Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng chỉ nghĩ cụm lây nhiễm đầu tiên là ở sân bay Tân Sơn Nhất'

"Có thể người được cho là F1, F2 thật ra chính là F0 đầu tiên, sau đó một số trường hợp đã khỏi bệnh. Đừng nghĩ cụm đầu tiên là ở sân bay Tân Sơn Nhất", chuyên gia nhận định.

Chỉ trong 3 ngày, 6-8/2, TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ngành y tế hiện vẫn chưa xác định được nguồn của chuỗi lây nhiễm này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số ca mắc còn có thể nhiều hơn nữa.

Nhận định về tình hình dịch bệnh mới tái bùng phát ở TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng công tác kiểm soát dịch cần phải làm nhanh hơn nữa.

"Tình hình này thì cực hơn nhiều, khoanh vùng phải nhanh hơn, xét nghiệm nhiều hơn và người dân phải hợp tác hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.

F0 chưa chắc là người nhiễm bệnh đầu tiên

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 8/2, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đã xuất hiện một số trường hợp F2 dương tính nhưng F1 lại âm tính.

Phân tích điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần tính đến khả năng F1 đó không phải là F1. Cụ thể, trường hợp được cho là F1 thật ra có thể là nguồn lây bệnh đầu tiên cho người khác. Và đến thời điểm được xét nghiệm, trường hợp này đã khỏi bệnh.

"Có thể người được cho là F1, F2 thật ra chính là F0 đầu tiên, sau đó một số trường hợp đã khỏi bệnh nên xét nghiệm ra âm tính. Đừng chỉ nghĩ cụm đầu tiên là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu cứ coi như vậy sẽ chậm. Bây giờ, việc quan trọng là tìm ra các cụm lây nhiễm và khoanh vùng", bác sĩ Khanh nhận định.

dich Covid-19 tai bung phat tai TP.HCM anh 1

Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng.

Theo chuyên gia, để việc xét nghiệm được nhanh chóng, hiệu quả, ngành y tế cần coi mọi cụm phát hiện được là cụm đầu tiên và truy vết nhanh chóng những cụm xung quanh, xét nghiệm gộp để có kết quả nhanh nhất.

Nói về tốc độ lây nhiễm của các ca mắc mới, chuyên gia so sánh ở Hải Dương, các nhà máy thường gần khu dân cư tập trung đông công nhân nên dù lây nhiễm nhanh nhưng dễ khoanh vùng. Tuy nhiên, tại sân bay Tân Sơn Nhất, người lao động đến và đi nhiều nơi nên nguy cơ lây nhiễm sẽ rộng hơn, đòi hỏi xét nghiệm nhanh hơn, khoanh vùng tốt hơn.

Không để dịch vào bệnh viện

Trong tình hình hiện tại, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh điều quan trọng nhất là không để dịch xâm nhập vào bệnh viện, lây nhiễm cho nhóm yếu nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền.

"Quá tải xét nghiệm thì còn xử lý được, còn nếu quá tải điều trị thì rất khó", bác sĩ Khanh lý giải.

Đáng chú ý, thời gian qua, rất nhiều người dân tại TP.HCM đã về quê ăn Tết. Do đó, các tỉnh thành phải phối hợp với TP.HCM theo dõi tình hình, chủ động đề phòng nguy cơ dịch bệnh.

Nếu không muốn dịch lan rộng, người dân cần đề cao ý thức phòng chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang. "Ai cũng phải nghĩ là mình đang có bệnh và người đối diện mình cũng đang có bệnh thì mới không chế được. Đeo khẩu trang là quan trọng nhất", ông nhấn mạnh.

dich Covid-19 tai bung phat tai TP.HCM anh 2

Sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Chí Hùng.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Bộ Y tế đã công bố TP.HCM có 6 bệnh nhân mắc Covid-19. 5 trường hợp mới nhất đều là nhân viên làm công việc xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong đó, một người sống tại chung cư Ehome 4, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, những trường hợp còn lại có địa chỉ ở quận 1, 12 và Tân Bình (TP.HCM). Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ngoài ra, sáng 8/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết thành phố có thêm 24 người nghi mắc Covid-19. Những người này có địa chỉ tại quận 12 (7 người), Bình Tân (7), Bình Thạnh (5), Gò Vấp (5). Bộ Y tế chưa công bố các trường hợp này.

9 khu vực đang phong tỏa tại TP.HCM:

1. Toàn bộ tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh), quận 1.

2. Tổ 22, khu phố 3A, Thạnh Lộc, quận 12.

3. Tổ 47, khu phố 4, Trung Mỹ Tây, quận 12.

4. Quán Nam Bắc, 12A1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình.

5. Quán Cây Bàng, B68 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình.

6. Quán gà ta Phương Nam, A3 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình.

7. 130/57 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình.

8. Khu nhà trọ 90/16 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, Tân Bình.

9. Khu nhà trọ 60/41/25 Nguyễn Văn Cự, Tân Tạo, quận Bình Tân.

Nhiều người ở TP.HCM lơ là không đeo khẩu trang Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều người ở TP.HCM vẫn chủ quan, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Cảnh lộn xộn ở chốt phong tỏa khu Mả Lạng

Tại khu vực phong tỏa khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM), người dân tấp nập chuyển đồ ra vào khiến cho chốt chặn trở nên hỗn loạn.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm