không dùng để đem ra giỡn mặt được.
- Nhiều ca sĩ nổi tiếng bắt đầu tìm học trò để đào tạo, đến khi nào anh sẽ giới thiệu “truyền nhân” của mình?
- Tôi có 2 học trò người Nhật, hàng năm họ vẫn trở về với tôi, ngoài ra còn rất nhiều học trò, con nuôi như Dương Ngọc Thái, Quách Tuấn Du… Nhiều ca sĩ nổi tiếng nhưng dành sự quý trọng, gọi tôi là thầy, mong được chỉ bảo thêm.
Chuyện gì cũng là duyên, ai đến với ai, quý mến hay không cũng là duyên nợ. Con người phải biết tiên học lễ, hậu học văn, biết hạ xuống đúng lúc vì “hạ xuống bấy nhiều, người ta sẽ nâng bạn lên bấy nhiêu. Trèo lên bao nhiêu rồi cũng sẽ ngã xuống”.
Đó luật của cuộc sống, càng khiêm tốn càng được quý trọng. Đó là điều tôi luôn dặn các đàn em, học được cái khiêm tốn rất khó, phải cố gắng vì tâm đức rất quan trọng.