Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đừng để thẻ tín dụng thuyết phục bạn vung tay tiêu tiền

Thay vì vô tư quẹt thẻ với tâm thế "mua trước, trả sau", bạn trẻ nên tập đo lường khả năng chi trả, tìm hiểu về lãi suất tín dụng cũng như duy trì kỷ luật tiêu dùng.

  • Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính, Đại học Southampton, vương quốc Anh
  • Đào tạo ngắn hạn về tài chính, Đại học Harvard, Mỹ
  • Chuyên gia tư vấn dự án tài chính của Ngân hàng Thế giới
  • Giảng viên bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn nhắc về thẻ tín dụng (credit card) với thái độ e dè. Họ cho rằng hình thức chi tiêu này sẽ tiếp tay cho thói dùng tiền phung phí, dễ dẫn đến tình trạng “nợ ngập đầu”.

Thực tế, sử dụng thẻ tín dụng đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống. Dưới góc độ tài chính cá nhân, hình thức thanh toán này sẽ hỗ trợ tích cực trong chi tiêu, tiết kiệm trong một số trường hợp và góp phần cải thiện tiêu dùng, cũng như tạo nền móng tốt cho những kế hoạch tài chính của bạn trong tương lai.

Mang nợ nếu chậm thanh toán dư nợ

Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ có một số lợi ích như hạn chế bị trộm cắp, móc túi, thất thoát tiền và hưởng nhiều ưu đãi tiêu dùng.

Hiểu nhanh về thẻ tín dụng:

Là sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp, cho phép người dùng có thể vay tiền để tiêu trước và trả sau. Chủ thẻ được thực hiện giao dịch thanh toán trong một hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành.

Tùy vào quy định của tổ chức này, cá nhân có thể trì hoãn thanh toán nợ tín dụng miễn lãi trong tối đa 45-55 ngày, tính từ thời điểm cụ thể theo quy định.

Tuy vậy, dùng thẻ không đúng cách sẽ có thể tạo ra những hệ lụy như bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, đặc biệt là rơi vào cảnh nợ nần do quá hạn thanh toán dư nợ.

Nếu để vượt mức nợ miễn lãi, bạn có nguy cơ bị tính lãi suất lên đến 17-40%/năm tùy vào tổ chức phát hành thẻ.

Nợ nần cũng sẽ khiến điểm đánh giá tín dụng của bạn giảm sút, ảnh hưởng đến quá trình vay mượn ngân hàng trong tương lai. Nếu chủ thẻ có lịch sử tín dụng xấu do thường xuyên trả nợ không đúng hạn, tổng số tiền được giải ngân sẽ không cao như kỳ vọng, lãi suất phải chịu cũng phải cao hơn người khác.

Với một số trường hợp cá biệt, ngân hàng sẽ từ chối cung cấp dịch vụ tín dụng vì có lịch sử tiêu dùng xấu.

cach dung the tin dung anh 1

Nếu không chú ý, bạn dễ dàng bị phạt vì quá hạn thanh toán nợ tín dụng. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels.

Dưới đây là một ví dụ về cách tính lãi suất quá hạn, phạt chậm trả khi sử dụng thẻ tín dụng:

Giả sử bạn đang sử dụng thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng.

  • Kỳ sao kê thẻ từ ngày 21/3 đến 20/4, hạn thanh toán là 5/5.
  • Lãi suất thẻ tín dụng áp dụng tại thời điểm hiện tại là 3,49%/tháng.
  • Phí rút tiền mặt của thẻ là 4% số tiền rút.
  • Phí phạt chậm trả 5% (tối thiểu 149.000 đồng).

Trường hợp 1: Bạn sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Ngày 25/3, bạn rút 10 triệu đồng tiền mặt. Ngày 20/4, ngân hàng chốt sao kê gửi vào email cá nhân của bạn với hạn thanh toán là ngày 5/5.

Khoản tiền mặt đã rút sẽ bị tính phí 4%, lãi suất 3,49%/tháng tính từ ngày phát sinh rút tiền mặt đến ngày chủ thẻ thực hiện thanh toán dư nợ rút tiền mặt.

