Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để bầu Đức bước đi một mình

"Nếu bóng đá nước nhà có nhiều bầu Đức thì ngày ĐTQG thi đấu ở sân chơi World Cup không còn là giấc mơ xa xỉ với hàng triệu con tim Việt", độc giả Minh Quốc chia sẻ.

Giải U19 Đông Nam Á 2014 đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại và được nhắc tới trong nhiều ngày qua.

Khoan hãy bàn về vấn đề chuyên môn, sự tiến bộ trong lối chơi, yếu tố thể lực, sức bền được cải thiện, những điều được và chưa được. Tốt hơn hết hãy để những điều đó cho ban huấn luyện đội bóng và các chuyên gia bóng đá bởi họ có một cái nhìn toàn diện để đánh giá chính giá và đưa ra lời giải trước vòng chung kết U19 châu Á diễn ra tại Myanmar.

Vì vậy, bài viết này sẽ không đề cập những vấn đề nêu trên. Với những gì đã thể hiện, những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Long… xứng đáng được nhận những lời ngợi khen từ giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Đằng sau thành công ấy, có bóng dáng một người luôn âm thầm và dành nhiều tâm huyết với lứa cầu thủ đầy tài năng, đầy triển vọng. Và người tôi muốn nhắc đến ở đây là ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), người đặt nền móng cho thành công U19 Việt Nam.

Vườn ươm từ 7 năm về trước

Cách đây 7 năm, học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2007. Khi ấy, bầu Đức cho đốn cả cánh rừng cao su mà chỉ sau ít năm nữa không khác gì thứ “vàng trắng” để lấy đất xây dựng học viện. Nhiều người cho rằng đó là một quyết định táo bạo và đầy rủi ro.

Bầu Đức lý giải: “Trồng rừng đã khó, trồng người càng khó hơn. Nếu chỉ nhăm nhăm vào lợi nhuận từ mủ cao su, biết đến bao giờ HAGL mới có được lớp cầu thủ kế thừa? Biết đến bao giờ đội tuyển Việt Nam mới có được thế hệ tài năng thật sự? Và biết đến bao giờ bóng đá nước nhà mới kịp sánh vai cùng bè bạn?”.

Nhiều người bảo ông chơi ngông, nhưng “ngông” như thế cũng đáng ấy chứ?! Có thể nói đây không chỉ là một sự kiện trọng đại của riêng đội bóng HAGL mà còn với cả nền bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên việc đào tạo cầu thủ không có gì là mới mẻ và ở trong nước có nhiều lò nổi tiếng như Viettel, SLNA, Đồng Tháp, SHB.Đà Nẵng… Sự khác biệt có chăng là HAGL liên kết với Arsenal, một CLB nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, mục đích của học viện là xuất khẩu cầu thủ sang thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu, sau đó đến thị trường châu Á. Số còn lại khoác áo các CLB trong nước và tất nhiên họ đủ sức khoác áo đội tuyển quốc gia trong tương lai.

HH
Học viện HAGL Arsenal JMG. (Ảnh: FBNV).

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh khối đá granit được gọt giũa cẩn thận thành hình chiếc giày khổng lồ nằm ở cổng vào học viện, trên đó ngoài logo của các đối tác còn nổi bật dòng chữ “For future of Vietnam football”. Không biết mọi người thế nào chứ riêng tôi thật sự rất xúc động.

Bầu Đức không chỉ dám nghĩ, dám làm, đi trước thiên hạ mà còn có tầm nhìn xa trông rộng và hơn hết là cả cái tâm đối với bóng đá Việt Nam. Bỏ qua một bên việc đào tạo, xuất khẩu cầu thủ để thu lợi nhuận, đánh bóng thương hiệu… những gì bầu Đức đã làm thật sự đáng hoan nghênh và trân trọng.

Đừng để Bầu Đức “đơn thương”

Tuy thua ở trận chung kết lần thứ 3 liên tiếp nhưng tôi nghĩ đây là trận thua cần thiết, phản ánh đúng trình độ giữa bóng đá khu vực và châu lục. Tố chất cầu thủ Việt Nam không thua kém gì cầu thủ ở những nền bóng đá phát triển từ kỹ chiến thuật đến tư duy chơi bóng, cái họ thiếu là môi trường lành mạnh để phát triển, đào tạo bài bản, khoa học và có định hướng rõ ràng.

V.League lên “chuyên nghiệp” từ mùa giải 2000-2001 đến nay đã hơn một thập niên nhưng những gì đọng lại khiến người hâm mộ lắc đầu ngao ngán: bạo lực sân cỏ, giải thể đội bóng, bán độ, công tác tổ chức… Tuy nhiên, nhìn cảnh trận chung kết giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy rằng người hâm mộ chưa bao giờ quay lưng lại với bóng đá nước nhà nếu như cầu thủ tôn trọng khán giả, màu cờ sắc áo.

Thành công bước đầu đòi hỏi những người có trách nhiệm suy nghĩ lại, liệu có nên “đập đi xây lại” bởi vì… muộn còn hơn không?!

JJ
Fan bóng đá không muốn bầu Đức đơn thương độc mã trên đường trường.

Với một người có cái tôi rất lớn, bầu Đức từng tuyên bố: “Cả đời tôi chưa từng làm phó cho ai. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm phó cho bầu Thắng”. Có thể hiểu bầu Đức sẽ làm tất cả những gì có lợi cho bóng đá Việt Nam mà không màng đến những toan tính cá nhân tầm thường. Thiết nghĩ, nếu bóng đá nước nhà có thật nhiều “bầu Đức” thì ngày ĐTQG thi đấu ở sân chơi World Cup không còn là giấc mơ xa xỉ với hàng triệu con tim Việt.

7 năm - khoảng thời gian quá dài để đào tạo một thế hệ cầu thủ, xin đừng để bầu Đức bước đi một mình, đến một lúc nào đó ông sẽ cảm thấy cô đơn và không biết khi nào đôi chân của ông dừng lại vì mệt mỏi.

Bất giác tôi chợt nhớ đến nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn. Xin trích dẫn suy nghĩ : “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất, kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Muôn nẻo đường vào U19 Việt Nam

Đằng sau con đường vào đội U19 Việt Nam là những câu chuyện ly kỳ, trắc trở, đặc biệt là những thành viên của học viện HAGL-Arsenal JMG.

Con đường không bao giờ có sẵn cho chúng ta đi, chỉ có những người dám chấp nhận sự thật, thách thức và bước trên con đường đó, đi trên nó và đúc kết kinh nghiệm. Trong cuộc sống cần có hy vọng, phải biến hy vọng thành khát vọng, thành niềm tin mãnh liệt trong những bước đi của cuộc đời. Bản thân mọi người đã bao giờ biết hy vọng và hành động cho hy vọng ấy chưa?

Những gì cần nói, những lời ca tụng có lẽ là thừa thãi, báo chí, truyền thông đã nói quá nhiều và bản thân bầu Đức cũng không thích những lời ca ngợi ấy. Chú Đức, cái tên đã nói lên tất cả con người của chú. Một lần nữa, thay mặt người hâm mộ cảm ơn ông vì những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam, cảm ơn vì tất cả.

Chúc ông có thật nhiều sức khỏe!

Độc giả Minh Quốc

Bạn có thể quan tâm