Theo báo cáo của Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - trong năm 2013, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 6.218 vụ phạm pháp hình sự (tăng 290 vụ so cùng kỳ) làm chết 133 người, bị thương 758 người, thiệt hại tài sản khoảng 90 tỷ đồng.
Đáng chú ý là những vụ án giết người do những mâu thuẫn xung đột tức thời, mang tính bộc phát trong đời sống tăng cao. Trong đó, nạn bắt cóc trẻ em tăng 200%; hiếp dâm 42,3%; giết người 18,8%; lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 12,15%; trộm cắp tài sản 10,57%.
Một số loại án giảm như cướp tài sản (24,63%); chống người thi hành công vụ (17,33%); bắt giữ người trái pháp luật (16,6%); cưỡng đoạt tài sản (14,28%); giao cấu trẻ em (8,77%); cướp giật tài sản (1,15%)...
Tại buổi hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Cuối năm là thời gian tội phạm hoạt động mạnh, cần có kế hoạch tấn công từng loại tội phạm cụ thể… Phải làm cho tội phạm khiếp sợ, huy động toàn thể hệ thống chính trị, toàn xã hội vào công tác phòng chống tội phạm, không thể coi đó là nhiệm vụ khoán của lực lượng công an. Đừng để tội phạm không sợ công an, rồi người dân lại đi sợ tội phạm… Đừng để mang tiếng là công an "bảo kê" chỗ này, chỗ khác".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần phối hợp đồng bộ, tránh kiểu mở chiến dịch “dồn, lùa” tội phạm, tăng cường công tác kiểm tra hành chính. Đặc biệt phải xử lý hình sự một số cơ sở tiệm cầm đồ tiêu thụ tài sản phạm pháp, các sàn nhảy, quán bar… kinh doanh không phép, trái phép. Chính những tụ điểm này là nơi tiềm ẩn các loại tội phạm.
Về công tác xây dựng lực lượng phòng chống tội phạm, ông Phúc nói: “Tội pham xảy ra ở địa phương có nhiều nơi cán bộ biết rõ, nhưng do phẩm chất đạo đức, năng lực nên tình hình vẫn bất ôn, thậm chí là "bảo kê", tiếp tay cho tội phạm… Do đó nơi nào để cho tội phạm lộng hành thì cán bộ cấp ủy phụ trách công an phải chịu trách nhiệm".