Như vậy, đến ngày 5/5 (hạn thanh toán dư nợ), bạn phải trả cho tổ chức phát hành thẻ số tiền 10.749.000 đồng, cụ thể:

  • Lãi suất rút tiền là 10 triệu đồng x 3,49% = 349.000 đồng
  • Ngoài ra, chủ thẻ còn phải mất thêm phí rút tiền là 4%/số tiền rút, tức 400.000 VNĐ (10 triệu x 4%).
  • Số tiền sẽ tăng cao hơn nếu bạn để nợ quá hạn.
cach dung the tin dung anh 2

Đôi khi, khoản nợ quá hạn tín dụng sẽ khiến bạn mệt mỏi. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Trường hợp 2: Bạn chậm thanh toán nợ thẻ tín dụng

Ngày 21/3, bạn chi tiêu 7 triệu đồng

Ngày 15/4, bạn chi tiêu 3 triệu đồng

Ngày 20/4, ngân hàng chốt sao kê, gửi vào email cá nhân của bạn với hạn thanh toán là ngày 5/5. Trong đó, tổng dư nợ chi tiêu trong kỳ là 7+3=10 triệu đồng và số tiền thanh toán tối thiểu là 500.000 đồng (5% dư nợ = 10 triệu đồng x 5%).

- Nếu vào ngày 5/5, bạn thanh toán toàn bộ dư nợ 10 triệu đồng, bạn sẽ không bị tính lãi.

- Trong trường hợp chỉ trả số tiền thanh toán tối thiểu, bạn phải chịu thêm phần lãi suất được cập nhật tại thời điểm 5/5 cho từng khoản chi tiêu như sau (các khoản này nếu chưa được thanh toán sẽ tiếp tục bị tính lãi sau ngày 5/5):

  • Lãi suất trên dư nợ chi tiêu ngày 21/3 = 3,49% / 30 (ngày) x 7 triệu (đồng) x 45 (ngày) = 366.450 đồng (1)
  • Lãi suất trên dư nợ chi tiêu ngày 15/4 = 3,49% / 30 (ngày) x 3 triệu (đồng) x 20 (ngày) = 69.800 đồng (2)

Như vậy, bạn phải thanh toán tổng cộng: 10 triệu đồng + (1) +(2) = 10.436.250 đồng.

- Nếu không thanh toán đủ số tiền thanh toán tối thiểu, sang đến ngày 6/5, bạn sẽ bị tính thêm phí chậm trả là 149.000 đồng (do 500.000*5% = 25.000 đồng, không đạt mức tối thiểu đề cập bên trên) (3)

Đồng thời, dư nợ được tính lãi như sau:

  • Lãi suất trên dư nợ chi tiêu ngày 21/3 = 3,49%/30*7.000.000*46 = 374.594 đồng (4)
  • Lãi suất trên dư nợ chi tiêu ngày 15/4 = 3,49%/30*3.000.000*21 = 73.290 đồng (5)

Như vậy, bạn phải thanh toán tổng cộng: 10 triệu đồng + (3) + (4) + (5) = 10.596.884 đồng.

Có thể thấy bạn càng thanh toán chậm, số tiền lãi cộng dồn theo ngày càng lớn, khiến việc thanh toán nợ thẻ tín dụng càng trở nên khó khăn.

Làm sao để tối ưu hóa giá trị sử dụng của thẻ tín dụng

Sau gần 20 năm sử dụng thẻ tín dụng, tôi chưa bao giờ phải lo âu về những khoản nợ tín dụng nhờ quản lý và sử dụng thẻ đúng cách. Để tận dụng ưu điểm của hình thức thanh toán này đồng thời đảm bảo an toàn tài chính khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý những điểm sau:

Tính toán khả năng chi trả của bản thân

Cụ thể, bạn chỉ nên tiêu xài trong phạm vi mình có thể trả được. Thẻ tín dụng chỉ thực sự phù hợp với cá nhân biết quản lý tiền bạc, thay vì lạm dụng hình thức “mua trước, trả sau”.

Bạn trẻ nên bắt đầu theo dõi chi tiêu mỗi tháng, đánh giá và xác định rõ dòng tiền vào hàng tháng để có thể thanh toán các khoản chi tiêu bằng thẻ. Thói quen này rất quan trọng, giảm khả năng rơi vào cảnh túng quẫn cho người sử dụng.

Duy trì kỷ luật trong chi tiêu và tiết kiệm cũng sẽ giúp quá trình trả góp của bạn diễn ra thuận lợi. Cá nhân cần lên ngân sách cho các khoản chi tiêu, xác định rõ nhu cầu của bản thân. Quan trọng hơn, bạn chỉ nên tiêu cho những khoản mục mình cần chứ không phải mình muốn.

Ngược lại, nếu bạn chi tiêu không có kế hoạch, bạn dễ dàng rơi vào cảnh “vung tay quá trán”, hoặc mua được rồi vẫn không cảm thấy đủ, phát sinh nợ xấu, bị hạ mức tín nhiệm cá nhân và rơi vào danh sách đen của các ngân hàng.

cach dung the tin dung anh 3

Gen Z nên học cách đo lường khả năng chi tiêu của bản thân từ sớm. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Thanh toán dư nợ đúng hạn

Thanh toán dư nợ đúng hạn là phương pháp tốt nhất giúp bạn không phải chịu thêm phần lãi suất của thẻ tín dụng bởi lãi phạt trả chậm thẻ tín dụng cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng.

Bạn cần phải để ý thời gian ngân hàng lên sao kê và thời gian cần thanh toán thẻ hàng tháng đồng thời thường xuyên kiểm tra tin nhắn nhắc nhở và email thông báo từ ngân hàng để tránh trường hợp sơ ý quên mất thời điểm trả nợ thẻ.

Chủ thẻ nên tự đặt ra một hạn mức nhất định cho bản thân. Khi nào số dư nợ đạt tới mức này, bạn nên chủ động chi trả hết nhằm giảm áp lực khi tới ngày sao kê, tránh nguy cơ nợ quá hạn.

Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng ngân hàng sẽ tính lãi suất dựa theo số dư nợ giảm dần. Trong trường hợp không có khả năng thanh toán một lần, bạn nên chia nhỏ số tiền nộp theo các đợt và cố gắng đóng sớm nhất có thể để giảm thiểu số tiền lãi phải chi trả.

Chỉ rút tiền mặt từ thẻ khi thực sự cần thiết

Chủ sở hữu không nên lạm dụng việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng quá nhiều nếu không thực sự cần thiết. Nếu bạn rút tiền càng nhiều lần, phí rút tiền cộng dồn càng cao, cũng như lãi suất rút tiền phải trả càng lớn.

Chuyên gia gợi ý hạn mức thẻ tín dụng cho bạn trẻ 22-30 tuổi, sinh sống tại Hà Nội hoặc TP.HCM, chưa lập gia đình và có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng:

Tùy vào nhu cầu và hạn mức chi tiêu hàng tháng của mỗi cá nhân, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng với hạn mức khác nhau. Nếu trung bình hàng tháng chi tiêu mua sắm khoảng 10-20 triệu đồng, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng hạn mức 30 triệu đồng.

Việc sử dụng hạn mức phù hợp với nhu cầu hàng tháng có thể giúp bạn kiểm soát chi tiêu quá tay và không phải trả mức phí duy trì thẻ quá lớn. Bên cạnh đó, trong trường hợp thông tin thẻ bị đánh cắp, kẻ xấu cũng không thể tiêu số tiền vượt hạn mức thẻ tín dụng của bạn.

Nếu hay đi công tác và có nhu cầu chi tiêu vượt mức chi hàng tháng, bạn có thể sở hữu thêm một thẻ tín dụng khác với hạn mức cao hơn, chẳng hạn 70-120 triệu đồng. Tuy nhiên, hạn mức cao đồng nghĩa với phí duy trì dịch thẻ tín dụng hàng năm cao. Do đó, bạn cần cân nhắc lựa chọn loại thẻ có hạn mức phù hợp.

Giá trị tài sản ròng quan trọng hơn lương tháng

Khi nói về tình hình tài chính cá nhân, nhiều người trẻ không còn đề cập đến mức lương mà quan tâm hơn tới net worth, chính là giá trị tài sản ròng.

Hồng Anh

Đồ hoạ: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm